1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lời kể của một nô lệ tình dục trong vụ “Cưỡng hiếp Nam Kinh”

(Dân trí) - Bà Zhou Fenying là một nhân chứng sống cho thời kỳ lịch sử đen tối vẫn đang xói mòn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hơn 60 năm qua. Đó là vụ “Cưỡng hiếp Nam Kinh” đầy tai tiếng trong Thế chiến thứ II.

Khi bà Zhou 22 tuổi, phát xít Nhật đã vào làng bà, ở miền đông Trung Quốc, bắt bà và cô em chồng, đưa đến một nhà thổ quân đội. Giờ đã bước sang tuổi 91, bà Zhou mới phá vỡ im lặng, kể về những tháng ngày khổ cực của một “người phụ nữ giải trí”, từ mà người Nhật dùng để nói về những phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục.

 

“Tôi đã giấu cô em chồng tôi bên dưới chiếc cối xay. Nhưng sau đó, lính Nhật đã tìm ra cả hai chúng tôi, cầm chân kéo chúng tôi ra. Chúng buộc chúng tôi lên xe. Sau đó chúng dùng thêm dây thừng để chắc rằng chúng tôi không thể trốn thoát, rồi đưa chúng tôi đi”, bà thổ lộ với Reuters trong cuộc phỏng vấn tại ngôi làng của bà ở tỉnh Giang Tô.

 

“Sau đó chúng mang chúng tôi đến “ngôi nhà của phụ nữ giải trí”. Chẳng có gì tốt đẹp ở đó cả”.

 

“Khoảng 4, 5 tiếng trong một ngày là cực hình. Sau mỗi lần, chúng cho chúng tôi thức ăn, nhưng ngày nào chúng tôi cũng khóc, và không muốn ăn tí nào”, bà Zhou nhớ lại.

 

Chính phủ Trung Quốc cho cho rằng Nhật chưa chuộc lỗi đúng mức cho những tội ác chiến tranh trước kia của họ, trong đó có các vụ thảm sát và ép buộc người dân phải làm việc như những nô lệ trong các nhà máy và nhà thổ.

 

Hiện bà Zhou tránh nói chi tiết về những gì xảy ra trong nhà thổ bà từng bị đưa tới. Bà chỉ cho biết bà đã sống cùng ít nhất 20 phụ nữ Trung Quốc khác. Nhưng con trai của bà, Jiang Weixun, 62 tuổi, cho biết bà đã nói với ông rằng ngày nào cũng bị lính Nhật cưỡng hiếp.

 

Quãng đời hãi hùng đó đã để lại một vết sẹo lớn trong cuộc đời bà Zhou. Bà không thể nào quên, và cũng không thể tha thứ được. “Nếu đó là bạn, bạn có căm ghét họ không? Dĩ nhiên tôi căm ghét họ. Nhưng sau chiến tranh, tất cả người Nhật trở về nước họ. Tôi cũng đã già. Tôi nghĩ tất cả họ giờ đã chết rồi”, bà Zhou nói.

 

Hồi đó bà Zhou phải làm nô lệ tình dục trong hai tháng, sau đó may mắn được một quan chức địa phương trả tiền cho người Nhật và cứu thoát khỏi nhà thổ. Bà được trở về với chồng, người sau đó hi sinh trong cuộc chiến chống Nhật.

 

Bà Zhou tái hôn và hiện sống cùng con trai Jiang, người con trong cuộc hôn nhân thứ hai của bà.

 

Người con trai cho biết bà Zhou quyết định phá vỡ im lặng sau khi biết được tin bà Lei Guiying, một nô lệ tình dục nổi tiếng trong vụ “cưỡng hiếp Nam Kinh”, qua đời vì xuất huyết não. Sau 60 năm giấu giếm gia đình bà Lei Guiying đã phá vỡ im lặng và công khai kể về những ngày tháng đày đọa của mình.

 

Người con trai Jiang cho biết, ông không xấu hổ về mẹ, một trong khoảng 50 người Trung Quốc từng bị bắt làm nô lệ tình dục còn sống. Câu chuyện của bà càng tố cáo hành động tội ác của lính Nhật trước kia.

 

“Khi mẹ nói với tôi về chuyện này, là con trai của bà, tôi không ghét bỏ bà. Phát xít Nhật là những người tôi nên căm ghét. Họ chính là những người đã phạm tội. Nhật phải chịu trách nhiệm về điều này”.

 

Đến nay Tokyo chưa đền bù trực tiếp cho ước tính khoảng 200.000 phụ nữ mà hầu hết là người châu Á, bị ép làm trong các nhà thổ cho lính Nhật trước khi Thế chiến thứ II kết thúc. Tokyo cho rằng tất cả những cáo buộc đó đã được giải quyết bằng các hiệp ước hòa bình sau chiến tranh.

 

Thay vào đó, năm 1995 Tokyo thành lập Quỹ Phụ nữ châu Á, một tổ chức tư nhân được chính phủ tài trợ, để bù đắp cho những nô lệ tình dục thời chiến tranh vẫn còn sống.

 

Trang Thu

Theo Reuters