1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khu trục hạm Sejong - Trụ cột của Hải quân Hàn Quốc

Tàu lớp Hoàng đế Sejong, còn được biết đến với tên DDH-III là khu trục hiện đại và lớn nhất của hải quân Hàn Quốc, được trang bị hệ thống tác chiến Aegis.

Sự xuất hiện tàu khu trục lớp Sejong của Hàn Quốc báo hiệu hải quân Hàn Quốc bắt đầu tiến ra đại dương, có ý nghĩa sâu rộng đối với Hàn Quốc.

Sejong Đại đế là lớp tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển đang được phát triển theo chương trình KDX (Korean Destroyer Experimental – Khu trục hạm hạng nặng thử nghiệm của Hàn Quốc) của Hải quân Hàn Quốc (ROKN). Mỗi chiếc Sejong Đại đế có tổng choán nước 10.000 tấn và thủy thủ đoàn 300 người; đây là lớp tàu hiện đại bậc nhất trong lực lượng tàu mặt nước của Hải quân Hàn Quốc.


Khu trục hạm Sejong Đại đế

Khu trục hạm Sejong Đại đế

Quá trình nghiên cứu, chế tạo được thực hiện bởi hai Tập đoàn Hyundai Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering. Toàn bộ dự án đóng tàu này có chí phí lên đến 1 nghìn tỉ won (1,07 tỉ USD). Thân tàu được đóng tại nhà máy đóng tàu của Hyundai Heavy Industries ở thành phố cảng Ulsan, cách thủ đô Seoul 415 km (257 dặm) về phía đông nam.

Lớp tàu khu trục này còn được gọi là KDX-III. Tàu đầu tiên của lớp tàu này mang tên Sejong Đại đế (DDG 991) đã được ra mắt ra ngày 25/05/2007. Sự kiện này đánh dấu Hàn Quốc trở thành nước thứ 5 sở hữu tàu khu trục Aegis kế tiếp sau Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Na Uy. Tàu được đưa vào hoạt động tháng 12/2008. Tàu khu trục thứ hai, Yulgok Yi I (DDG 992), đã được ra mắt vào tháng 11/2008 và được hạ thủy trong tháng 09/2010.

Hai tàu này được ROKN đưa vào biên chế trong tháng 06/2011. Tàu thứ ba của lớp tàu này, Seoae Ryu Seong-ryong (DDG 993), đã được ra mắt tháng 03/2011 và đưa vào hoạt động trong năm 2012.

Tàu khu trục lớp Sejong của Hải quân Hàn Quốc được sử dụng để làm nhiệm vụ phòng không, săn ngầm và chống tàu chiến mặt nước của đối phương. Nó cũng được thiết kế khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo chiến thuật, lý do mà Hải quân Hàn Quốc đưa ra bời vì họ xem người hàng xóm Triều Tiên - nước đang sở hữu hàng trăm tên lửa đạn đạo, là mối đe doạ an ninh lớn.

Tàu khu trục lớp Sejong còn là tàu chiến đa năng, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ thông thường khác, như đảm bảo an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, hộ tống, đổ bộ và vận tải…

Về mặt thiết kế, tàu được chế tạo toàn bộ bằng thép với khả năng tàng hình nhẹ, lớp vỏ tàu được gia cố thêm giáp kevlar nặng tới 70 tấn. Thân tàu được thiết kế đảm bảo khả năng giảm tín hiệu hồng ngoại đồng thời giảm diện tích phản xạ radar.

Tàu chiến Aegis của Hàn Quốc đang thử nghiệm trên biển
Tàu chiến Aegis của Hàn Quốc đang thử nghiệm trên biển

Ngoài ra, tàu khu trục lớp Sejong còn được đánh giá là có khả năng sống sót cao, bảo vệ thủy thủ đoàn trước cuộc tấn công sinh – hóa học. Xét về mặt kết cấu, ngoài phần boong sau dài hơn tàu khu trục lớp Sejong của Hải quân Hàn Quốc khá giống với lớp tàu Arleign Burke của Mỹ. Tàu khu trục KDX-III là lớp tàu khu trục lớn nhất được trang bị hệ thống vũ khí Aegis.

