1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hillary Clinton: Không có thay thế cho sức mạnh Mỹ tại châu Á

(Dân trí) - Phát biểu tại Học viện hải quân Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết không có thay thế nào cho sự dẫn đầu của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Hillary Clinton: Không có thay thế cho sức mạnh Mỹ tại châu Á

Ngoại trưởng Mỹ Clinton phát biểu tại Học viện hải quân Mỹ.

 

“Khi đến thời điểm đảm bảo sự ổn định và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như ở ngoài khu vực này, đơn giản không có sự thay thế cho sức mạnh của Mỹ”, bà Clinton cho biết trong bài phát biểu tối qua tại Học viện hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland.

 

Mặc dù thừa nhận khó khăn về kinh tế Mỹ đang phải đối mặt, song bà Clinton khẳng định “chỉ có nước Mỹ mới có sức vươn toàn cầu, có các nguồn lực và cách giải quyết để ngăn chặn đối đầu, tập hợp liên minh và đưa sự ổn định vào các khu vực đa dạng và năng động”.
 
“Không có tiền lệ thực sự nào trong lịch sử cho vai trò của chúng ta hay cho trách nhiệm mà chúng ta đã gánh vác. Và cũng không có sự thay thế nào”, bà cho hay.

 

Bà Clinton thừa nhận căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, với “những cuộc thâm nhập trên mạng” như trộm tài sản trí tuệ của Mỹ, và kêu gọi Trung Quốc thành lập chính sách internet rõ ràng.

 

Bà Clinton cũng cho biết Tổng thống Obama đã đưa châu Á là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của mình. Xuất khẩu sang châu Á đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ và tiếp cận được người tiêu dùng trong tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển của khu vực là trung tâm cho sự phát triển của Mỹ.

 

“Định hình của nền kinh tế toàn cầu, tiến bộ dân chủ và nhân quyền, hi vọng của chúng ta về một thế kỷ 21 ít đổ máu hơn thế kỷ 20 tất cả đều phụ thuộc phần lớn vào những gì xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương”, bà Clinton cho biết.

 

Bà Clinton cũng thừa nhận lo ngại của các nước về ý định của Mỹ, nhưng phủ nhận Mỹ tìm cách kìm hãm sự ảnh hưởng của các cường quốc đang lên hay đưa họ vào “một hệ thống rối rắm” nhằm đảm bảo quyền lực của Mỹ. Bà cho rằng các cường quốc châu Á đang lên, như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, đã có thể phát triển thịnh vượng nhờ vào hệ thống quốc tế mà Mỹ hỗ trợ.
 
Mối lo ngại về Triều Tiên
 

Theo bà Clinton, Triều Tiên và các vấn đề an ninh khác sẽ tiếp tục khiến Mỹ can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bà cho rằng nếu Triều Tiên phóng tên lửa như dự kiến, vụ phóng không những vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mà còn đặt các nước láng giềng vào tình thế nguy hiểm. Bà cũng tỏ ra nghi ngờ về tính nghiêm túc của Triều Tiên, khi nói muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng, bởi “tốc độ thay đổi” của nước này khi vừa mới vài tuần trước còn cam kết ngừng thử hạt nhân và tên lửa.

 

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ “rất thẳng thắng” về những vấn đề căng thẳng khác, như các vụ tấn công mạng, đe dọa đến an ninh kinh tế và anh ninh quốc gia Mỹ.

 

Mạng lưới khu vực

 

Bà Clinton cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một mạng lưới các tổ chức mạnh trong khu vực, như Hội nghị cấp cao Đông Á, nhằm đưa ra các quy định và giải quyết tranh chấp, như tranh chấp về Biển Đông.

 

Những thỏa thuận như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khối gồm 9 nước, cũng đã tạo ra một sân chơi kinh tế ổn định cho phép một “nền kinh tế Thái Bình Dương hợp nhất, cởi mở, tự do, minh bạch và công bằng”, bà cho hay.

 

Hệ thống kinh tế quốc tế dự trên sự “tự do cơ bản” và “toàn cầu”, mà những cường quốc đang lên như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải bảo vệ khi họ đạt được sức vóc lớn hơn, bà cho hay.

 

Trong khi Mỹ và Trung Quốc phối hợp trong một số thách thức quốc tế, như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Iran, họ vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách tiếp cận với chính quyền ở Syria. Trung Quốc cùng với Nga đa phủ quyết các nỗ lực trừng phạt của Liên hợp quốc đối với chính phủ Syria. Và tại Annapolis, Clinton thừa nhận Trung Quốc ủng hộ cho Syria.

 

Phan Anh
Theo AFP, Bloomberg