1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran cam kết không chế tạo bom nguyên tử tại Hội nghị NAM

(Dân trí) – Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 16 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 30/8 với chủ đề “Duy trì hòa bình thông qua quản trị chung toàn cầu”. Tại hôi nghị, Iran cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 16.

Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 16.

 

Tham dự Hội nghị có 40 vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ, nhiều Bộ trưởng Ngoại giao của 120 nước và vùng lãnh thổ thành viên, cùng đại diện của hơn 30 nước và tổ chức quốc tế.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng tới dự.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu và dự kiến sẽ có bài phát biểu trong phiên thảo luận chung ngày hôm nay.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi trong vai trò là chủ tịch tiền nhiệm và Tổng thống nước chủ nhà Iran Mahmoud Ahmadinejad trong vai trò là tân chủ tịch đã khẳng định quyết tâm cùng các thành viên thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn.

“Chúng ta cần thúc đẩy xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn, nơi sẽ có sự tham gia hiệu quả của tất cả các thành viên của NAM trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, Tổng thống Ahmadinejad khẳng định.

Tại cuộc họp, TTK Ban Ki-moon nhấn mạnh vai trò quan trọng và sự đóng góp tích cực của NAM trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.

“Chúng ta cần phải tiếp tục đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp và tạo điều kiện cho tân đặc sứ chung của LHQ và Liên đoàn ẢrậpBrahimi hoàn thành sứ mệnh của mình”, ông Ban Ki-moon cho biết thêm.

Người đứng đầu tổ chức chính trị lớn nhất thế giới cũng cho rằng việc Iran hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này sẽ góp phần tăng cường lòng tin của cộng đồng quốc tế.

Ông Ban Ki-moon đến dự Hội nghị cấp cao Nam trong hai ngày 30-31/8, bất chấp  kêu gọi tảy chay trước đó của Mỹ, Canada và Israel.

Iran cam kết loại trừ việc chế tạo bom nguyên tử

Cũng tại hội nghị, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei khẳng định Iran sẽ không từ bỏ quyền phát triển hạt nhân dân sự nhưng cũng sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân.

"Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không chế tạo bom nguyên tử, nhưng cũng sẽ không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình”, ông Khamenei tuyên bố sau khi nhấn mạnh khẩu hiệu "năng lượng hạt nhân cho tất cả mọi người, vũ khí nguyên tử không cho một ai".

Đại giáo chủ

Đại giáo chủ Ali Khamenei (giữa) và các quan chức cấp cao Iran tại Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 16 ở thủ đô Tehran ngày 30/8/2012.


Lãnh tụ tinh thần của Iran đồng thời cáo buộc một số nước phương Tây tuyên truyền chống chương trình hạt nhân của Iran nhằm giữ độc quyền năng lượng nguyên tử.

Ông cũng lên án Israel "chiếm đóng trái phép" lãnh thổ Palestine và cho rằng NAM cần phải tiến hành các bước đi thực tiễn trong vấn đề này.

Về vấn đề giải trừ quân bị, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp thiết đối với thế giới và cần phải xây dựng Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Nhìn lại chặng đường 50 năm

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc về quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương với Thủ tướng Campuchia và Bhutan; Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Singapore, Mông Cổ, Ghana, Mauritius, Senegan, Bolivia, Belarus; Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Mozambique; Quốc vụ khanh Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.

Hội nghị cấp cao lần thứ 16 của Nam diễn ra một năm sau khi phong trào này kỷ niệm 50 năm thành lập.

Vì vậy tại hội nghị, các thành viên đã thống nhất cho rằng trong hơn 50 năm qua, phong trào đã có những đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chống chạy đua vũ trang, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Các nước và vùng lãnh thổ thành viên của NAM cũng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến và thách thức phức tạp, NAM cần phải tiếp tục phát huy vai trò là một tập hợp lực lượng mạnh mẽ và quan trọng nhất của các nước đang phát triển, qua đó vừa bảo vệ lợi ích của các thành viên, vừa góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển; chống áp đặt, bất công và cường quyền.

Trên cơ sở đó, ngay trong ngày họp đầu tiên, hội nghị đã tiếp hành phiên thảo luận chung về chủ đề “Duy trì hòa bình bền vững thông qua quản trị chung toàn cầu”.

Các thành viên đã cùng rao đổi cách thức tăng cường phối hợp lập trường tại các diễn đàn toàn cầu nhằm thu hút sự quan tâm của các chính phủ đối với các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển và công bằng xã hội.

Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập đến các vấn đề thu hút sự quan tâm của quốc tế hiện nay như tình hình bất ổn ở Trung Đông - Bắc Phi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Syria; quy chế nhà nước cho vùng lãnh thổ Palestin; ứng phó với các tác động khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; mặt trái của toàn cầu hóa; tình trạng bất bình đẳng trong các hệ thống tài chính, thương mại quốc tế; tác động của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng.

Hội nghị cũng nhấn mạnh nhu cầu cần tiến hành cải tổ các thể chế đa phương, trong đó có LHQ, nhằm nâng cao tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả và trao cho các nước đang phát triển tiếng nói cân bằng hơn trong các vấn đề quốc tế.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận trong ngày 31/8 trước khi thông qua Văn kiện cuối cùng về hội nghị.

 Đức Vũ