1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Không thể trông chờ ở bạo lực!

Lịch sử Trung Đông là lịch sử của các cuộc chiến đẫm máu và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Một lần nữa, khu vực nóng lên bởi những diễn biến phức tạp tại Ai Cập khiến chúng ta phải suy nghĩ và lo ngại cho triển vọng hoà bình tại mảnh đất này.

Cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi
Cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi
 
Bản án nhiều tranh cãi

Ngày 16/5, Toà án Ai Cập đã kết án tử hình đối với cựu Tổng thống Mohamed Morsi và 106 người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo. Bản án quy trách nhiệm ông Morsi trong các vụ vượt ngục tập thể và việc tấn công cảnh sát trong cuộc nổi dậy chống cố lãnh đạo Hosni Mubarak hồi năm 2011.

Bản án đã nhận được những phản ứng mạnh mẽ. Tại Ai Cập, bên cạnh những người ủng hộ phán quyết của Toà thì những người trung lập cho rằng án tử hình là mức án nặng dành cho ông Morsi. Tất nhiên đối với những người ủng hộ ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo thì bản án này dường như đã kích động sự giận dữ đối với chính quyền đương nhiệm Ai Cập trong họ. Chỉ ít giờ sau phán quyết, ít nhất ba tòa án trên toàn Ai Cập đã bị tấn công, trong đó có một tòa án bị đốt cháy. Nghiêm trọng hơn, có thẩm phán bị sát hại tại bán đảo Sinai.

Dư luận quốc tế cũng dậy sóng bởi nỗi lo ngại về hệ luỵ và nguy cơ bạo lực gia tăng tại Ai Cập nói riêng và Trung Đông nói chung đằng sau bản án, đặc biệt là sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và EU. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh: “Tất cả người dân Ai Cập, dù thuộc thành phần chính trị nào cũng cần được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Quyền của họ cần được tôn trọng đầy đủ trong quá trình xét xử”.

Lịch sử lặp lại

Thực tế cho thấy từ khi nước Cộng hoà Ai Cập ra đời ngày 18/6/1953, các nhà lãnh đạo của nước này hầu hết đều có kết cục giống nhau. Ai Cập có tất cả năm vị Tổng thống và bốn vị đã bị phế truất bằng biện pháp vũ lực. Trước ông Morsi, sau cuộc “cách mạng hoa nhài”, cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị giam giữ và xét xử vì tội tham nhũng và sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình bằng xe y tế. Ông đối mặt với bản án cao nhất: Tử hình. Tuy nhiên, số phận của ông tới nay vẫn chưa được định đoạt.

Nhưng có lẽ không nên chỉ dừng quan tâm ở bản án đối với Mubarak hay Morsi mà nhìn rộng hơn, cách thức đấu tranh chính trị tại Ai Cập cũng như Trung Đông mới là điều thực sự cần lo ngại.

Như trường hợp của ông Morsi, trong một năm cầm quyền, ông bị phe đối lập và không ít người dân phản đối do điều hành kinh tế kém và biểu hiện lạm dụng quyền lực khi tìm cách đưa thêm nhiều nhân vật thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo vào chính quyền. Điều này dẫn tới việc đảo chính của quân đội Ai Cập năm 2013. Đằng sau mỗi cuộc đảo chính là mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa các phe phái. Với sự hiếu chiến cố hữu, phe bại trận sẽ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lòng thù hận và lên kế hoạch đáp trả, tất nhiên, vẫn sẽ bằng bạo lực nếu như đây vẫn là phương thức nhanh nhất để đạt được mục tiêu. Cứ như vậy, một vòng luẩn quẩn của các cuộc chiến sẽ không có lối thoát.

Ông Tharwat Shalaby, Tổng biên tập tờ Al Akhbar, nhận xét: “Phán quyết của tòa án sẽ khiến Ai Cập tan vỡ. Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ gia tăng bạo lực nhiều hơn nữa. Đây là cuộc chiến tranh chống lại nhà nước Ai Cập, một cuộc chiến lâu dài”.

Thay đổi nhận thức

Không riêng ở Ai Cập, cách thức đấu tranh bằng bạo lực dường như trở thành một nét đặc trưng của Trung Đông. Với lịch sử những cuộc đảo chính thành công, dường như có một quan niệm ăn sâu vào tiềm thức của người Trung Đông rằng biểu tình, sử dụng vũ lực là phương thức hiệu quả nhất để có thể làm thay đổi cục diện chính trị đương thời. Các nhà lãnh đạo phải bận tâm quá nhiều tới việc đấu tranh quyền lực thay vì thực sự tập trung để phát triển đất nước.

Có lẽ Chính phủ Ai Cập nên thực hiện đúng và đủ cam kết quốc tế để trước mắt trấn an dư luận trong nước cũng như trên thế giới và mở đường cho lợi ích to lớn và lâu dài hơn. Chỉ khi có được cách giải quyết có tính ôn hoà hơn, chính phủ đương thời mới có thể được lòng dân, tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các nước lớn – một nhân tố không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay.

Và có lẽ mọi nỗ lực từ bên ngoài sẽ chẳng bao giờ là đủ nếu không có sự thay đổi nhận thức từ bên trong con người Trung Đông. Bạo lực có thể đem lại quyền lực, sự tuân phục nhưng không bao giờ đem lại được hòa bình, dân chủ và ổn định.

Theo Anh Vũ
Thế giới và Việt Nam