1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức: Ghép tủy có thể chữa được AIDS

(Dân trí) - 20 tháng sau khi được cấy tủy xương để chữa bệnh bạch cầu, một người đàn ông Mỹ mắc AIDS có vẻ như đã khỏi được căn bệnh chưa có thuốc chữa khỏi này.

Thông tin trên được các bác sỹ của bệnh nhân công bố vào ngày hôm qua, 12/11.

 

Trong khi các nhà nghiên cứu, và cả các bác sỹ chữa bệnh cho người đàn ông Mỹ, vẫn thận trọng cho rằng vụ việc có thể là do may mắn, nhưng nhiều người đã tỏ ra lạc quan. Họ cho rằng tin tốt lành trên mở ra hi vọng lớn chống lại được căn bệnh cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm. Trên khắp thế giới hiện đã có tới 33 triệu người nhiễm loại vi rút chết người này.

 

Bác sỹ Gero Huetter cho biết, bệnh nhân 42 tuổi, một người Mỹ sống ở Berlin, đã bị nhiễm virut AIDS suốt hơn chục năm qua. Nhưng 20 tháng sau khi được cấy ghép tủy xương ông có vẻ như không mang trong người loại virut này nữa. “Mỗi ngày chúng tôi đều đợi đọc tin xấu”, bác sỹ cho biết “Nhưng nó đã không đến. Các nhà nghiên cứu ở bệnh viện Charite, Berlin, và trường y học đều cho biết các xét nghiệm trên tủy xương, máu, và các mô khác của anh ấy đều “sạch sẽ””.

 

Tuy nhiên, bác sỹ Andrew Badley, giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu HIV và miễn dịch tại Bệnh viện Mayo, Mỹ, cho biết những xét nghiệm trên có thể chưa đủ sâu. “Cần phải tiến hành kiểm tra nhiều mẫu khác nhau mới có thể đưa ra kết luận không có AIDS”, bác sỹ cho biết.

 

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp cấy ghép tủy chữa được AIDS hoặc nhiễm HIV. Năm 1999, một bài báo trên tạp chí y học Medical Hypotheses đã thống kê kết quả của 32 lần cấy ghép tủy từ năm 1982-1996. Trong hai trường hợp, HIV dường như đã bị “tiêu diệt”.

 

Bệnh nhân của bác sỹ Huetter đã điều trị ở bệnh viện Charite với cả hai bệnh bạch cầu và AIDS. Bệnh bạch cầu được biết phát triển không liên quan gì đến HIV.

 

Trước khi được cấy tủy, bệnh nhân đã phải uống thuốc mạnh và làm bức xạ để tiêu diệt các tế bào tủy xương bị nhiễm bệnh và vô hiệu hóa hệ miễn dịch. Đây là phương thức chữa trị có thể gây nguy hiểm đến tính mạng 20-30% bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không được uống các loại thuốc điều trị AIDS nữa, do các bác sỹ sợ rằng thuốc điều trị AIDS có thể ảnh hưởng đến các tế bào tủy mới.

 

Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cho biết quá trình trên diễn ra quá tốn kém, và qúa nguy hiểm. Tuy nhiên, ông cho rằng nó có thể khích lệ các nhà nghiên cứu theo đuổi phương pháp chữa bằng gen để ngăn chặn hoặc tiêu diệt HIV.

 

Còn David Roth, giáo sư về sức khỏe cộng đồng quốc tế và dịch tễ học tại Viện vệ sinh và Thuốc nhiệt đới London, cho biết, trong giai đoạn đầu thì phương pháp chữa bằng gen rẻ và hiệu quả như phương pháp chữa bằng thuốc hiện thời. “Tuy nhiên vẫn còn một con đường dài phía trước, bởi có thể còn có những thay đổi tiêu cực mà chúng ta không biết”.

 

Thậm chí đối với bệnh nhân ở Berlin, các bác sỹ vẫn chưa biết rõ vì sao AIDS lại biến mất. Ngoài ra họ cũng không dám chắc vào tương lai. “Loại virut này rất tinh quái. Chúng có thể trở lại”, bác sỹ Huetter cho biết.

 

Phan Anh

Theo AP