1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liên Hợp Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiếng mẹ đẻ

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm lần thứ 15 này của Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của "các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ" trong việc đảm bảo giáo dục cho tất cả mọi người.

Con vui lắm vì nhận được cặp sách của báo điện tử Dân trí tặng
Các em nhỏ tại xã Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa được nhận cặp sách do báo điện tử Dân trí tặng tháng 6/2013 (Ảnh: Phạm Oanh)
 
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở nhưng việc tiếp cận các cơ hội giáo dục vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa trẻ em dân tộc Kinh và trẻ em dân tộc thiểu số.

Ví dụ trong năm 2011, tỷ lệ biết chữ của người Mông trong độ tuổi từ 15 trở lên chỉ là 38%, trong khi mức trung bình của quốc gia là 94%. Tương tự như vậy, chỉ có 73% trẻ em người Mông và 86% trẻ em người Khmer trong độ tuổi học tiểu học được học tiểu học, trong khi tỷ lệ này của trẻ em người Kinh đạt mức 97%.

Trong nhiều năm qua, UNESCO và UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu toàn cầu về "Giáo dục cho mọi người". Tổng Giám đốc UNESCO - Bà Irina Bokova đã nhấn mạnh trong thông điệp của mình ngày hôm nay: "Giáo dục bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là một phần thiết yếu của việc đạt được các mục tiêu này, đồng thời nhằm tạo ra các điều kiện học tập cũng như củng cố những kỹ năng đọc, viết và làm toán. Việc tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào công tác giảng dạy đào tạo, cải biên các phiên bản khác nhau của chương trình học và tạo ra những môi trường học tập phù hợp là những yêu cầu cần thiết để chúng ta đạt được những mục tiêu đã đề ra".

Trong khi những thành tựu giáo dục có thể bị hạn chế bởi vị trí địa lý và việc tiếp cập thì ngôn ngữ là một rào cản khác cần phải vượt qua đối với trẻ em dân tộc thiểu số. Với tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong các trường học và chỉ có một số ít giáo viên có khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số, điều này gây ra những bất lợi và thiệt thòi cho trẻ em dân tộc thiểu số trong việc học tập. Nhiều em gặp khó khăn trong việc học và tiếp thu hoặc nhanh chóng bỏ học, điều này đã hạn chế các cơ hội đạt được tiềm năng đầy đủ của các em.

Tuy nhiên, tại một đất nước với hơn 91 triệu dân và 54 dân tộc, giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ đã được chứng minh là một chiến lược có hiệu quả cao trong việc cải thiện kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số. Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ không chỉ giúp nâng cao chất lượng học tập - nó còn giúp tăng cường đa ngôn ngữ, nâng cao sự tôn trọng đối với sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa đặc biệt là ở các xã hội đang phát triển nhanh chóng.

Với sự hỗ trợ của UNICEF, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thử nghiệm thành công một sáng kiến hành động nghiên cứu cho việc giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (MTBBE) tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh từ năm 2008. Kinh nghiệm từ các trường mầm non và tiểu học tham gia thử nghiệm sáng kiến này đã chứng minh rằng việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số được giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ của mình có kết quả cao hơn so với các em dân tộc thiểu số được giảng dạy ngay từ đầu bằng tiếng Việt.

"Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong những năm đầu tiên của giáo dục khuyến khích và hỗ trợ việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số, cho phép các em ở lại học lâu hơn trong trường học và nâng cao thành tích học tập của các em bao gồm cả trong ngôn ngữ tiếng Việt hoặc ngôn ngữ quốc tế sau này. Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là một cách hiệu quả giúp chúng ta không để lại trẻ em nào phía sau và ngoài giáo dục chất lượng. Điều này sẽ giúp trao quyền cho các nhóm dân tộc thiểu số để hòa nhập vào xã hội và đóng góp tốt hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước", phát biểu bởi Ông Abdel-Youssouf Jelil, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam.

Với sự thành công của chương trình thử nghiệm, chính quyền các tỉnh Lào Cai, Gia Lai và An Giang đang tiếp tục mở rộng sáng kiến này, đồng thời các tỉnh khác cũng cam kết áp dụng các chương trình tương tự.

Kết hợp với một số sáng kiến giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ khác, cùng với chính sách quốc gia và đầu tư công mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ ứng dụng việc giảng dạy này rộng rãi hơn, bây giờ Việt Nam đã có một cơ hội quan trọng để tiếp tục gìn giữ sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa của mình. Giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ có thể đóng góp một phần quan trọng trong việc đạt được sự phát triển kinh tế-xã hội công bằng và bền vững.
 

Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ lần đầu tiên được công bố bởi UNESCO vào tháng 11 năm 1999.

 

Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ đã được kỷ niệm hàng năm kể từ tháng 2 năm 2000 để thúc đẩy ngôn ngữ và sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa. Ngày được chọn đại diện cho một ngày trong năm 1952 khi các sinh viên biểu tình đòi công nhận ngôn ngữ của họ - Bangla là một trong hai ngôn ngữ quốc gia của Pakistan. Các sinh viên này sau đó đã bị bắn và giết chết bởi cảnh sát ở Dhaka, thủ đô bây giờ của Bangladesh.

 

Ngôn ngữ là công cụ mạnh mẽ nhất trong việc bảo vệ và phát triển các di sản vật thể và phi vật thể. Tất cả các hành động sáng kiến thúc đẩy sự phổ biến của tiếng mẹ đẻ sẽ không chỉ khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và giáo dục đa ngữ, mà nó còn nhằm giúp chúng ta phát triển nhận thức đầy đủ hơn về truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới cũng như truyền cảm hứng cho sự đoàn kết dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại.

 
PV