1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hé lộ cuộc khủng hoảng bí mật trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba

(Dân trí) -Theo tài liệu của Cục lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ, đã có một cuộc khủng hoảng bí mật giữa Liên Xô và Cuba bên trong cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba mà Liên Xô và Mỹ suýt đẩy thế giới vào một cuộc chiến hạt nhân 50 năm về trước.

Fidel Castro và Anastas Mikoyan trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Cuba năm 1962.

Fidel Castro và Anastas Mikoyan trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Cuba năm 1962.
Trái với thông tin trước đây, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba không phải kết thúc bằng thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Xô vào tháng 10/1962. Người Mỹ đã hoàn toàn không hay biết vào thời điểm đó, có 100 tên lửa hạt nhân khác cũng ở Cuba, khiến Liên Xô phải ráo riết thực hiện sứ mệnh thu hồi chúng.

 

Theo tài liệu được Cơ quan lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ công bố, Liên Xô đã dự định bí mật để lại 100 tên lửa hạt nhân chiến thuật trên đất Cuba, sau khi đã đạt được thỏa thuận với Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962. Cuba có thể trở thành nước châu Mỹ-La tinh đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nếu Liên Xô lúc đó không hủy bỏ kế hoạch bí mật của mình. 

 

Các tài liệu được công bố nằm trong kho lưu trữ về con trai của Mikoyan, phó thủ tướng Liên Xô khi đó, và được hé lộ trong cuộc sách  mới có tiêu đề: “The Soviet Cuban Missile Crisis” (Tạm dịch Cuộc khủng hoảng tên lửa Liên Xô-Cuba).

 

Theo BBC, thì đây là cuộc khủng hoảng tên lửa thứ hai, nằm trong vòng bí mật, tiếp tục đe dọa nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hạt nhân đến mãi tận cuối tháng 11/1962.

 

Cuộc khủng hoảng bí mật này kéo dài vượt xa hai ngày cuối tuần 27-28/10, thời điểm mà cả thế giới luôn cho là khoảnh khắc nguy hiểm cuối cùng đã qua, với thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev, theo đó Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba để đổi lấy Mỹ hứa không xâm lược Cuba.

 

BBC cho rằng cuộc khủng hoảng bí mật này cho thấy thất bại tình báo một lần nữa của Mỹ.

 

Được biết khi Liên Xô đạt thỏa thuận với Mỹ về số phận các tên lửa của nước này đóng tại Cuba, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã phật lòng với Mátxcơva. Để xoa dịu, nhà lãnh đạo Liên Xô đã lên kế hoạch bí mật trao cho Cuba hơn 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những loại vũ khí này được chuyển tới Cuba cùng với các tên lửa tầm xa, nhưng hoàn toàn che mắt được radar theo dõi của Mỹ.

 

Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev kết luận rằng do người Mỹ không liệt kê các tên lửa chiến thuật này trong danh sách yêu cầu rút tên lửa của họ, nên quyền lợi của Liên Xô có thể được đảm bảo nếu giữ lại chúng ở Cuba.

 

Phó thủ tướng Anastas Mikoyan đã được giao trọng trách thực hiện chuyến đi tới Havana để giải thích cho nhà lãnh đạo Cuba Castro về thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ, đồng thời đưa ra lời đề nghị về kế hoạch bí mật trên.

 

Vào thời điểm đó vợ của ông Mikoyan bị ốm rất nặng, nhưng ông vẫn nhận nhiệm vụ được cho là có ảnh hưởng quan trọng tới mối quan hệ giữa Cuba và Liên Xô. Ngay sau khi tới Cuba, ông Mikoyan nhận được tin vợ qua đời, song ông không quay trở về mà ở lại Cuba, hoàn thành các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Cuba Castro.

 

Và cũng được biết, nhà lãnh đạo Cuba Castro khi đó phản đối kịch liệt các chuyến bay liên tiếp của máy bay do thám Mỹ trên bầu trời Cuba và đã có ý định cho súng phòng không Cuba bắn hạ chúng.

 

Đánh giá được tính nhạy cảm của mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, Cuba, cuối cùng ông Mikoyan đã đưa ra quyết định cá nhân là không nên để lại số vũ khí có sức tàn phá tương đương với 100 quả bom Hiroshima ở lại Cuba.

 

Vào ngày 22/11/1962, trong cuộc họp căng thẳng kéo dài 4 tiếng đồng hồ, Mikoyan đã buộc phải dùng đến “thủ thuật ngoại giao”, viện dẫn một luật cấm không được công bố, để thuyết phục nhà lãnh đạo Castro, nhằm chuyển 100 quả tên lửa đó khỏi Cuba.

 

Cuối cùng nhà lãnh đạo Cuba Castro đã chấp thuận, trong cái thở phào của nhà lãnh đạo Khrushchev và toàn thể chính quyền Liên Xô khi đó. Các vũ khí hạt nhân chiến thuật cuối cùng đã được tháo dỡ và được chuyển bằng đường biển trở về Liên Xô trong tháng 12/1962.

 

Những thông tin này đã chiếu sáng một chương trong lịch sử, đã bị che giấu một phần trong suốt 50 năm qua. Nhưng nó cũng cho thấy tài ngoại giao và khả năng đánh giá, kiềm tỏa tình hình của nhà lãnh đạo Mikoyan, nhằm tránh cho thế giới thoát khỏi một cuộc khủng hoảng khác có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người.

 

Vũ Quý

Theo BBC, Telegraph