Tàu khu trục lớp Sejong lớn hơn đáng kể hơn so với các tàu thuộc chương trình KDX-II, tàu có chiều dài 166m, chiều rộng 21m và độ mớn nước cao 6m, tàu có lượng choán nước tiêu chuẩn là 7.600 tấn, khi được trang bị đầy đủ có thể lên đến 11.000 tấn. Nếu xét theo tiêu chuẩn của NATO thì tàu Sejong có thể được xếp vào loại tàu tuần dương mang tên lửa có điều khiển. Để vận hành con tàu cần có khoảng 300 người.

Tàu khu trục KDX-III được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis do Lockheed Martin phát triển như trên một số tàu chiến của Mỹ. Điều này mở ra khả năng tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chung với Mỹ tại châu Á.

Aegis là viết tắt của cụm từ Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment (Bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất), được hiểu đơn giản hơn là “lá chắn”, nhằm đối phó với các tình huống chiến đấu khác nhau, trong đó đặc biệt ưu tiên cho tính năng phòng thủ tên lửa đạn đạo liên lục địa BMD.

Hàn Quốc đã ký kết một hợp đồng trị giá khoảng 40,6 triệu USD với Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cho việc đặt mua hệ thống Aegis để trang bị trên tàu khu trục lớp Sejong. Theo hợp đồng đã ký, Lockheed Martin có trách nhiệm chế tạo phần cứng dựa trên cơ sở hệ thống Aegis phiên bản số 7 đang trang bị cho hải quân Mỹ, phần mềm hỗ trợ và lắp đặt, thử nghiệm hệ thống.

Quá trình chế tạo hệ thống Aegis cho phía Hàn Quốc được tiến hành tại nhà máy của Hyundai Heavy Industries tại Ulsan (Hàn Quốc), chi nhánh của Lockheed Martin tại Murestaune, bang New Jersey và công ty Kengsberg (Na Uy). Việc Hải quân Hàn Quốc chọn mua hệ thống Aegis từ phía Mỹ là động thái củng cố quan hệ giữa các công ty hai nước trong việc đóng khu trục hạm lớp KDX-3 nói riêng và các dòng chiến hạm khác nói chung.

Aegis là sự tích hợp của nhiều thành phần khác nhau, dựa trên một số hệ thống cảm biến riêng biệt để theo dõi các mối đe dọa khác nhau từ mìn, ngư lôi, tàu ngầm, đến các mục tiêu đường không, tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo. Hệ thống Aegis bao gồm radar AN/SPY-1D, radar điều khiển hỏa lực AN/SPG-62A, hệ thống chỉ huy – ra quyết định (CDS)…

Trong đó, hệ thống radar AN/SPY-1D được xem là trung tâm của hệ thống chiến đấu Aegis, có nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa chính của Aegis. Đây là một hệ thống radar mạng pha đa chức năng, có khả năng giám sát 3 chiều, theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc, cung cấp kênh dẫn hướng pha giữa cho tên lửa đánh chặn SM.

Hệ thống chiến đấu Aegis.
Hệ thống chiến đấu Aegis.

Hệ thống này có thể tích hợp với hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41. Radar AN/SPY-1 của Aegis sẽ phát hiện các mục tiêu tên lửa đạn đạo, hệ thống chiến đấu Aegis sẽ dựa vào các thông số cần thiết như, tốc độ của mục tiêu, quỹ đạo bay, nhằm tính toán một giải pháp đánh chặn.

Aegis sẽ kích hoạt tên lửa đánh chặn SM-2 để tiêu diệt mục tiêu, tên lửa SM-2 được dẫn đường qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tên lửa sẽ được đưa ra khỏi ống phóng Mk-41 bằng tầng đẩy phụ Mk72. Tên lửa thiết lập các thông số liên lạc với tàu Aegis. Giai đoạn này tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính.

Giai đoạn thứ 2 tên lửa tách bỏ tầng đẩy phụ Mk72 và kích hoạt động cơ tên lửa nhiên liệu rắn lực đẩy kép Mk104. Giai đoạn này tên lửa được dẫn hướng thông qua radar AN/SPY-1 của tàu phóng.

Giai đoạn thứ 3, tên lửa được dẫn bằng radar bán chủ động.

