1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lá chắn "át chủ bài" giúp Israel đánh chặn mưa hỏa lực từ Iran

Thành Đạt

(Dân trí) - Kho vũ khí gồm các hệ thống phòng không và kinh nghiệm tác chiến của Israel có thể giúp nước này đối phó với cuộc tấn công của Iran.

Lá chắn át chủ bài giúp Israel đánh chặn mưa hỏa lực từ Iran - 1

Lá chắn Vòm sắt của Israel đánh chặn tên lửa và rocket nhắm vào Israel (Ảnh: AFP).

Hệ thống phòng không nổi tiếng nhất của Israel là Iron Dome (Vòm Sắt). Đây là một hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Hamas và Hezbollah, hai nhóm vũ trang có liên kết với Iran, bắn trong vài năm qua.

Theo nhà sản xuất Rafael Defense Systems của Israel, Vòm Sắt có tỷ lệ thành công 90%. Đầu tuần này, Israel cũng ra mắt phiên bản hải quân của Vòm Sắt, một hệ thống phòng không được gọi là "C-Dome", để đánh chặn máy bay không người lái của Houthi.

Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Lá chắn át chủ bài giúp Israel đánh chặn mưa hỏa lực từ Iran - 2

Hệ thống Vòm Sắt của Israel (Ảnh: IDF).

Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định. Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.

Tuy nhiên, Vòm Sắt cũng có những hạn chế: Một số tên lửa đã xuyên thủng hệ thống phòng không này, bao gồm một số tên lửa do Hezbollah bắn vào Israel hôm 12/4, và hệ thống phòng thủ này phù hợp nhất với rocket hoặc tên lửa bắn từ khoảng cách ngắn. Radar của Vòm Sắt có tầm hoạt động từ 4 đến 70km.

Michael Herzog, một tướng quân đội về hưu của Israel, cũng chỉ ra một nhược điểm của Vòm sắt là hệ thống này ít hiệu quả hơn ở tầm bắn 4km trở xuống, vì vậy các tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa.

Để đối phó với tên lửa hoặc máy bay không người lái tầm trung đến tầm xa - loại mà Israel sẽ phải đối mặt trong cuộc tấn công của Iran - Israel đã lắp đặt hệ thống David's Sling vào năm 2017. Với tầm bắn lên tới 300km, mục tiêu chính của hệ thống này là bảo vệ và đánh chặn tên lửa cỡ lớn, máy bay không người lái hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

"Hệ thống David's Sling có khả năng đánh chặn tên lửa bắn về phía Israel bởi các nước thù địch như Iran và Syria", Lực lượng Phòng vệ Israe (IDF) cho biết trong một tuyên bố khi giới thiệu hệ thống phòng không.

Lá chắn át chủ bài giúp Israel đánh chặn mưa hỏa lực từ Iran - 3

Hệ thống phòng không Arrow 3 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel).

Ngoài các hệ thống tầm ngắn và tầm trung, Israel còn có hệ thống tên lửa Arrow 2 và Arrow 3, được thiết kế để nhắm mục tiêu và tấn công các tên lửa đạn đạo tầm xa ở cự ly lên tới 2.400km.

Hệ thống Arrow 3 trị giá hàng tỷ USD được Israel phát triển chung với Mỹ để đề phòng mối đe dọa tấn công từ Iran, và nó cuối cùng được triển khai từ năm 2017. Loại tên lửa đánh chặn này di chuyển với tốc độ siêu vượt âm, nhanh hơn và có độ cao lớn hơn hệ thống Arrow 2.

Ngoài các hệ thống phòng không được phát triển trong nước, Israel còn vận hành các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, có tầm bắn lên tới 160km và có thể đánh chặn hầu hết các loại tên lửa. Những hệ thống này đã được chứng minh là khá hiệu quả trước tên lửa siêu vượt âm của Nga ở Ukraine.

Israel cũng có thể triển khai lực lượng không quân rộng khắp để đối phó với các cuộc tấn công của Iran. Phi đội của Israel bao gồm các máy bay chiến đấu F-15, F-16 do Mỹ sản xuất và các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm tiên tiến. Tất cả máy bay này đều có thể được trang bị tên lửa không đối không và có khả năng bắn hạ máy bay không người lái hoặc tên lửa đối phương.

Theo Reuters, CNN