1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc đình chỉ một phần hiệp ước liên Triều

Quốc Đạt

(Dân trí) - Hàn Quốc có động thái đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự đã ký với Bình Nhưỡng vào năm 2018, sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám bất chấp cảnh báo từ Mỹ và đồng minh.

Hàn Quốc đình chỉ một phần hiệp ước liên Triều  - 1

Một tên lửa của Triều Tiên mang theo vệ tinh do thám quân sự được phóng trong bức ảnh không ghi chú ngày tháng được công bố ngày 22/11 (Ảnh: KCNA).

Triều Tiên tuyên bố đã phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo hôm 21/11 và sẽ phóng thêm nhiều vệ tinh khác trong tương lai gần.

Sau thông tin trên, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo chủ trì cuộc họp nội các và tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ tiến tới đình chỉ một phần của hiệp ước liên Triều.

Hiệp ước trên được gọi là Thỏa thuận Quân sự Toàn diện, có mục đích làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Văn bản này được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo thỏa thuận này, hai bên nhất trí xác lập vùng đệm cấm tập trận bắn đạn thật và vùng cấm bay, dỡ bỏ một số trạm gác khỏi Khu Phi quân sự, duy trì đường dây nóng, cùng các biện pháp khác.

Trong một tuyên bố trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết rằng quyết định tạm dừng một phần thỏa thuận sẽ bao gồm việc khôi phục hoạt động trinh sát và giám sát xung quanh giới tuyến quân sự giữa hai nước.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đưa tin, vệ tinh Malligyong-1 được phóng bằng tên lửa Chollima-1 vào lúc 22h42 ngày 21/11, sau đó đi vào quỹ đạo lúc 22h54.

Quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước đầu tiên đưa tin về vụ phóng, chưa thể lập tức xác minh liệu vệ tinh do Triều Tiên phóng đi hiện có ở trên quỹ đạo hay không.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết quân đội Mỹ vẫn đang tìm hiểu liệu vụ phóng có thành công hay không.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson gọi vụ phóng này là "sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", "làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực và hơn thế nữa".

Quan chức Hàn Quốc cho biết lần phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên rất có thể có sự hỗ trợ kỹ thuật từ Moscow.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tên lửa cho biết có thể còn quá sớm để Triều Tiên tích hợp đầy đủ hỗ trợ kỹ thuật của Nga vào vệ tinh hoặc tên lửa.

Lee Choon Geun, chuyên gia tên lửa tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho rằng: "Chúng ta phải xem nó được vận hành đúng cách như thế nào".

Nga và Triều Tiên phủ nhận việc tiến hành các thỏa thuận vũ khí.

KCNA cho biết ông Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng.

Sau lần phóng thất bại của Triều Tiên hồi tháng 5, Hàn Quốc đã vớt được mảnh vỡ của vệ tinh trên biển. Kết quả phân tích cho thấy vệ tinh này chỉ được sử dụng hạn chế làm bệ trinh sát.

Quân đội Hàn Quốc tin rằng tên lửa mới nhất mang theo vệ tinh trinh sát và đã được phóng về phía nam.

Thông qua hệ thống phát sóng khẩn cấp, Nhật Bản đã yêu cầu người dân ở Okinawa ẩn nấp bên trong các tòa nhà hoặc dưới lòng đất. Sau đó, họ cho biết tên lửa dường như đã bay qua Okinawa về phía Thái Bình Dương và dỡ bỏ cảnh báo khẩn cấp.

Theo Reuters