1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

F-16 được viện trợ cho Ukraine sẽ đối đầu ra sao với S-400 của Nga?

Thượng tá Trịnh Ngọc Tiến

(Dân trí) - Mới đây, radar của hệ thống phòng thủ S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga đã phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35 của Mỹ. Điều này khiến Ukraine sẽ gặp khó khăn với F-16 nếu được viện trợ.

F-16 được viện trợ cho Ukraine sẽ đối đầu ra sao với S-400 của Nga? - 1

Phương Tây có thể sẽ sớm viện trợ các máy bay F-16 cho Ukraine (Ảnh minh họa: AP).

Khả năng phương Tây chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine đã trở thành tiêu đề hàng đầu trên các phương tiện truyền thông. Một số bài báo đã khen ngợi loại máy bay chiến đấu này, thậm chí một số người cho rằng, F-16 sẽ làm "thay đổi cục diện" cuộc chiến tại Ukraine.

Tuy nhiên, giữa những ý kiến kêu gọi ủng hộ viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, vẫn còn một số ý kiến thực dụng. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, người sắp nghỉ hưu, đưa ra bình luận thận trọng hơn.

Ý kiến của tướng Milley đại ý rằng, người Nga có hàng trăm máy bay thế hệ thứ 4, để đạt được sự thay đổi căn bản, Ukraine cũng cần phải nhận được hàng trăm máy bay thế hệ thứ 4 và thứ 5.

"Bây giờ hãy so sánh giá cả, chi phí bảo trì và các điều kiện khác khi viện trợ F-16 cho Ukraine, và đó là lý do tại sao tôi ủng hộ viện trợ vũ khí phòng không là phù hợp hơn", ông bình luận.

Nhưng có một thực tế là, F-16, nếu Ukraine được trang bị, sẽ phải đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng từ các hệ thống phòng không hiện đại của Nga bởi nó là một mục tiêu có diện tích phản xạ radar khá lớn, không quá nhanh và khả năng cơ động khá khiêm tốn. 

Ngay sau khi chính thức nhận được tổ hợp phòng không S-400 Triumf đầu tiên từ Nga theo hợp đồng ký năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc thử nghiệm chiến đấu thực tế nhất, mà theo cách nói của họ, là người Nga không thể đủ khả năng, hay chính xác hơn là không có điều kiện.

Trên một khía cạnh nào đó, người Thổ đã đúng vì Almaz-Antey, công ty sản xuất S-400, khó có thể tìm thấy F-16 chính hiệu, bởi Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều máy bay chiến đấu loại này hơn tất cả các quốc gia khác thuộc NATO.

Các cuộc thử nghiệm quan trọng này diễn ra tại căn cứ Murted gần Ankara với nhiều khoa mục huấn luyện tấn công, trong đó F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ được lệnh "làm quân đỏ" đấu với hệ thống tên lửa S-400 Nga.

Theo các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ, F-16 và những chiếc F-4 cũ hơn, đã cố gắng thực hiện các cuộc tấn công ở các độ cao khác nhau, sử dụng những thao tác nhóm phức tạp đã bị phát hiện trước khi kịp tấn công bằng tên lửa chống radar vào S-400.

Tất cả phi công F-16 và F-4 đều nhận được cảnh báo về các cuộc tấn công (mô phỏng) bằng tên lửa S-400 đang nhằm vào họ.

F-16 được viện trợ cho Ukraine sẽ đối đầu ra sao với S-400 của Nga? - 2

Nga đã chuyển giao tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh minh họa: PATurkey).

Trong quá trình luân chuyển đến Trung Đông, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiếp cận căn cứ Murted ở khoảng cách từ 170-200km và radar trinh sát của hệ thống S-400 đã theo dõi sát các máy bay Mỹ.

Các ghi nhận như vậy đã diễn ra ít nhất 3 lần, không chỉ F-35 mà cả F-22 Raptor của Mỹ cũng bị S-400 phát hiện. Trong quá trình theo dõi các mục tiêu này, khả năng khí động học của tên lửa S-400 Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được thử nghiệm.

Câu chuyện này sau đó đã gây ra một vụ ồn ào trong nội bộ khối NATO bởi 2 lý do. Thứ nhất, vụ thử nghiệm đương đầu với S-400 của F-16 Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện vào đêm trước khi cuộc họp của những người đứng đầu các bộ phận quân sự NATO diễn ra. Thứ hai, theo một số quan chức không quân cấp cao, tổ hợp S-400 của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã đếm và gửi tất cả các thông tin có thể về F-16 cho Nga.

Một bộ phận không nhỏ các nhà phân tích tại Nga phản đối việc bán hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, NATO nghi ngờ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là "con ngựa thành Troy của Nga" và lo ngại rằng mọi thứ lọt vào tầm ngắm của radar S-400, được các cảm biến ghi lại sẽ nằm trong tầm ngắm của tình báo Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã phải trả giá cao cho S-400, cao hơn nhiều so với giá trị danh nghĩa của hợp đồng mua F-35 mà sau đó Washington buộc Ankara phải rút khỏi chương trình này.

Bất chấp những sức ép đáng kể, hệ thống phòng không S-400 của Nga dường như được Ankara đánh giá cao. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định giao S-400 cho nước thứ ba và không phản ứng mạnh trước các cảnh báo công khai của Mỹ trong sự việc này.