1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liệu chiến tranh có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên?

(Dân trí) - Bình Nhưỡng hôm nay cáo buộc Seoul đang đẩy bán đảo Triều Tiên tới một cuộc chiến tranh, khiến căng thẳng liên Triều cũng bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua. Vậy chiến tranh có phải là một mối đe dọa thực sự?

 

Liệu chiến tranh có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên? - 1
Một phần quả ngư lôi mà Hàn Quốc trục vớt được ở hiện trường vụ đắm tàu Cheonan.
 

Liệu chiến tranh có thể xảy ra?

 

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng sẽ không có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên một khi Hàn Quốc là người “giữ lửa”.

 

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng do lực lượng vũ trang cùng thiết bị quân sự của Triều Tiên khá lỗi thời, nên nếu Bình Nhưỡng phát động một cuộc chiến tổng lực, toàn diện, thất bại là điều khó tránh khỏi. Nhưng giới phân tích cũng tin rằng Bình Nhưỡng thừa hiểu được hạn chế của họ.

 

Mặc dù Triều Tiên đã vài lần cho nổ thử thiết bị hạt nhân, nhưng nước này chưa bao giờ chứng tỏ có một quả bom hạt nhân hoạt động được. Giới chuyên gia cũng không tin Triều Tiên có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân để đặt nó lên tên lửa. Tuy nhiên, Triều Tiên đang tìm cách phát triển một đầu đạn như thế.

 

Hơn nữa, giới phân tích cũng cho rằng, phi đội máy bay ném bom của Triều Tiên cũng khá già cỗi, là những máy bay ném bom từ thời Liên Xô cũ. Vì vậy chúng cũng gặp khó khăn khi đối đầu với lực lượng không quân tiên tiến về mặt kỹ thuật của các cường quốc trong khu vực, như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Phi đội máy bay ném bom của các nước này có khả năng mang bom hạt nhân ra ngoài lãnh thổ của họ.

 

Thêm nữa, Hàn Quốc cũng nói rõ rằng họ sẽ không trả đũa sau khi kết quả điều tra cho thấy một quả ngư lôi được bắn từ một tàu ngầm Triều Tiên đã đánh đắm tàu tuần tra Cheonan của họ.

 

Giới phân tích cho rằng nguy cơ lớn nhất có thể “châm ngòi” cho một cuộc đối đầu vũ trang là khi các cuộc đụng độ nhỏ phát triển thành một cuộc xung đột lớn hơn.

 

Nguy cơ khác nữa là khi lực lượng quân sự Mỹ tăng cường sự hiện diện của họ trên bán đảo Triều Tiên, và Bình Nhưỡng xem đó là dấu hiệu sắp xảy ra một cuộc xâm lược.

 

Vì sao lại xảy ra vụ tấn công ngư lôi?

 

Theo giới phân tích, nếu quả đúng có xảy ra một vụ tấn công ngư lôi như Hàn Quốc cáo buộc, thì vụ tấn công ngư lôi đó gần như chắc chắn do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il chỉ định. Và lời giải thích có lý nhất cho cuộc tấn công đó là Triều Tiên muốn “đáp trả” vụ đụng độ trên biển với Hàn Quốc vào tháng 11 năm ngoái, khiến tàu Triều Tiên bị hư hỏng nặng. Khi đó, phía Hàn Quốc cho biết tàu Triều Tiên đã xâm nhập vào vùng biển của Hàn Quốc và đã phải hứng chịu “cơn mưa” đạn của nước này.

 

Nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ gì?

 

Chính phủ của Tổng thống Lee đã ám chỉ đưa vấn đề ra cộng đồng quốc tế, mà chắc chắn là Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ), chứ không tự mình “làm luật”.

 

Các nhà đầu tư không cho rằng vấn đề trên sẽ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang, do họ tin Seoul sẽ không mạo hiểm gây tổn hại tới nền kinh tế của chính nước mình cũng như của toàn khu vực, nơi chiếm khoảng 1/6 sản lượng kinh tế thế giới.

 

Đơn cử, vụ thử hạt nhân năm ngoái của Triều Tiên hầu như không tác động đến các thị trường tài chính, vốn đã quen với cách “hành xử” của Bình Nhưỡng.

 

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng, đồng won rớt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 10 tháng qua vào hôm thứ năm, sau công bố chính thức của Seoul về kết quả điều tra vụ đắm tàu chiến Cheonan. Những bình luận cứng rắn của cả hai bên đã ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư, vốn đã dễ bị tổn thương sau những lo lắng dai dẳng về vấn đề nợ nần ở khu vực đồng euro.

 

Các thị trường tài chính đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ ở Hàn Quốc vào ngày hôm nay, nhưng những tuyên bố tiếp theo của Tổng thống Lee vào tuần tới về cách đối phó của Seoul đối với vụ việc có thể ảnh hưởng tới tâm lý chung, phản ánh mức độ căng thẳng cao nhất trong nhiều năm qua giữa hai miền Triều Tiên.

 

Phan Anh

Theo Reuters