1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hy Lạp vượt qua rào cản lớn để tránh vỡ nợ

(Dân trí) - Quốc hội Hy Lạp hôm qua đã chấp thuận một dự luật quan trọng về chi tiêu khắc khổ, dọn đường để nước này nhận tài trợ để tránh tuyên bố vỡ nợ trong tháng 7. Biểu tình phản đối động thái này đã dẫn đến đụng độ, làm nhiều người bị thương.

 
Hy Lạp vượt qua rào cản lớn để tránh vỡ nợ - 1
Cuộc đình công trên toàn quốc của Hy Lạp đã bước sang ngày thứ hai, khiến sinh hoạt bình thường gần như tê liệt.

Kế hoạch - trị giá 40 tỷ USD, gồm tăng thuế, giảm chi tiêu nhà nước, và bán các tài sản - công do Thủ tướng George Papandreou thuộc đảng Xã hội đề xướng đã được đa số 300 đại biểu của Quốc hội Hy Lạp tán thành.

Như vậy là nước này sẽ được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tài trợ 17 tỉ USD để tránh tình trạng vỡ nợ chắc chắn sẽ diễn ra với Hy Lạp vào khoảng trung tuần tháng 7 tới.

Một dự luật chi tiết hơn với các điều khoản thắt lưng buộc bụng cho toàn quốc cũng sẽ được thông qua trong ngày hôm nay, 30/6.

Các thị trường tài chính châu Âu đã phản ứng tích cực và tỉ giá đồng euro đã vọt lên mức 1,45 USD. Nhưng cuộc đình công trên toàn quốc của Hy Lạp đã bước sang ngày thứ hai, khiến sinh hoạt bình thường gần như tê liệt. Hàng trăm chuyến bay và tàu phà đã bị hủy bỏ, khiến rất nhiều du khách khốn đốn ngay trong đầu mùa hè du lịch.

Những người biểu tình tìm cách bao vây Quốc hội để ngăn các nghị sĩ tiến vào bên trong. Một mạng lưới an ninh dày dặc phải bảo vệ cho họ và phần lớn trung tâm thủ đô Athens không cho xe cộ lưu thông.

Đã có hàng chục người biểu tình bị thương trong các cuộc đụng độ, đa số lại là cảnh sát chống bạo động.

Sau nhiều năm vay mượn, Hy Lạp bây giờ mắc nợ. Đứng trước thâm hụt khổng lồ và áp lực của cộng đồng quốc tế, chính phủ Hy Lạp phải tăng thuế và bớt công chi.

Đó là một tin xấu cho người dân. Mức lời của doanh nghiệp thấp và số người nghèo cao. Nhiều người dân cho rằng chính sách khắc khổ phá hoại cuộc sống.

Giới phân tích cho rằng trước tình hình các cuộc xô xát trên đường phố thủ đô vẫn còn, nếu không có thỏa hiệp, chính phủ đương nhiệm ở Hy Lạp rất khó để tiếp tục nắm quyền.
Và nếu chính phủ đổ, Hy Lạp có thể bị buộc phải giã từ khu vực sử dụng euro, dù có muốn hay không.
Hà Khoa
Tổng hợp