1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khoảnh khắc cường kích Su-25 Nga lao xuống biển

Thành Đạt

(Dân trí) - Cường kích Su-25 của Nga đã rơi trong chuyến bay huấn luyện, phi công phóng ghế thoát hiểm nhưng thiệt mạng sau đó.

"Một máy bay chiến đấu Su-25 đã rơi ở biển Azov vào khoảng 15h (giờ Moscow)", cơ quan ứng phó khẩn cấp vùng Krasnodar của Nga thông báo hôm 17/7.

Quân đội Nga cho biết vụ tai nạn xảy ra khi cường kích Su-25 đang thực hiện chuyến bay huấn luyện gần Krasnodar.

Nhiều người dân đã chứng kiến vụ việc. Không có thiệt hại dưới mặt đất sau vụ tai nạn.

Khoảnh khắc cường kích Su-25 Nga lao xuống biển (Nguồn: Sun).

Một video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cường kích Su-25 bay ở tầm thấp trên vùng biển gần bờ, sau đó lao xuống nước trong tích tắc. Phi công đã phóng ghế thoát hiểm và bung dù kịp thời.

Giới chức Nga cho biết phi công đã được giải cứu sau khi phóng dù, nhưng thiệt mạng khi trên đường đến bệnh viện.

Nguyên nhân của vụ tai nạn được cho là do động cơ máy bay gặp trục trặc.

Hồi tháng 6/2022, một máy bay Su-25 của Nga đã rơi ở vùng Belgorod của Nga. Phi công đã thoát hiểm an toàn và được cứu, sau khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật.

Su-25 là máy bay tấn công mặt đất, được thiết kế để yểm trợ cho các lực lượng lục quân cả ban ngày và ban đêm. Máy bay này có thể hoạt động ở độ cao tương đối thấp. Hiện nay, quân đội Nga biên chế các phiên bản Su-25 gồm Su-25SM, Su-25SM3 và Su-25UB.

Là cường kích với nhiệm vụ tấn công các mục tiêu của Ukraine trên mặt đất, máy bay Su-25 của Nga phải đương đầu với rất nhiều thách thức trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đặc biệt từ các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mà phương Tây đã viện trợ cho Kiev. Su-25 được thiết kế để tấn công trực tiếp và hỗ trợ cận chiến, với tốc độ tối đa khoảng 956km/h và trần bay 6.700m.

Ngoài một khẩu pháo hai nòng cỡ 30mm với cơ số đạn 250 viên, Su-25 có thể mang hơn 4 tấn đạn dược, bao gồm tên lửa, rocket, bom điều khiển và không điều khiển, thậm chí cả pháo bổ sung. Su-25 được trang bị các tấm thép và titan dày từ 6mm đến 25mm xung quanh buồng lái, các bộ phận của thân máy bay và cánh, cũng như các bình nhiên liệu. 

Khoảnh khắc cường kích Su-25 Nga lao xuống biển - 1

Cường kích Su-25 (Ảnh: Sputnik).

Tại chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga thường sử dụng cường kích Su-25 trong các nhiệm vụ cận chiến. Cường kích Nga thường đi theo cặp và có trực thăng quân sự yểm trợ.

Để tránh bị radar đối phương phát hiện, Su-25 của Nga thường bay ở tầm thấp so với mặt đất khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng có rủi ro nhất định khi các hệ thống MANPADS của Ukraine khai hỏa trên chiến trường. 

Việc Su-25 hoạt động quá gần mặt đất khiến máy bay này trở thành mục tiêu tấn công của hệ thống phòng không Ukraine. Ukraine từng tuyên bố bắn rơi một số máy bay Su-25 của Nga.

Quân đội Nga xác nhận, máy bay chiến đấu Su-25 của nước này từng bị trúng tên lửa của Ukraine.

Theo Tass