1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Học giả Mỹ: Hạ đặt giàn khoan có thể là "kế hoạch hàng năm" của Bắc Kinh

(Dân trí) - Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết ông cảm thấy "bất ngờ" trước động thái hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời cho rằng đây có thể là một dạng "kế hoạch hàng năm" của Bắc Kinh.

Hội thảo 

Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa: Thực trạng và triển vọng” diễn ra ngày 26/6 tại Hà Nội. (Ảnh: TP)

Tiến sỹ Murray Hiebert, Phó Giám đốc, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Mỹ (CSIS) đã đưa ra nhận định trên tại phiên thảo luận chính trị-an ninh chiều 26/6 trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa: Thực trạng và triển vọng” tại Hà Nội.

Ông Hiebert cho biết sáng hôm qua (26/6), ông cũng mới nhận được thông tin độc lập từ một đồng nghiệp cho biết Trung Quốc có kế hoạch đưa giàn khoan tới vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong khoảng từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8 năm nay. Và dường như nước này sau đó sẽ rút giàn khoan về, tương tự như kịch bản từng làm năm ngoái.

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) tối 25/6 ngang nhiên thông báo rằng từ ngày 25/6 đến 20/8, trong thời gian gần 2 tháng, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ "tiến hành tác nghiệp" tại mỏ Lăng Thủy 25-1S-1, tọa độ 17°03′45″N/109°59′03″E. Vị trí này thuộc vùng biển phía nam của vịnh Bắc Bộ và phía tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa.

“Tôi được biết Bắc Kinh đã tuyên bố yêu cầu các tàu thuyền qua lại trên biển không tiến vào phạm vi 2.000m xung quanh khu vực giàn khoan HD 981 “tác nghiệp””, ông Hilbert nói.

Tiến sỹ Murray Hiebert (

Tiến sỹ Murray Hiebert (phải) và Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W. Michalak (2007-2011). (Ảnh: TP)

Tiến sỹ Hilbert bày tỏ sự bất ngờ trước thông tin này. Ông nhận định hoạt động lần này khác hoàn toàn lần triển khai giàn khoan của Trung Quốc năm ngoái. Sau khi hạ đặt giàn khoan nước sâu HD 981 trên Biển Đông vào ngày 1/ 5/2014, phải đến tận tháng 7 cùng năm, nước này mới giải thích lý do hạ đặt (trái phép) và sau đó lấy cớ gặp bão, rút giàn khoan về. 

Đầu tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng biển cách đảo Tri Tôn, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam  khoảng 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 180 hải lý về phía nam, trong khi chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý.

 “Tôi cho là Bắc Kinh có thể có một chương trình với giàn khoan này theo lộ trình hàng năm hay một dạng kế hoạch tương tự”, tiến sỹ Hilbert chiều 26/6  nhận định. 

Vị chuyên gia người Mỹ cũng cho biết ông thấy bất ngờ khi động thái đặt giàn khoan lại được tiến hành trong bối cảnh dư luận quốc tế đang phản ứng rất mạnh mẽ về việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo tranh chấp trên Biển Đông. 

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới sẽ có chuyến thăm Mỹ hoặc dự kiến sẽ tới các diễn đàn an ninh khu vực để làm giảm bớt sức ép từ dư luận quốc tế”, tiến sỹ Hilbert cho biết thêm.

Bình luận về phản ứng của Mỹ, ông nói đó là một vấn đề phức tạp, bởi Lầu Năm Góc không thể cử Hạm đội 7 đến nơi hạ đặt giàn khoan. Ông cũng cho biết thêm Mỹ sẽ chỉ trích hành động của Trung Quốc nhiều hơn, từ đó tạo sức ép lớn hơn.

Tiến sỹ Hilbert nhận xét rằng trong lần hạ đặt giàn khoan năm ngoái, Việt Nam đã có nhiều chiến thuật để phản ứng lại, phần nào khiến Trung Quốc rút giàn khoan về sớm hơn. Lần này khi Bắc Kinh có mưu đồ tương tự, Hà Nôi có thể vận dụng các biện pháp tương tự.

Hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa: Thực trạng và triển vọng” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của nhiều quan chức ngoại giao và học giả hai nước Việt, Mỹ.

Trong khuôn khổ hội thảo, các lĩnh vực quan trọng trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác toàn diện Việt –Mỹ như  an ninh - chính trị, kinh tế, giáo dục, ngoại giao nhân dân…được các chuyên gia hai nước bàn bạc, trao đổi.

Thoa Phạm (ghi)