1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hillary Clinton rời Hàn Quốc đến Hà Nội dự Diễn đàn khu vực ASEAN

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay 22/7 đã rời Hàn Quốc, nơi bà có chuyến công du một ngày, để tới thủ đô Hà Nội, Việt Nam, tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào ngày mai.

Hillary Clinton rời Hàn Quốc đến Hà Nội dự Diễn đàn khu vực ASEAN - 1

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Ảnh AFP). 

 

AFP dẫn lời một phát ngôn viên Sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã rời Hàn Quốc vào sáng hôm nay, sau khi có chuyến công du Hàn Quốc một ngày để bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với Seoul về vụ đắm tàu chiến Cheonan. Bà đã lên đường tới Hà Nội, để tham dự hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở châu Á, vào ngày mai, 23/7.

 

Sau khi đến Hà Nội, bà Clinton dự kiến gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày hôm nay.

 

Bà Clinton là một trong các đại diện của 27 thành viên ARF tham gia hội nghị tại Hà Nội lần này.
 
 
Hillary Clinton rời Hàn Quốc đến Hà Nội dự Diễn đàn khu vực ASEAN - 2
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài ngày hôm qua, 21/7(Ảnh AFP).
 

Trong khi đó, ngày hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Hà Nội để tham dự diễn đàn ARF.

 

Đôi nét về Diễn đàn khu vực ASEAN

 

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994 nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa. Khẩu hiệu của ARF là "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á Thái Binh Dương".

 

Đây là một diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở châu Á. Diễn đàn này đã bổ sung vào các cơ chế liên minh song phương và đối thoại khác nhau hiện có ở châu Á, củng cố thêm viễn cảnh hợp tác an ninh ở khu vực này. Diễn đàn ARF được xây dựng từ ý tưởng - rút ra từ chính kinh nghiệm của ASEAN - rằng một tiến trình đối thoại có thể tạo ra những biến chuyển tích cực trong quan hệ chính trị giữa các nước. Nó tạo ra một cơ chế hoạt động giúp các thành viên có thể thảo luận về các vấn đề an ninh hiện có trong khu vực và tăng cường các biện pháp hợp tác nhằm thúc đẩy hoà bình và an ninh trong khu vực.

 

Phan Anh