1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lộ diện những "ông lớn" xuất khẩu vũ khí mới sau chiến sự tại Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Cuộc xung đột Ukraine đã làm thay đổi cục diện ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu, trong đó dần lộ diện những nước buôn bán vũ khí mới, ngoài những cái tên như Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.

Lộ diện những ông lớn xuất khẩu vũ khí mới sau chiến sự tại Ukraine - 1

Quân đội Ukraine triển khai pháo do phương Tây hỗ trợ trong trận chiến chống lại Nga (Ảnh: AP).

Lâu nay, khi nói đến những ông lớn sản xuất buôn bán vũ khí của thế giới là đều nhắc đến những cái tên gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức. Đây là những nước đã chiếm hơn 3/4 lượng xuất khẩu vũ khí trên toàn thế giới.

Nhưng kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, các nhà sản xuất vũ khí mới nổi đang thách thức "những người tiền nhiệm" này. Những cái tên mới đang tận dụng tối đa các cơ hội được tạo ra nhờ sự thay đổi địa chính trị toàn cầu,

Chuyến đi đến Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được giới quan sát nhận định đã hé lộ những tín hiệu thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng. Hình ảnh ông Kim Jong-un tươi cười bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin thu hút sự chú ý đặc biệt của phương Tây, vì nhiều lý do.

Một trong những chi tiết được quan tâm nhất là các thảo luận liên quan tới quốc phòng. Theo giới phân tích phương Tây, trong cuộc gặp vừa qua, hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên có thể trao đổi về một số vấn đề liên quan vũ khí. NBC News dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ cung cấp đạn pháo cho Nga và đổi lại, Moscow sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng thực phẩm và năng lượng.

Do các lệnh trừng phạt, không nhiều quốc gia sẵn sàng bán vũ khí cho Nga. Cho đến nay, theo các nguồn tin, chỉ có Iran được cho từng là bán khoảng 2.400 máy bay không người lái (UAV) tự sát Shahed cho Nga. Và thực tế là Triều Tiên có thể cung cấp nhiều loại vũ khí hơn. Cùng với UAV và tên lửa như KN-23, gần như là bản sao của tên lửa đạn đạo Iskander của Nga, Bình Nhưỡng có thể cung cấp pháo tự hành và hệ thống tên lửa đa phóng. 

Nếu ngành công nghiệp vũ khí của Triều Tiên đang được thúc đẩy từ cuộc chiến ở Ukraine thì ngành công nghiệp vũ khí ở Hàn Quốc thậm chí còn phát triển tốt hơn. Các nhà xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã mở rộng quy mô của họ ngay cả trước khi xảy ra xung đột Ukraine.

Trong 5 năm, tính đến năm 2022, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng "những quốc gia buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới" của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc, nơi từng sản xuất vũ khí chủ yếu để phòng thủ, trở thành nước xuất khẩu khí tài quân sự phát triển nhanh nhất thế giới, với doanh số tăng hơn gấp đôi vào năm 2022. Chính phủ Hàn Quốc từ lâu đã ấp ủ tham vọng gia nhập hàng ngũ các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, và hướng tới mục tiêu trở thành nước lớn thứ 4, sau Mỹ, Nga và Pháp vào năm 2027.

Lộ diện những ông lớn xuất khẩu vũ khí mới sau chiến sự tại Ukraine - 2

Ngành vũ khí Hàn Quốc hướng tới mục tiêu trở thành nước lớn thứ 4, sau Mỹ, Nga và Pháp vào năm 2027 (Ảnh: AFP).

Và họ đang dần đi đến đích. Năm ngoái, Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 17,3 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với năm 2021. Trong đó, khoảng 14,5 tỷ USD là thu được từ việc bán vũ khí cho Ba Lan, một thành viên NATO và cũng là một quốc gia hỗ trợ lớn cho Ukraine.

Cả hai cũng đạt thỏa thuận mua bán 1.000 xe tăng Black Panther, 180 chiếc trong số đó được giao nhanh từ kho của quân đội và 820 chiếc sẽ được sản xuất theo giấy phép ở Ba Lan. Con số này nhiều hơn số xe tăng đang hoạt động trong quân đội Đức, Pháp, Anh và Italy cộng lại. Gói thỏa thuận này còn bao gồm 672 pháo tự hành K9 Thunder, bệ phóng tên lửa đa năng Chunmoo 288 k239 và 48 chiếc Golden Eagle FA-50, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 giá rẻ.

Thành công của Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí là nhờ giá rẻ, vũ khí chất lượng cao và giao hàng nhanh chóng. Giá thành của các sản phẩm phản ánh hiệu quả sản xuất của nước này. Kết quả này có được xuất phát từ kinh nghiệm của Hàn Quốc khi làm việc với các loại vũ khí tốt nhất của Mỹ và từ khu vực dân sự công nghệ cao của chính nước này.

Theo các chuyên gia, việc Chiến tranh Triều Tiên chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng chiến chứ không phải hiệp định hòa bình, cũng như việc Bình Nhưỡng liên tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân chính là động lực để Hàn Quốc tăng cường sức mạnh cho ngành vũ khí quân sự. Điều này mang lại cho Seoul lợi thế toàn cầu về sản xuất vũ khí vì họ có khả năng sản xuất hàng loạt một cách nhanh chóng và dễ dàng bất cứ khi nào nhận được đơn đặt hàng.

Chuyên gia Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu về chương trình chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho biết sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các thỏa thuận tín dụng hấp dẫn cũng là điểm quan trọng mang lại thành công cho Hàn Quốc.

Nếu Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu không thể tranh cãi trong số các ông lớn xuất khẩu vũ khí mới nổi thì vị trí thứ hai thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002, đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền đã đổ tiền vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Thổ Nhĩ Kỳ càng nỗ lực thúc đẩy mục tiêu đạt được việc gần như tự túc trong sản xuất vũ khí khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, trong đó có lệnh trừng phạt trước đây được áp đặt vào năm 2019 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, mua tên lửa đất đối không S-400 của Nga.

Lộ diện những ông lớn xuất khẩu vũ khí mới sau chiến sự tại Ukraine - 3

Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những mẫu UAV tấn công mạnh nhất hiện nay (Ảnh: Art Station).

SIPRI cho rằng, từ năm 2018-2022, xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 69% so với giai đoạn 5 năm trước đó và thị phần của nước này trên thị trường vũ khí toàn cầu đã tăng gấp đôi. Theo một báo cáo vào tháng 7 của một cơ quan công nghiệp địa phương, giá trị xuất khẩu quốc phòng và hàng không vũ trụ của nước này đã tăng 38% vào năm 2022, so với năm trước, đạt 4,4 tỷ USD.

Mục tiêu năm nay là 6 tỷ USD. Khách hàng tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ là Pakistan đang nhận tàu ngầm hiện đại hóa từ nước này. Và chiếc cuối cùng trong số 4 tàu hộ tống mà Thổ Nhĩ Kỳ bán cho hải quân Pakistan đã được hạ thủy vào tháng trước.

Ankara có khả năng sẽ tăng doanh số bán hàng hơn cho các quốc gia khác vì tàu của Thổ Nhĩ Kỳ có giá cạnh tranh và vì nước này không lo ngại về việc sẽ bán cho ai.

Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ lại do UAV vũ trang dẫn đầu. Vào ngày 18/7, Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD với Ả Rập Xê Út để cung cấp UAV Akinci, có thể phóng tên lửa siêu thanh. Nó là sản phẩm của Baykar, công ty sản xuất Bayraktar TB2, một loại UAV đã được Libya, Azerbaijan, Ethiopia và Ukraine sử dụng trong chiến đấu.

TB2 được Thổ Nhĩ Kỳ phát triển để săn lùng phiến quân người Kurd sau khi bị Mỹ từ chối bán UAV Predator. Hơn 20 quốc gia đã xếp hàng để mua loại UAV này vì giá rẻ hơn và sẵn có hơn so với sản phẩm thay thế của Mỹ cũng như đáng tin cậy hơn so với các UAV của Trung Quốc, trước đây vốn thống trị thị trường ngoài phương Tây. Akinci mạnh hơn, có thể mang theo nhiều loại vũ khí lớn, bao gồm tên lửa không đối không và SOM-A, một loại tên lửa hành trình tàng hình có tầm bắn 250km.

Một số quốc gia vùng Vịnh khác, chẳng hạn như Qatar, Oman và UAE, cũng đang tìm mua loại UAV này nhằm phòng ngừa mối quan hệ đang xấu đi với Mỹ với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Washington. Các nước này có tham vọng xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình và coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác và là tấm gương để noi theo.

Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện qua những gì khác đang được triển khai. Soái hạm hải quân mới Anadolu, là tàu tấn công đổ bộ nặng 25.000 tấn và là tàu sân bay hạng nhẹ. Ít nhất một quốc gia vùng Vịnh được cho là đang đàm phán để mua 1 con tàu tương tự.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Thổ Nhĩ Kỳ, KAAN, mà Pakistan và Azerbaijan đặt mua, sẽ bay trước cuối năm nay. Được phát triển với sự trợ giúp từ BAE Systems và Rolls-Royce của Anh, KAAN có thể được coi là "phản ứng đáp trả" của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Mỹ loại khỏi chương trình đối tác F-35 vì Ankara đã mua S-400 của Nga.

Theo các chuyên gia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã được hưởng lợi từ sự khó khăn của các đối thủ cạnh tranh chính. Theo SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Nga từ năm 2018-2022 thấp hơn 31% so với giai đoạn 4 năm trước đó.

Moscow cũng đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm hơn nữa do căng thẳng chiến sự đang đặt lên các ngành công nghiệp quốc phòng, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc hai khách hàng lớn là Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Ấn Độ, trước đây là khách hàng lớn nhất của Nga, đã cắt giảm 37% lượng mua vũ khí của nước này trong giai đoạn 2018-2022. Nhiều trong số 272 chiếc Su-30mki của Ấn Độ, xương sống của lực lượng không quân nước này, đã bị hỏng vì Nga không thể cung cấp các bộ phận thay thế. 

Và các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang hạn chế hoạt động buôn bán những thứ như vi mạch, vòng bi, máy công cụ và hệ thống quang học, vốn sẽ cản trở năng lực bán máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và các thiết bị quân sự khác của Nga. Theo các chuyên gia, cuộc chiến ở Ukraine càng kéo dài thì Nga sẽ càng phải chật vật để giành lại vị thế của mình trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Nhưng ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc cũng có những vấn đề. Ông Waldwyn cho biết, thách thức đặt ra là mặc dù Bắc Kinh đặt mục tiêu thống trị thị trường UAV quân sự cách đây một thập niên nhưng khách hàng của họ lại lo ngại vì chất lượng và hỗ trợ kém.

Và chính điều đó đã mở ra cánh cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Economist