1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez

(Dân trí) - Là huyết mạch giao thông Đông-Tây, là tuyến đường biển ngắn nhất nối liền lục địa Á-Âu mà không phải qua châu Phi, kênh đào Suez - một công trình nhân tạo khổng lồ, đã tác động mạnh đến sự phát triển của giao thương không chỉ của Ai Cập mà toàn thế giới.

Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez - 1

Dài 163 km, rộng có nơi tới 150 m, kênh đào Suez chạy từ phía Bắc tới phía Nam đi ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập, nối liền thành phố cảng Port Said trên bờ Địa Trung Hải và thành phố cảng Suez trên bờ Biển Đỏ. Kênh đào Suez có vai trò rất quan trọng, góp phần rút ngắn tuyến đường biển cho những con tàu dưới 150.000 tấn đi từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải đến Biển Đỏ rồi qua Ấn Độ Dương hay ngược lại. Nói cách khác, nó cung cấp một lối đi tắt cho những con tàu đi qua cảng châu Âu-châu Mỹ đến những cảng phía Nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và châu Đại Dương. Nhờ Kênh đào Suez, con đường biển từ London (Anh) tới Mumbai (Ấn Độ) đã rút ngắn được gần 12.000 km.
Dự án xây dựng kênh đào có một không hai trên thế giới này được thai nghén từ cuối thế kỉ XVIII, khi Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte chinh phục Ai Cập và tiến hành các nghiên cứu khả thi về việc xây dựng một con kênh nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Tuy nhiên, dự án của ông đã phải bỏ dở khi mà các nghiên cứu cho thấy mực nước ở Biển Đỏ cao hơn mực nước Địa Trung Hải 10m và chi phí ước tính cho việc xây dựng quá cao.
 
Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez - 2

Kênh đào chính thức được khởi công tháng 4/1859

Tuy nhiên, cuộc khảo sát lần hai vào năm 1840 đã cho thấy kết quả khảo sát lần một là không chính xác và khẳng định có thể xây dựng một con kênh nối liền Địa Trung Hải-Biển Đỏ với chi phí không quá cao. Vậy là tháng 4/1859, Pháp chính thức cho phép việc xây dựng Kênh đào Suez. Trải qua 10 năm với sự tham gia của hơn 2,4 triệu công nhân Ai Cập, cùng rất nhiều gian nan, và 125.000 công nhân phải bỏ mạng, đến tháng 11/1869, kênh đào Suez chính thức được khánh thành.

Năm 1875, Pháp đã buộc phải bán cổ phần của mình tại kênh đào (với giá 400.000 bảng Anh) cho Anh, giữa lúc lợi nhuận hàng năm mà kênh đào này mang lại là 25 triệu USD, tương đương với 200 triệu USD ngày này. Cho đến tháng 8/1882, Anh đã giành quyền kiểm soát Kênh đào Suez và tuyên bố sự bảo hộ đối với con kênh này, nhưng đến năm 1954, Anh đã phải đồng ý rút khỏi đây.

Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez - 3
Suez ngày nay…
 
Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez - 4
 
… và cảng Port Said trên bờ Địa Trung Hải, điểm phát xuất của kênh đào
Vào tháng 10/1956, cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez đã xảy ra trên đất Ai Cập, báo hiệu sự suy yếu của hai quốc gia “già cỗi” khi đó là Anh và Pháp, và là cơ hội để Mỹ chen chân vào khu vực chiến lược này. Cuộc khủng hoảng đã thực sự làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông, đánh dấu việc lần đầu tiên một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được triển khai nhằm giải quyết khủng hoảng.
 
Tuy chịu nhiều tổn thất với cơ sở hạ tầng bị hư hại, cùng hàng nghìn người chết và bị thương nhưng cuộc chiến, đã giúp Ai Cập đạt được mục tiêu quan trọng: Giành lại chủ quyền hoàn toàn đối với Kênh đào Suez. Đến giữa năm 1967, Ixraen xâm chiếm Ai Cập, hoạt động của kênh phải tạm dừng đến tháng 6/1975 mới tiếp tục được đưa vào sử dụng trở lại.
 
Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez - 5
Tàu hải quân Mỹ USS Little Rock trên kênh đào Suez tháng 6/1975, khi kênh đào tiếp tục được đưa vào sử dụng trở lại

Kể từ khi được mở cửa lưu thông, Kênh đào Suez nhanh chóng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền giao thương thế giới. 50 năm sau sự kiện tháng 10/1956, Kênh đào Suez vẫn là huyết mạch sống còn của tuyến lưu thông hàng hóa từ Đông sang Tây, đặc biệt là vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển. Hơn thế nữa, Kênh đào Suez còn có vai trò chiến lược về mặt an ninh trong khu vực Trung Đông, trong bối cảnh khu vực Trung Đông luôn đầy biến động, Ai Cập được Mỹ xem như “hòn đá tảng” trong chính sách Trung Đông của mình.

Hiện nay, cùng với du lịch, việc khai thác Kênh đào Suez là một trong những ngành dịch vụ thương mại quan trọng của Ai Cập. Trong năm 2005, hơn 18.700 tàu của các nước chuyên chở 665 triệu tấn hàng hóa các loại qua Kênh đào này, mang lại cho Ai Cập khoản thu nhập lên đến 3,42 tỉ USD so với 3,275 tỉ USD của năm 2004. Trong 7 tháng đầu năm 2006, kênh đào Suez đã thu được 2,1 tỉ USD và dự kiến trong năm 2006 sẽ đem về cho Ai Cập 3,56 tỉ USD. Chính phủ Ai Cập có kế hoạch đào sâu thêm Kênh Suez để đủ khả năng đón những con tàu tải trọng lớn hơn.

Nguyễn Viết
Sưu tầm
Dòng sự kiện: Du lịch khám phá