1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hé lộ cuộc “tân trang” quân sự khổng lồ của Nga

(Dân trí) - Quân đội Nga hiện đang khởi động một cuộc “tân trang” lớn nhất từ thời Liên Xô (cũ), trong đó bao gồm chương trình chi 650 tỷ USD nhằm “du nhập” 1.000 trực thăng mới, 600 chiến đấu cơ, 100 tàu chiến và 8 tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo.

 

 Hé lộ cuộc “tân trang” quân sự khổng lồ của Nga - 1

Tên lửa Bulava được đánh giá là loại vũ khí "thực sự mới" của Nga.

Kỳ vọng

 

Giới phân tích cho rằng, mặc dù đã là “tay chi” cho quân sự lớn hàng thứ 5 thế giới, nhưng Nga vẫn cần các loại vũ khí thông thường mạnh, nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn vào “lực lượng” tên lửa hạt nhân có từ thời Liên Xô (cũ). Valentin Rudenko, giám đốc của hãng thông tấn quân sự Interfax, cho hay điều này sẽ tạo ra “một tình thế hoàn toàn mới”.

 

“Khoảng 2 thập niên chúng ta không hề có công cuộc hiện đại hóa thực sự nào, ít nhất là không giống kiểu chúng ta đưa ra hiện nay”, ông cho hay. “Nga cuối cùng cũng sẽ sở hữu được một lực lượng vũ trang hiện đại, nằm ở top đầu, có khả năng bảo vệ được đất nước”.

 

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin tuần trước đã công bố khoản chi tiêu mới chưa từng có tiền lệ, theo đó các loại vũ khí hạt nhân chiến lược cũng như các loại vũ khí thông thường của Nga sẽ được “tân trang” toàn bộ. Theo Bộ Quốc phòng Nga công cuộc hiện đại hóa này sẽ bắt đầu vào năm nay, với việc triển khai thế hệ các vũ khí chống tên lửa, vũ khí phòng không mới cho các lực lượng bộ binh Nga.

 

Kế hoạch “mua sắm” ấn tượng trên được thực hiện sau cuộc cải tổ được cho là mạnh tay của quân đội Nga. Quân số Nga bị cắt giảm “không thương tiếc”, với 9 trên 10 đơn vị dưới thời Liên Xô (cũ) bị xóa sổ và cắt giảm 200.000 sỹ quan. Theo các chuyên gia, mục tiêu hiện thời của Nga là trang bị cho quân đội một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, gọn nhẹ và hiệu quả, nhằm đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21. Những thách thức này chủ yếu là các cuộc xung đột cấp vùng, như cuộc chiến ngắn giữa Nga-Gruzia năm 2008, mà ở đó nhiều điểm yếu quân sự của Nga đã bị phơi bày.

 

Được biết hầu hết số tiền khổng lồ trên sẽ được rót cho lực lượng hải quân, theo đó, họ sẽ nhận được các tàu ngầm mới, 35 tàu hộ tống nhỏ, 15 tàu khu trục nhỏ và 4 tàu tấn công lưỡng cư chở trực thăng loại Mistral. 2 trong số các tàu Mistral, trị giá 754 triệu USD, này sẽ được mua của Pháp và 2 chiếc còn lại sẽ được đóng tại các xưởng đóng tàu ở Nga, với sự trợ giúp của Pháp.

 

Và hoài nghi

 

Một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về việc chi tiêu “hào phóng” trên, đặc biệt là việc mua tàu sân bay trực thăng Mistral, được thiết kế để chuyên chở hơn là để tham gia chiến đấu trong những cuộc chiến khu vực hay các cuộc chiến bảo vệ nước Nga, mà quân đội Nga cho là ưu tiên chính.

 

“Thật khó có thể hình dung Hải quân Nga dùng tiền cho Mistral để làm gì”, Viktor Baranets, cựu phát ngôn viên quân sự Nga, và hiện là phóng viên quân sự của nhật báo Mátxcơva Komsomolskaya Pravda, tỏ ra nghi ngờ. Ông cho rằng các tàu này có thể giương được uy thế, “nhưng chúng cần một lượng bảo vệ khổng lồ. Bất kỳ lúc nào, cũng cần phải huy động một nửa lực lượng Hải quân Nga chỉ để hộ tống những tàu này đi khắp thế giới”.

 

Trong khi đó, các tàu ngầm mới sẽ được thiết kế để triển khai được một tên lửa hạt nhân tầm xa thế hệ mới, tên lửa Bulava. Nhưng cho đến nay, một nửa các cuộc thử nghiệm của tên lửa này bị thất bại. “Các quan chức quốc phòng có thể hứa hẹn, nhưng không nhà thiết kế nào hay kỹ sư nào có thể hứa rằng Bulava sẽ hoạt động được theo đúng tiến độ”, ông Baranets cho hay.

 

Một số chuyên gia cũng cho rằng hầu hết vũ khí mới được dự kiến mua trên thực tế đều dựa trên những thiết kế cũ từ thời Liên Xô, trong đó có trực thăng chiến đấu chống tăng Mi-28, trực thăng vận tải Mi-26 và chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-35.

 

“Đây đều là những thiết kế từ giai đoạn cuối của Liên Xô (cũ) và không hoàn toàn mới”, Alexander Golts, chuyên gia quân sự cho biết trên tạp chí mạng Yezhednevny Zhurnal. “Tình trạng thiếu thiết kế hoàn toàn mới cho thấy điểm yếu của ngành công nghiệp quân sự của chúng ta”.

 

Theo ông Golts, những loại vũ khí thực sự mới duy nhất được tung ra hiện nay là tên lửa Bulava (vốn vẫn chưa hoàn thiện và gặp nhiều thất bại trong thử nghiệm) và chiếc chiến đấu cơ “thế hệ thứ năm” được ca ngợi nhiều mà Nga hiện đang phát triển cùng Ấn Độ.

 

“Chúng tôi không nắm đủ thông tin về chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này, nên không thể nói nó có thực hay chỉ là một phiên bản nâng cấp từ loại cũ. Nhưng từ lâu nó đã được đồn là chiếc chiến đấu cơ tàng hình của tương lai, có thể cạnh tranh với chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-22 và chiến đấu cơ F-35 của Không lực Mỹ”, Golts cho hay.

 

Giới phê bình còn cho rằng mặc dù Nga đã quyết định rót một lượng tiền khổng lồ cho công cuộc “tân trang” quân đội, nhưng ngành công nghiệp quân sự Nga vẫn còn cần rất nhiều tiền của nữa để có thể trở nên hưng thịnh như nó đã từng có một thời. Họ cũng cho rằng Nga đã mất khá nhiều trong mạng lưới các nhà thầu rộng lớn từng tồn tại dưới thời Liên Xô cũ.

 

Phan Anh

Theo CSmonitor