DNews

"Gấu Nga chưa bị cắt móng" ở Ukraine: NATO chuẩn bị chiến tranh tổng lực

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Có cảnh báo rằng NATO phải có đủ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga trong vòng 5 đến 9 năm tới để ngăn Moscow có "cơ hội" mở rộng xung đột Ukraine thành một cuộc đối đầu lớn hơn.

"Gấu Nga chưa bị cắt móng" ở Ukraine: NATO chuẩn bị chiến tranh tổng lực

Nga "là mối đe dọa lớn và cấp bách nhất" đối với NATO

Theo Newsweek, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) hồi đầu tháng 11 đã công bố báo cáo trong đó nhấn mạnh, NATO có nguy cơ phải chơi trò "đuổi bắt" với Nga, bất chấp cuộc xung đột nảy lửa của Moscow ở Ukraine.

Hai chuyên gia Christian Mölling và Torben Schütz của DGAP khẳng định, "Nga là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO" và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang trong một "cuộc chạy đua với thời gian".

"Một khi giao tranh khốc liệt ở Ukraine kết thúc, chế độ ở Moscow có thể cần ít nhất từ 6 đến 10 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Trong khung thời gian đó, Đức và NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để lực lượng vũ trang của họ đủ sức ngăn chặn và, nếu cần, chiến đấu chống lại các lực lượng vũ trang Nga.

Chỉ khi đó họ mới có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khác ở châu Âu. Nếu Moscow chuẩn bị sẵn sàng lực lượng vũ trang chỉ sau 6 năm, NATO sẽ ngày càng khó có thể bắt kịp", các chuyên gia của DGAP nhận định.

Trao đổi với kênh Rossiya 24 TV vào ngày 1/11, ông Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành tập đoàn quốc doanh Rostec của Nga cho biết: "Trong năm nay, chúng tôi đã tăng sản lượng sản xuất xe tăng gấp 7 lần. Ngoài ra, sản lượng xe bọc thép hạng nhẹ bao gồm xe chiến đấu bộ binh cũng tăng gấp 4,5 lần".

Vào tháng 9, Giám đốc công nghiệp của Rostec, ông Bekhan Ozdoev cho biết, tập đoàn đã mở rộng dây chuyền sản xuất các loại vũ khí chính xác cao bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và tên lửa siêu thanh Kinzhal, hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir, bom, đạn pháo.

Gấu Nga chưa bị cắt móng ở Ukraine: NATO chuẩn bị chiến tranh tổng lực - 1
Nga là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO... Đức và NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để lực lượng vũ trang của họ đủ sức ngăn chặn và, nếu cần, chiến đấu chống lại các lực lượng vũ trang Nga.
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu của ông coi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một cuộc chiến chống lại "tập thể phương Tây" và là đòn tấn công phủ đầu vào khối quân sự do Mỹ đứng đầu vốn luôn nhằm mục đích hạ gục và chia cắt Nga.

Cho đến nay, nền hòa bình không mấy dễ chịu giữa NATO và Nga vẫn được duy trì. Ngay cả khi vũ khí của NATO khai hỏa vào các đơn vị của Nga ở Ukraine, Moscow cũng không mở rộng hoạt động hơn, ngoài việc đe dọa hạt nhân.

Mặc dù NATO đang mở rộng biên giới với Nga hơn và siết chặt hơn - với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu - các lựa chọn chiến lược của Moscow, cả hai bên dường như đều ngấm ngầm cam kết tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh, thay vì dùng vũ khí nóng.

Nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu về Nga tại Crisis Group, ông Oleg Ignatov nói: "Họ không nghĩ đây là một cuộc chiến chống lại NATO... Họ không muốn cuộc xung đột này. Và tôi tin rằng tất cả các mối đe dọa hạt nhân của họ là tín hiệu để NATO không can thiệp trực tiếp".

"Đó sẽ là một cơn ác mộng", chuyên gia Ignatov nói về một cuộc đụng độ tiềm ẩn giữa Nga và khối phương Tây, vì thế, "cả NATO và Nga đã làm mọi cách để ngăn chặn xung đột trực tiếp kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu bùng nổ".

Gấu Nga chưa bị cắt móng ở Ukraine: NATO chuẩn bị chiến tranh tổng lực - 2

Nếu xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO, ai sẽ thắng? (Ảnh: The Times).

"Gấu Nga vẫn chưa bị cắt móng" ở Ukraine

Nga cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu ở Ukraine. Những gì được cho là một chiến dịch chớp nhoáng thể hiện sự kiên quyết và ưu thế chiến lược của Moscow đã chứng tỏ là một bãi lầy tốn kém. Cuộc xung đột không hồi kết đã gây ra thương vong cho hàng trăm nghìn người Nga, cô lập Điện Kremlin về kinh tế và chính trị, đồng thời kích động các kẻ thù phương Tây của Moscow sau những thập kỷ thờ ơ.

