1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

G20 bế mạc, Obama "thất thế" trước Putin?

(Dân trí) - Đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 với mong muốn lôi kéo sự ủng hộ quốc tế về một hành động quân sự chống lại Syria, nhưng Tổng thống Mỹ Obama bị cho là "thất thế" khi rất nhiều quốc gia và cả EU nghiêng về quan điểm không sử dụng vũ lực của Putin.

Sau hai ngày hội đàm, hội nghị thượng đỉnh G20 đã khép lại ngày hôm qua trong chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria. Dù không phải chủ đề chính trong chương trình nghị sự của một hội nghị về các vấn đề kinh tế, nhưng đây lại là đề tài thu hút nhiều sự chú ý nhất, với những tranh cãi kéo dài đến quá nửa đêm giữa các nguyên thủ ngay trên bàn tiệc, về việc nên hay không nên tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông.

Tổng thống Nga Putin (trái) chào đón Tổng thống Mỹ Obama tại G20.
Tổng thống Nga Putin (trái) chào đón Tổng thống Mỹ Obama tại G20.

Tổng thống Mỹ Obama với lập luận rằng chính quyền Syria đã vượt qua giới hạn đỏ được cộng đồng quốc tế đưa ra khi sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, cần phải bị trừng phạt. Trong khi đó Tổng thống Putin của nước chủ nhà khẳng định những bằng chứng của Mỹ đưa ra là chưa thuyết phục, và chính phe nổi dậy mới là những người sử dụng thứ vũ khí này để “kích động một sự can thiệp từ nước ngoài”.

Ngay từ trước khi hội nghị diễn ra, sự đối lập trong quan điểm giữa Nhà Trắng và điện Kremlin đã nhiều lần được khẳng định. Nhưng nếu xem St. Petersburg là nơi hai siêu cường thế giới chứng tỏ vị thế của mình trong vấn đề Syria với thế giới, hay ít nhất là với các thành viên G20, những nước đóng góp 90% kinh tế và 2/3 dân số thế giới, thì chiến thắng rõ ràng nghiêng về phía nước chủ nhà.

Dù đã cố gắng thuyết phục hội nghị, nhưng Tổng thống Mỹ Obama vẫn tỏ ra yếu thế trước những tiếng nói phản chiến, từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia và cả EU, hay Đức, những đồng minh phương Tây truyền thống của Mỹ.

G20 đã kết thúc với tuyên bố của các nhà lãnh đạo về một loạt các vấn đề kinh tế quan trọng, từ phối hợp thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thương mại song phương, chống gian lận thuế, ngăn ngừa tài trợ khủng bố, chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu…nhưng tuyệt nhiên trong 114 điểm của bản tuyên bố chung, không có một điểm nào nói về vấn đề Syria.

Nỗ lực cuối cùng để vớt vát một chiến dịch vận động dư luận quốc tế thất bại của Washington tại St. Petersburg đó là thuyết phục được 10 đồng minh thân cận, gồm Australia, Canada, Pháp, Anh, Italy, Nhật, Ả rập xê út, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ ký vào bản tuyên bố chung, kêu gọi cộng đồng quốc tế “có phản ứng mạnh mẽ” trước các vụ tấn công khí độc tại Syria. Tuy vậy tuyên bố không hề đề cập đến việc tấn công quân sự vào quốc gia này, điều mà Mỹ đang theo đuổi.

Đáng chú ý là, theo một quan chức cấp cao của Mỹ, thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, nguyên thủ châu Âu duy nhất tại G20 lại từ chối ký vào bản tuyên bố chung này, bởi bà muốn để liên minh châu Âu có tiếng nói của mình.

Trong khi đó ngay trước giờ khai mạc hội nghị, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman van Rompuy đã lên tiếng khẳng định EU tin vào “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Syria, và rằng “không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Syria”. Ông van Rompuy cũng khẳng định “chỉ có Pháp sẵn sàng hợp tác” với Mỹ trong một hành động quân sự.

Do vậy tuyên bố chung của châu Âu tại G20 đó là hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng theo đường ngoại giao, một quan điểm mà Putin từ lâu vẫn khẳng định.

Ngay cả Giáo hoàng Francis, dù không tham dự hội nghị, nhưng ngài cũng đã gửi tới lãnh đạo các quốc gia tham dự G20 một bức thư, kêu gọi từ bỏ việc theo đuổi “một giải pháp quân sự vô ích” cho vấn đề Syria.

Ngoài vấn đề nóng bỏng này, Washington còn bị lãnh đạo các quốc gia đang phát triển lớn nhất, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS), thể hiện phản ứng “tiêu cực đến khắc nghiệt” trước thông tin tình báo Mỹ đã tìm cách do thám họ một cách có hệ thống, người phát ngôn của điện Kremlin, ông Peskov cho biết.

Những tiết lộ này dựa trên thông tin do cựu điệp viên CIA Edward Snowden, người đang tị nạn tại Nga tiết lộ với báo giới. Tại cuộc họp chung, lãnh đạo BRICS đã khẳng định hoạt động gián điệp điện tử này “không khác nào hành động khủng bố”, ông Peskov khẳng định trong một cuộc họp báo tại hội nghị.

Rõ ràng với những diễn biến như trên, khi các đoàn đại biểu G20 rời St. Petersburg, Obama không còn là người được chú ý nhất như khi ông đặt chân tới nữa. Trái lại, Tổng thống nước chủ nhà Putin, với quan điểm phản chiến mạnh mẽ của mình đã giành được sự ủng hộ lớn. Và chưa biết chừng, thất bại này sẽ khiến nỗ lực vận động quốc hội phê chuẩn hành động tấn công Syria của ông chủ Nhà Trắng trong tuần tới thêm phần thách thức.

Các nước BRICS bắt tay thành lập quỹ ứng phó khủng hoảng 100 tỷ USD
Các nước BRICS bắt tay thành lập quỹ ứng phó khủng hoảng 100 tỷ USD

Những thành công nổi bật của G20

Bất chấp những khác biệt, lãnh đạo G20 đã cùng ra một tuyên bố chung cho hội nghị, khẳng định nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, cho dù vẫn còn quá sớm để khẳng định khủng hoảng đã kết thúc.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tuyên bố được các Bộ trưởng tài chính G20 đưa ra hồi tháng 7, trong đó kêu gọi những thay đổi về chính sách tiền tệ phải “được tính toán thận trọng và thông báo rõ ràng”.

“Đòi hỏi khẩn thiết nhất đó là tăng cường động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra tăng trưởng cao hơn, việc làm tốt hơn, trong khi củng cố nền tảng cho sự phát triển dài hạn, và tránh các chính sách có thể khiến sự phục hồi bị suy giảm, hoặc khuyến khích tăng trưởng nhưng khiến các quốc gia khác chịu tổn thất”, các nhà lãnh đạo khẳng định.

Tại hội nghị, một sự kiện quan trọng nữa đó là nhóm các nước BRICS đã nhất trí cam kết đóng góp 100 tỷ USD quỹ dự trữ tiền tệ, nhằm giúp phòng ngừa trước một cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán trong tương lai. Trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD, Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD. Nam Phi sẽ đóng góp 5 tỷ USD.

Thanh Tùng
Tổng hợp