Ngoài ra, tàu khu trục lớp Sejong còn được trang bị radar dẫn đường, hệ thống định vị thủy âm, hệ thống định vị thủy âm mang an-ten kéo tải, hệ thống chống định vị thủy âm. Và hệ thống tác chiến điện tử SONATA SLQ-200K dùng để dò tìm tín hiệu vô tuyến phát từ radar tàu và tên lửa đối phương, đồng thời phát tín hiệu gây nhiễu gây khó khăn cho đối phương trong việc phát hiện và tấn công tàu.

Tháng 07/2010, tàu Sejong Đại đế (DDG 991) đã hoàn thành quá trình thử nghiệm hệ thống chiến đấu này ngoài khơi đảo Hawaii.

Về uy lực vũ khí: KDX-III được trang bị một hệ thống vũ khí cực mạnh, Tàu khu trục lớp Sejong có đến 128 tên lửa phóng thẳng đứng so với 96 của Arleigh Burke-Flight IIA của Hải quân Hoa Kỳ và loại Atago của Hải quân Nhật Bản.

Tàu khu trục lớp Sejong được trang bị 16 tên lửa chống hạm SSM-700K HaeSung (tầm bắn 150 km) và 16 tên lửa hành trình hải đối đất Hyunmoon IIIC (tầm bắn 1.500km) được chứa trong 32 ống phóng thẳng đứng K-VLS, Hyunmoon IIIC thiết kế tương tự tên lửa hành trình đối đất Tomahawk.

Tên lửa Hyunmoo-IIIC lắp động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy, tốc độ hành trình cận âm, mang đầu đạn nặng 500kg với sức công phá lớn. Tên lửa được điều khiển bằng hệ thống định vị quán tính (INS) kết hợp định vị toàn cầu (GPS) đem lại độ chính xác cao.

Tàu có khả năng mang theo 80 tên lửa đối không tầm xa SM-2 Block IIIB với 32 ống phóng Mk41 phía trước mũi tàu và 48 ở phía sau đuôi tàu; chúng có tầm bắn từ 74-140km, độ cao bay tiêu diệt mục tiêu 24,4km.

Tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần (CIWS) Goolkeeper bao gồm: pháo tự động GAU-8/A 7 nòng cỡ 30mm, radar điều khiển hỏa lực. Goalkeeper có tầm bắn hiệu quả từ 350-2.000m, tốc độ bắn 4.200 viên/phút.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 “thân quay”. Đạn tên lửa được đặt trong hệ thống ống phóng Mk 144 hoặc Mk 49. RIM-116 có tầm bắn tối đa 9km, lắp đầu đạn nổ phân mảnh. Tùy từng biến thể thì tên lửa được điều khiển bằng: lệnh dẫn đường vô tuyến, đầu dò tầm nhiệt hoặc kết hợp cả hai.

Pháo chính được trang bị phía trước mũi tàu là một pháo hạm Mk-45 Mod 4 127 mm. Đây là loại vũ khí rất hữu dụng cho việc chống mục tiêu cỡ nhỏ trên biển, hỗ trợ hỏa lực chiến dịch đổ bộ và thậm chí là cả phòng không. Pháo có thể bắn với tốc độ 16 đến 20 viên một phút trong một phạm vi 24km.

Mảng săn ngầm được trang bị tên lửa chống ngầm Hong Sahng-uh (Red Shark) chứa trong 16 ống phóng thẳng đứng K-VLS (do Hàn Quốc tự sản xuất) và ngư lôi K745 LW Cheong Sahng-uh (Blue Shark). Khi tới gần mục tiêu, ngư lôi tự tách ra khỏi động cơ phóng và tự tìm tới tiêu diệt mục tiêu.

Ngoài ra, Tàu có sàn đáp và khoang chứa cho 2 trực thăng săn ngầm loại Westland Lynx Mk 99 do Anh chế tạo.

Thiết bị năng lượng được trang bị thiết bị động năng chính hai van với 4 động cơ tuốc bin khí loại General Electric LM-2500 có tổng công suất 102.000 mã lực cho phép đạt tốc độ 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động trên 10.000 km.

Với đội tàu đang được đóng mới nhanh chóng và các tính năng tiệm cận, thậm chí còn nhỉnh hơn tàu chiến Arleign Burke của Mỹ, tàu khu trục Aegis lớp Sejong của Hàn Quốc đang cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn của Hải quân Hàn Quốc khi các tranh chấp về biển đảo ở Biển Hoa Đông đang có xu hướng leo thang.

Theo

PetroTimes