1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi Trung Quốc chìa tay với Đài Loan

Sáng qua, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Trung Hoa lục địa trong 8 ngày, Chủ tịch Quốc dân đảng Đài Loan Liên Chiến đã đến viếng lăng người sáng lập Quốc dân đảng Đài Loan, Tôn Trung Sơn.

Đây là chuyến đi theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Chuyến đi được đánh giá là "lịch sử" bởi sau 56 năm mới có một lãnh đạo cao nhất của đảng chính trị bên Đài Loan đến đại lục.

 

Vừa đặt chân đến thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), ông Liên phát biểu không chút màu mè: "Nam Kinh và Đài Loan chẳng cách nhau bao xa nhưng thế mà gần 60 năm tôi mới về thăm lại thành phố này. Tôi thật sự rất vui nhưng cũng có chút bùi ngùi bởi thời gian cách biệt đã quá lâu". Ông còn bày tỏ ngạc nhiên về sự phát triển quá nhanh của thành phố Nam Kinh và tỉnh Giang Tô.

 

Giải đáp cho thắc mắc của báo giới về mục đích của chuyến đi, ông Liên khẳng định: nhằm thúc đẩy quan hệ giao lưu về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị giữa hai bên.

 

Tờ Thành Báo (Hồng Kông, ngày 27/4) cho biết chủ nhiệm văn phòng đại diện Mỹ tại Đài Loan Douglas Paal gần đây đã có cuộc gặp riêng rẽ với ông Liên Chiến và Chủ tịch Đảng "Thân dân" Tống Sở Du (cũng sắp sang đại lục theo lời mời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào) để thảo luận một số vấn đề về quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Đồng thời ông còn nói rằng mối quan tâm lớn nhất của hai bên hiện nay là hòa bình đôi bên cùng có lợi và ông mong muốn một ngày sớm nhất thực hiện được mục tiêu này.

 

Theo tiết lộ của ông Ngô Đôn Nghĩa, Ban xây dựng đảng của Quốc dân đảng, thì lần này ông Liên Chiến có thể yêu cầu đại lục giải quyết những vấn đề như loại bỏ những trở ngại trong quan hệ kinh tế đôi bờ, ví dụ giảm hoặc miễn thuế sản phẩm nông - công  nghiệp Đài Loan nhập vào đại lục; không ngăn trở Đài Loan gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO; mở rộng cho công chúng đôi bờ đi lại thăm hỏi lẫn nhau và tham quan du lịch...

 

Thanh niên và trí thức Đài Loan ủng hộ sự trở lại

 

Đối với công chúng Đài Loan, thái độ tán thành và không tán thành chuyến đi của ông Liên Chiến là tương đương nhau ở mức 40%. Trong nhóm tán thành thì thanh niên và giới trí thức chiếm đa số.

 

Như giáo sư chính trị ĐH Đài Loan Cát Vĩnh Quang nhận định: "Lịch sử quốc cộng (hợp tác giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng) là lịch sử hợp tác và nội chiến. Chia rẽ mấy mươi năm giờ ngồi lại với nhau sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định đôi bờ".

 

Giáo sư ĐH Đạm Giang (Đài Loan) Trần Nhất Tân thì cho rằng chuyến đi được chú ý này sẽ có thể đem lại "không khí mới" cho quan hệ hai bờ nhưng nó vẫn mang "tính tượng trưng nhiều hơn" vì Quốc dân đảng hiện nay không phải là đảng cầm quyền.

 

Trong xu thế của những năm gần đây, việc thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc chỉ gút mắc ở điểm vị thế của Đài Loan sẽ như thế nào trong đại gia đình.

 

Dĩ nhiên đến nay Chính phủ trung ương Trung Quốc đã có đủ kinh nghiệm cho vấn đề này qua hai lần tiếp quản Hồng Kông và Macau.

 

Còn nhớ trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi tại Jakarta ngày 23/4 vừa qua, Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố: "Vấn đề Đài Loan là lợi ích trung tâm của Trung Quốc, có quan hệ đến tình cảm dân tộc của 1,3 tỉ người dân Trung Quốc".

 

Dư luận chắc chắn sẽ rất chờ đợi ông Hồ Cẩm Đào giải quyết cụ thể vấn đề Đài Loan như thế nào trong cuộc gặp với ông Liên Chiến vào ngày mai (29/4).

 

Theo N.THÀNH TUÊ - U.K.

Tuổi trẻ/NDNB, THX, Liên Hợp Buổi Sáng