Quân đội Nga đã bị tổn thất và những hạn chế trong nỗ lực hiện đại hóa kéo dài hàng thập kỷ của Moscow đã được thể hiện rõ ràng với thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia của DGAP khẳng định: "Gấu Nga vẫn chưa bị cắt móng".

Họ bình luận: "Ngay cả sau gần hai năm tham chiến ở Ukraine, khả năng chiến đấu của Nga vẫn lớn hơn những gì ấn tượng hiện nay cho thấy... Các lực lượng trên bộ của Nga chịu tổn thất lớn nhất về nhân lực và trang thiết bị, họ sẽ đại diện cho nỗ lực tái thiết chính.

Mặc dù lực lượng không quân cũng đã mất đi những nhân sự có trình độ, nhưng tổn thất về trang thiết bị là tương đối nhỏ (khoảng 10 đến 15%). Đồng thời, cả hai lực lượng này đều đã chứng minh được khả năng thích ứng của mình".

"Hải quân Nga đã chịu tổn thất nặng nề tại Hạm đội Biển Đen, nhưng các hạm đội Baltic, Thái Bình Dương và phương Bắc vẫn đầy đủ sức mạnh, tiếp tục sẵn sàng sử dụng. Cả lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng tác chiến mạng và không gian có thể vẫn còn nguyên vẹn", các nhà phân tích giải thích.

Những người sống sót sau khi tham chiến ở "lò lửa" Ukraine sẽ tỏ ra có giá trị đối với lực lượng tái thiết của Nga.

Andrus Merilo, chỉ huy Lữ đoàn 1 Estonia, nói với Newsweek hồi đầu năm nay rằng, các chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn tương lai của Nga sẽ "dày dạn kinh nghiệm hơn chúng tôi. Họ đã học được cách kết thúc trận chiến thông qua những mất mát và đau đớn".

Tổng thống Putin không có dấu hiệu rút lui khỏi canh bạc Ukraine của mình, và hai thập kỷ cầm quyền của ông đã để lại rất ít sự phản đối chính trị hợp pháp trong biên giới Nga. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt đã không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga.

Gấu Nga chưa bị cắt móng ở Ukraine: NATO chuẩn bị chiến tranh tổng lực - 3
Đó sẽ là một cơn ác mộng nếu xảy ra chiến tranh tổng lực giữa Nga và NATO, vì thế cả hai bên đã làm mọi cách để ngăn chặn xung đột trực tiếp kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu bùng nổ.
Nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu về Nga tại Crisis Group, ông Oleg Ignatov

Báo cáo của DGAP cho biết: "Nga đang sử dụng doanh thu từ xuất khẩu dầu khí để biến ngành công nghiệp vũ khí của mình thành ngành công nghiệp chiến tranh... Họ đã tăng sản lượng ở một số phân khúc và giữ chân những công nhân quan trọng có tay nghề cao ở lại sản xuất.

Đồng thời, họ đã tìm cách lách được các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các thành phần được coi là quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh như vi mạch hoặc vòng bi và nguyên liệu thô. Ngoài ra, Nga còn nhập khẩu vũ khí và đạn dược từ các quốc gia đồng minh như Iran và Triều Tiên".

Ukraine và các đối tác phương Tây đang ở trong một cuộc xung đột lâu dài, và - theo các tác giả của báo cáo GDAP - công việc chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo nên bắt đầu ngay bây giờ, đó sẽ là một cuộc chiến tổng lực.

Các tác giả viết: "Lịch trình thực hiện các kế hoạch này có thể được thiết lập rõ ràng: Nó được xác định theo thời gian mà các lực lượng vũ trang Nga cần để phục hồi, nghĩa là từ 6 đến 10 năm sau khi kết thúc giao tranh cường độ cao ở Ukraine".

"NATO phải hoàn thành việc tái định vị của mình ít nhất một năm trước khi Nga đạt được năng lực chiến tranh. Điều này sẽ mang lại cho Điện Kremlin cơ hội nhận ra kịp thời rằng, cơ hội cho Nga tấn công NATO thành công vẫn chưa mở ra. Do đó, NATO phải đạt được năng lực chiến tranh trong vòng 5 đến 9 năm để có thể ngăn chặn Nga động binh".

Báo cáo lập luận rằng tốc độ là điều cốt yếu, đồng thời cho thấy rằng khả năng răn đe được thiết lập là chìa khóa cho tư duy chiến lược của Nga.

Các tác giả viết: "Bất kỳ đội quân hoặc hệ thống nào mà các nước NATO triển khai chỉ trong thời gian ngắn trước khi Nga hoàn tất quá trình tái thiết sẽ không ảnh hưởng đến những cân nhắc của Nga... Moscow sẽ đánh giá thấp khả năng sẵn sàng chiến đấu của NATO và có thể bị cám dỗ để bắt đầu một cuộc chiến tranh".

Gấu Nga chưa bị cắt móng ở Ukraine: NATO chuẩn bị chiến tranh tổng lực - 4

Nếu xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO, sẽ là một cuộc chiến tổng lực (Ảnh: Atlantic Council).

