1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lộ diện lực lượng đánh bom đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) – Ngày 2/2, nhóm khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ DHKP-C đã lên tiếng nhận trách nhiệm và tiết lộ danh tính kẻ đánh bom liều chết. Đó là một kẻ từng bị chính quyền địa phương bắt giữ năm 1997 trước khi trả tự do năm 2001.

Cơ quan ngoại giao Mỹ liên tục là mục tiêu của những kẻ khủng bố
Cơ quan ngoại giao Mỹ liên tục là mục tiêu của những kẻ khủng bố

Trong thông báo được đăng tải trên website của mình, tổ chức có tên Đảng Cách mạng nhân dân tự do, hay DHKP-C, một tổ chức bị Mỹ và châu Âu liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, khẳng định: “Chiến binh của chúng tôi, Alisan Sanli, đã thực hiện hành động cảm tử vào ngày 1/2/2013 bằng cách vào đại sứ quán tại Ankara của Mỹ, những kẻ giết người của thế giới”.
 
Cùng với thông báo trên là một bức ảnh được tuyên bố là của kẻ đánh bom mặc trang phục quân sự, đội mũ nồi đen với nhiều thuốc nổ quấn quanh thắt lưng.

Hãng tin AP dẫn lời cơ quan chức năng cho biết, hung thủ đã từng phải ngồi tù vài năm tại Thổ Nhĩ Kỳ vì tội khủng bố nhưng sau đó được trả tự do và hưởng án treo do được chẩn đoán mắc một chức rối loạn thần kinh xuất phát từ việc tuyệt thực.

Hung thủ 40 tuổi này đã tiến vào đại sứ quán Mỹ với một lượng thuốc nổ TNT đủ để “thổi bay” tòa nhà 2 tầng và cũng đã kích nổ một quả lựu đạn cầm tay.

Sau khi được tha năm 2001, Sanli đã đào tẩu khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trước khi lại nhập cảnh bất hợp pháp, sử dụng danh tính giả. Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler khẳng định. Hiện chưa rõ tên này nhập cảnh vào nước này bao lâu trước khi thực hiện vụ tấn công.

Sanli là một thành viên của DHKP-C, một tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật và từng nhận trách nhiệm về nhiều vụ đánh bom và ám sát kể từ những năm 1970 nhưng khá kín tiếng trong vài năm gần đây. So với al-Qaida, tổ chức này chưa bị xem là một mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng.

Động cơ của Sanli khi thực hiện vụ đánh bom hiện chưa rõ. Nhưng theo nhận định của cơ quan chức năng, có thể hành động này nhằm trả đũa việc một số thành viên của tổ chức này bị bắt giữ trong một đợt truy quét toàn quốc hồi tháng trước.

Cũng có tin đồn cho rằng vụ đánh bom có liên quan đến việc Mỹ hậu thuẫn những chỉ trích gay gắt của Thổ Nhĩ kỳ nhắm vào chính quyền Syria. Dù vậy Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại phủ nhận điều này.

Sanli từng bị bắt năm 1997 vì bị nghi dính líu tới vụ tấn công vào sở chỉ huy cảnh sát Istanbul và nhà khách quân đội. Y bị giam vị là thành viên của DHKP-C. Theo thông báo từ văn phòng thị trưởng Ankara, trong lúc phải ngồi tù chờ xét xử, tên này đã tham gia một cuộc tuyệt thực, vốn khiến hàng chục tù nhân thiệt mạng.

Sanli được chẩn đoán mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff và được cho tại ngoại, hưởng án treo năm 2001 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đạo luật cho phép những tù nhân bị rối loại do tuyệt thực được chăm sóc đầy đủ. Hội chứng này là một dạng bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng não, ảnh hưởng tới thị lực, sự phối hợp giữa các cơ và trí nhớ, có thể gây ảo giác.

Ngay sau khi được thả tên này đã bỏ trốn và bị truy nã trước khi bị kết án vắng mặt năm 2002. Theo thông tin từ đội rà phá bom mìn, Sanli đã sử dụng 6 kg thuốc nổ TNT trong vụ tấn công đồng thời cho nổ quả lựu đạn cầm tay mang theo.

Ngoài một cảnh vệ người Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng, một nữ phóng viên truyền hình khác bị thương nặng khi tới thăm đại sứ quán đúng thời điểm xảy ra vụ nổ. 2 nhân viên an ninh khác bị thương nhẹ.

Sau vụ việc cả Nhà Trắng và NATO đều lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Trong khi Washington tuyên bố đây “rõ ràng là một hành động khủng bố” thì tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố đây là “hành động tấn công tàn bạo vào cơ quan ngoại giao của một đồng minh, trên lãnh thổ của một đồng minh khác”. Ngoại trưởng các nước Pháp và Anh cũng lên án hành động khủng bố này.

Thanh Tùng
Tổng hợp