1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Đức khó xử trong việc cấm vận Nga?

Nội bộ nước Đức vẫn đang mâu thuẫn và khó xử trong cách ứng xử với lệnh cấm vận Nga.

Đức mâu thuẫn trong giải pháp cấm vận Nga

Ngày 27/5, trả lời báo giới tại thủ đô Tallinn của Estonia, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nêu khả năng “từng bước” giảm các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga nếu xuất hiện tiến triển trong việc chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

“Tôi hy vọng trước khi kết thúc tháng Sáu sẽ có tiến triển, và từ đó chúng tôi sẽ xem xét khả năng giảm trừng phạt từng bước một, hoặc giữ nguyên các biện pháp hiện có. Mục tiêu của chúng tôi không phải duy trì trừng phạt mà là giải quyết xung đột”, ông Steinmeier nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Đức nêu khả năng từng bước giảm các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga
Ngoại trưởng Đức nêu khả năng từng bước giảm các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga

Ngoài ra, Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh, một thỏa thuận về việc gia hạn biện pháp trừng phạt chống Nga khi thời hạn cấm vận sẽ hết vào ngày 31/7/2016 có thể rất khó khăn vì sự phản đối ngày càng tăng từ một số nước EU.

“Chúng ta có thể thấy rõ một điều là, sự phản đối việc kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong EU đã tăng lên. Nó sẽ khó khăn hơn so với thời điểm năm ngoái để tìm ra được một quan điểm chung cho vấn đề này”, ông Steinmeier nói.

Trước đó, trong hội nghị ngoại trưởng các nước G7 diễn ra cách đây không lâu tại Hiroshima, Nhật Bản, chính ông Steinmeier đã kêu gọi mời Nga đến cuộc họp này và biến nó thành G8.

“Không có các xung đột quốc tế lớn nào được giải quyết mà không có sự tham gia của Nga. Trong một năm tới, nếu Nga có thể duy trì vai trò này, đồng thời đáp ứng được các điều kiện mà G7 đưa ra, thì Nga hoàn toàn có thể quay trở lại nhóm”, ông Steinmeier tuyên bố.

Trong một động thái có liên quan, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khi nói về triển vọng mối quan hệ với Moskva đã tuyên bố rằng “chúng tôi muốn dỡ bỏ trừng phạt ngay hôm nay, chứ không đợi đến mai”.

Những phát biểu này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại thành phố Ise-Shima, Nhật Bản, bà Merkel cho rằng, G7 chưa có kế hoạch bãi bỏ các biện pháp cấm vận chống Nga liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

“Còn quá sớm để xóa bỏ những biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và G7 sẽ không thay đổi lập trường”, bà Merkel nói.

Giải pháp nào cho quan hệ với Nga?

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên trong nội bộ nước Đức tỏ rõ thái độ mâu thuẫn xung quanh quan hệ với Nga. Giới phân tích cho rằng, giới chức Berlin đang vướng trên vướng dưới, vừa muốn gỡ bỏ lệnh cấm vận Nga, mở đường cho nền kinh tế, vừa không thể mâu thuẫn với quyền lợi các quốc gia trong G7.

Còn nhớ, hôm 16/2, các nghị sỹ Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức cho biết bà Merkel muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vốn được đặt ra do những cáo buộc của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, song chưa có cơ sở cho hành động như vậy.

Theo nhà lãnh đạo Đức, Moskva cần thực thi hoặc tác động để lực lượng đòi độc lập tuân thủ mọi điều khoản trong thoả thuận hoà bình Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên hồi tháng 6/2015, trong lần phát biểu trên truyền hình Đức ARD, Thủ tướng Angela Merkel từng bày tỏ thái độ cứng rắn khi cương quyết không mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7.

Nội bộ nước Đức đang khó xử với Nga
Nội bộ nước Đức đang khó xử với Nga

“Với quan điểm hiện tại của chúng tôi, việc Nga quay trở lại là phi thực tế. Tất cả thành viên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đều nhất trí với quyết định này” bà Merkel nhấn mạnh.

Theo bà Merkel việc Nga sáp nhập Crime là một sự vi phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và những sự kiện xảy ra ở miền đông Ukraine là sự vi phạm nghiêm trọng các giá trị chung đó.

Trong khi Đức vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn thì Nga đã lên tiếng khẳng định nước này không tìm cách quay lại G7.

“Định dạng G8 không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả, làm việc với BRICS (nhóm gồm Brazils, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) và G20 chúng tôi còn thấy thú vị hơn nhiều”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói.

Thậm chí hôm 26/5, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Kathimerini (Hy Lạp), Tổng thống Putin cho rằng EU sẽ cần có sự giúp sức của Nga để có chỗ đứng trên phạm vi toàn cầu.

“Vị thế xứng đáng của lục địa già (ý chỉ châu Âu) trong thực tiễn thế giới hiện nay chỉ có thể được đảm bảo bằng sự tổng hòa năng lực của tất cả các quốc gia ở châu Âu, trong đó có Nga”, ông Putin khẳng định.

Theo Trung Dũng

Đất Việt