1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lầu Năm Góc “vén màn” tiềm lực quân sự của Đài Loan

(Dân trí) - Trong một báo cáo mới đây, Lầu Năm Góc đã vẽ một bức tranh khá ảm đạm về khả năng phòng không của Đài Loan, khi cho biết rất nhiều trong số 400 chiến đấu cơ của hòn đảo này không đủ sức chống lại một cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục.

 

Lầu Năm Góc “vén màn” tiềm lực quân sự của Đài Loan - 1

Mỹ sẽ bán 60 máy bay Balck Hawk trị giá 3,1 tỷ USD cho Đài Loan. 

Trong một bản báo cáo mà hãng thông tấn AP có được, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết “rất ít máy bay (của Đài Loan) có khả năng” chống lại một cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục. Đây là một đánh giá có thể nói là bất thường về khả năng phòng thủ của Đài Loan.

 

Theo giới phân tích, bằng cách đưa ra những điểm yếu của Đài Loan, báo cáo có thể là một lời biện hộ thêm để Washington thông qua yêu cầu của Đài Loan, đó là bán cho hòn đảo này phi đội chiến đấu cơ F-16 mới, loại nằm trong danh sách vũ khí Đài Loan đang rất “khát”.

 

Cuối tháng trước, chính quyền Obama đã thông báo lên quốc hội về kế hoạch bán gói vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan, trong đó có các tên lửa, trực thăng Black Hawk, các hệ thống thông tin và hai tàu dò mìn lớp Osprey.

 

Mặc dù gói bán vũ khí trên không bao gồm các chiến đấu cơ F-16 cũng như một thiết kế tổng thể cho tàu ngầm diesel mà Đài Loan cũng đang rất mong muốn có, nhưng nó đã gây ra phản ứng kịch liệt từ phía Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ.

 

Hiện Mỹ cho biết yêu cầu mua máy bay F-16 của Đài Loan vẫn đang được xem xét.

 

Trong khi đó, Trung Quốc phản đối mọi cuộc mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan, do cho rằng bằng việc bán vũ khí cho Đài Loan, Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

 

Bản báo cáo của DIA, đề ngày 21/1, cho biết 60 chiến đấu cơ F-5 do Mỹ sản xuất mà Đài Loan đang sở hữu đã sắp hết thời hạn hoạt động và 126 máy bay chiến đấu phòng thủ Indigenous sản xuất tại Đài Loan thiếu “khả năng xuất kích liên tục”.

 

Trong khi đó 56 chiến đấu cơ Mirage 2000-5 do Pháp sản xuất của hòn đảo này “về mặt kỹ thuật thì tiên tiến, nhưng chúng cần bảo dưỡng thường xuyên và rất tốn kém. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng hoạt động của các máy bay”.

 

Báo cáo cho biết, một số máy bay F-16 A/B của Đài Loan có thể đã được nâng cấp về các thiết bị điện tử cũng như khả năng chiến đấu, nhưng “mức độ nâng cấp, thời gian còn có thể phục vụ cũng như chất lượng của những máy bay này hiện chưa rõ”.

 

Đài Loan yêu cầu được mua loại máy bay F-16 mẫu C/D, được xem là loại nâng cấp của A/B.

 

Mặc dù mối quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng hòn đảo này vẫn “khăng khăng” muốn mua thêm vũ khí của Mỹ để phòng thủ.

 

Được biết, hiện Bắc Kinh đã triển khai khoảng 1.300 tên lửa nhắm vào các mục tiêu của Đài Loan và trong vòng 15 năm qua, Bắc Kinh đã thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự vượt bậc, tập trung vào các tàu ngầm cũng như khả năng không chiến, thừa sức để có bất kỳ hành động quân sự nào đối với Đài Loan.

 

Khả năng thực hiện hành động quân sự như thế đã được mã hóa trong một luật định của Trung Quốc từ năm 2005, theo đó Trung Quốc dọa sẽ tấn công nếu Đài Loan có động thái tách ra độc lập hoàn toàn hay trì hoãn sự hợp nhất với Đại lục.

 

Mặc dù Washington từ năm 1979 đã công nhận “một Trung Quốc”, nhưng nước này vẫn là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của Đài Loan, cung cấp phần lớn các thiết bị quân sự nhập khẩu của hòn đảo này.

 

Mỹ cũng để ngỏ khả năng cho phép quân đội tới viện trợ cho Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc đại lục tấn công.

 

Sau khi Mỹ công bố hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan gần đây, Trung Quốc đã ngưng tất cả các trao đổi quân sự với Mỹ và dọa trừng phạt những nhà thầu quân sự lớn của Mỹ. Và theo giới phân tích, việc Mỹ quyết định để cho Đài Loan có chiến đấu cơ F-16 mới sẽ châm ngòi cho một cao trào căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai bên.

 

Phan Anh

Theo AP