1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng bố chuyển hướng nhằm vào các biểu tượng của Indonesia

(Dân trí) - Ngày 20-12, Cảnh sát Indonesia thông báo đã phá vỡ một âm mưu khủng bố lớn, bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan tới một kế hoạch đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta dịp năm mới 2016.

Khủng bố chuyển hướng nhằm vào các biểu tượng của Indonesia - 1

Cảnh sát Indonesia. (Ảnh: Jakarta Post)

Trong các cuộc truy quét tiến hành ở một số thành phố trên đảo Java trong hai ngày 18 và 19/12/2015, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ ít nhất 5 thành viên của một nhóm cực đoan, thu giữ một số hóa chất có thể dùng chế bom tự tạo và một lá cờ đen rất giống với cờ của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Danh tính của 2 nghi can trong số những người bị bắt giữ được cảnh sát Indonesia tiết lộ gồm Asep Urip, 31 tuổi, dạy học trong một trường Hồi giáo có khuynh hướng cực đoan ở miền Trung đảo Java; và Zaenal, học trò của Urip.

Theo thông cáo chính thức của cảnh sát Indonesia, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Zaenal được chỉ định để thực hiện một vụ đánh bom tại Thủ đô Jakarta trong đêm giao thừa 31/12/2015.

Các phần tử người Indonesia này từng xuất hiện trong clip của IS trước đây.

Ngoài hai thầy trò Urip và Zaenal, 2 nghi can khác cũng bị bắt do có liên hệ với trường Hồi giáo nơi Urip giảng dạy và có mối liên hệ với các những đối tượng được cho là "chuyên gia chế bom tự tạo" đang sinh sống ở những vùng khác bên ngoài đảo Java.

Kẻ thứ 5 bị bắt giữ gần thành phố Semarang. Khi khám xét nhà nghi can này, cảnh sát Indonesia phát hiện thuốc nổ và nhiều hóa chất cùng dụng cụ có thể dùng để chế bom tự tạo.

Cuộc truy quét trên được cảnh sát Indonesia tiến hành chỉ một tháng sau khi nước này tăng cường an ninh tại các sân bay, kể từ khi xuất hiện mối đe dọa khủng bố ở Thủ đô Jakarta.

Tướng Badrodin Haiti, Chỉ huy Trưởng cảnh sát Quốc gia Indonesia, khẳng định trong nhóm khủng bố này có vài tên là phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng và số còn lại là "cảm tình viên". Ông cho biết chiến dịch truy quét vẫn đang tiếp tục, đồng thời cảnh báo người dân cần đề cao cảnh giác và nên trình báo nếu thấy có gì khả nghi.

Indonesia là quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông nhất thế giới, đã nhiều lần phải đối mặt với khủng bố. Lần đầu là vào năm 2002, một loạt vụ khủng bố xảy ra ở đảo du lịch Bali làm 202 người thiệt mạng. Tháng 7/2009, nhiều khách sạn sang trọng tại Jakarta bị tấn công.

Trước đây, các hành vi khủng bố thường nhằm vào khách du lịch quốc tế, nhưng nay đã bắt đầu chuyển hướng nhằm vào các biểu tượng của Indonesia, đặc biệt là vào nhân viên cảnh sát nước này.

Quý Cao (theo RFI)