NATO phải gấp rút chuẩn bị chiến tranh tổng lực

NATO đã được huy động để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng mới từ Nga kể từ khi quân đội Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Xe tăng, pháo và thậm chí cả máy bay chiến đấu do NATO viện trợ đã sẵn sàng hoạt động chống lại lực lượng Nga, điều mà không ít người cho là không tưởng trước khi xung đột bùng nổ.

Phần Lan đã gia nhập liên minh, bổ sung thêm hơn 1.300km nữa vào biên giới liên minh NATO với Nga, trong khi Thụy Điển cũng đã cam kết gia nhập. Biển Baltic - cửa ngõ tiếp cận thế giới quan trọng nhất đối với nhiều hạm đội hải quân và thương mại của Nga - một số nhà lãnh đạo của khối đã nói, giờ đây giống như một "Hồ NATO".

Nhưng liên minh này cũng chậm chạp trong việc nhất trí gửi vũ khí tiên tiến nhất của mình tới Ukraine và đang nỗ lực mở rộng cơ sở công nghiệp - quân sự để cạnh tranh với cỗ máy chiến tranh của Nga.

Đặc biệt, việc sản xuất đạn pháo đã nổi lên như một điểm yếu tiềm tàng của phương Tây, khi các quốc gia trong khối không thể đáp ứng nhu cầu như "cái thùng không đáy" của Ukraine.

Nhìn chung, hầu hết các quốc gia NATO vẫn không đạt được mục tiêu đã thống nhất vào năm 2014 là chi 2% GDP cho quân đội của họ trong vòng 10 năm. Trong số những quốc gia vẫn đang nỗ lực để đạt được ngưỡng này có các thành viên chủ chốt như Đức, Pháp và Ý.

Mặc dù sự ủng hộ dành cho Ukraine vẫn được công chúng trên toàn NATO nhất trí, nhưng tất cả các quốc gia đang phải vật lộn với những căng thẳng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khiến việc mở rộng chi tiêu quân sự lớn trở nên nhạy cảm về mặt chính trị.

Báo cáo của DGAP cho rằng "thuốc giải độc" là lập kế hoạch dài hạn. Các tác giả cho biết: "Nếu giả định rằng NATO vẫn còn một thập kỷ nữa mới có thể ngăn chặn được Nga, thì nỗ lực cần thiết sẽ trở nên dễ hiểu hơn về mặt chính trị....

Gánh nặng đối với ngân sách công được dàn trải theo các điều khoản của một số chính phủ. Việc xây dựng cơ cấu lực lượng và mua sắm có thể được tiếp tục theo kế hoạch. Ngành công nghiệp có thể duy trì kế hoạch sản xuất của mình. Các nước NATO cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để xây dựng hệ thống phòng thủ tổng thể của mình".

NATO nên "tiết kiệm thời gian" bằng cách thúc đẩy Ukraine giành chiến thắng và làm suy yếu quân đội Nga ở mức tối đa, đồng thời tích hợp Ukraine vào các cơ cấu và ngành công nghiệp phòng thủ của EU - NATO.

Châu Âu phải đảm nhận vai trò "cân bằng" hơn trong nỗ lực của Mỹ đối với Ukraine bên cạnh việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm tiếp tục "cản trở sự phát triển của nền kinh tế chiến tranh Nga".

Theo Reporter, việc phương Tây tỏ ra lo ngại là hoàn toàn có lý khi thực tế không thể phủ nhận được rằng, trong 9 tháng đầu năm 2023, tức là từ tháng 1 đến tháng 9, chỉ số sản lượng hàng hóa và dịch vụ đối với các loại hình hoạt động kinh tế cơ bản ở Nga tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 4,6% trong hai năm.

Nền kinh tế Nga đã đạt mức quy mô tối đa trong lịch sử được ghi nhận vào tháng 12/2021, tức là trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Theo báo chí Nga, hóa ra trong vòng chưa đầy 2 năm, Liên bang Nga đã khắc phục được hậu quả của việc phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, vượt qua tất cả các loại hạn chế và biện pháp phân biệt đối xử. 

Cần lưu ý thêm rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế Nga đã tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ngành sản xuất, lĩnh vực hoạt động kinh tế và sẽ có tác động tích cực cũng như lâu dài.

Tất cả những điều này cho thấy nước Nga đã trở nên mạnh mẽ và ổn định hơn, trái ngược với mong đợi của phương Tây. Đương nhiên, quá trình như vậy sẽ có tác động tích cực đến hạnh phúc của người dân.

Nhưng cần lưu ý rằng đây là con số do Nga đưa ra và phương Tây nhận xét "mang đậm tính tuyên truyền" do chưa thể kiểm chứng. Bên cạnh đó, việc tính cả sản lượng vũ khí vào tăng trưởng GDP bị cho là phản tác dụng.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine