1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đột nhập lò máy bay không người lái “khủng” nhất thế giới

(Dân trí) - Những chiếc ô tô lăn bánh qua các chốt an ninh trước rạng đông. Ở đây, trong khu phức hợp ngổn ngang tại San Diego thuộc Nam California, hàng nghìn công nhân đang mải miết cho ra đời thế hệ những vũ khí mới phục vụ cho chiến tranh hiện đại của quân đội Mỹ.

 
Đột nhập lò máy bay không người lái “khủng” nhất thế giới - 1
Một máy bay không người lái vừa ra khỏi xưởng ở Nam California.

Trung tâm sản xuất

Nam California là nơi tập đoàn General Atomics Aeronautical Systems cho ra đời các máy máy bay không người lái Predator và Reaper, loại máy bay có khả năng len lỏi giữa các dãy núi lởm chởm của Pakistan, chộp được những hình ảnh phát hiện nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố và có thể phóng những tên lửa gần 230kg để phá hủy mục tiêu.
 
Nằm trên diện tích gần 180.000 m2, đây là một khu trưng bày khổng lồ của ngành sản xuất máy bay không người lái đặt tại Nam California, với lực lượng nhân công lên tới 10.000 người. Ngành sản xuất máy bay không người lái đang phất vù vù vì được “tiếp đạm” bởi những khoản chi của Lầu Năm Góc - ít nhất 20 tỷ USD từ năm 2001 tới nay, và các khoảng lên đến nhiều tỷ USD nữa từ Cục tình báo Trung ương (CIA) và Quốc hội Mỹ.

Nam California đã trở thành “lò” sản xuất lớn nhất thế giới những chiếc máy bay không người lái, một vũ khí ngày càng quan trọng trong chiến tranh hiện đại, khi hàng triệu USD tiền của ngân sách liên bang được trút vào đây mỗi năm. Không chỉ có General Atomics Aeronautical Systems, thấy trước một thị trường với lợi nhuận khổng lồ, hàng chục nhà thầu quốc phòng giờ đây đang đua nhau lao vào lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái, trong đó có tập đoàn Boeing Co. và Lockheed Martin Corp.

Những hãng này sản xuất những máy bay do thám không người lái kích cỡ từ chỉ bằng con côn trùng, có thể bay qua cửa sổ, đến cả những loại lớn như máy bay phản lực có thể “la đà” ở tầng bình lưu. Nhiều chuyên gia cho rằng chẳng bao lâu nữa, các công ty của quân đội và tư nhân như vậy sẽ cho ra đời những phi đội máy bay không người lái có thể làm mọi nhiệm vụ mà máy bay có người lái có thể làm, như chở hàng hay tham gia tác chiến trên không. “Đây là loại vũ khí có nhu cầu rất lớn trong thời đại ngày nay”, Loren Thompson, một nhà phân tích chính sách quân sự của Viện Lexington (một tổ chức nghiên cứu ở Arlington, Virginia) nói.
 
Đột nhập lò máy bay không người lái “khủng” nhất thế giới - 2

Một chiếc Predator…
 
Đột nhập lò máy bay không người lái “khủng” nhất thế giới - 3
… và một Reaper, đều cùng "nguồn gốc xuất xứ" ở Nam California.

Hiện nay, Nam Carlifornia đang là trung tâm sản xuất máy bay không người lái với lợi thế là bề dày lịch sử liên quan đến ngành vũ trụ và lực lượng lao động ngày với tay nghề ngày càng cao. General Atomics và Northrop nổi lên là những nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, với những nhà máy và khu trưng bày khắp Nam California. Các đối thủ khác của hai hãng này là Boeing, hãng đã chế tạo được máy bay không người lái có thể chở hàng và do thám, trong đó phải kể đến loại Phantom có thể dùng ném bom tầm xa, và Phantom Eye - máy bay hình quả trứng có thể ở trên cao đến gần 19.000m trong 4 ngày.

AeroVironment Inc có một loạt máy bay không người lái cỡ nhỏ hiện đã là trụ cột của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Afghanistan, một trong số này là Raven, chỉ nặng chưa đến 2kg và trang bị nhiều máy quay để “nhìn trước” cho quân đội Mỹ thấy cái gì hiện diện bên trên và đằng sau quả đồi. Trong khi đó, Lockheed Martin Corp., nhà thầu quốc phòng lớn nhất Mỹ thì có chiếc RQ-170 Sentinel còn Bethesda có những chiếc máy bay không người lái dùng cho vận tải. Steve Gitlin, một người phát ngôn của AeroVironment nói. “Có những máy bay khác nhau với những tính năng khác nhau, nhưng về cơ bản, chúng đều có ở đây, ở California".
 
Đột nhập lò máy bay không người lái “khủng” nhất thế giới - 4

Boeing vừa công bố chiếc Phantom Ray UAV, máy bay không người lái mới nhất của hãng.
 
Đột nhập lò máy bay không người lái “khủng” nhất thế giới - 5
Còn đây là chiếc Phantom Eye - máy bay hình quả trứng có thể ở trên cao đến gần 19.000m trong 4 ngày.
 
“Máy bay không người lái” - chiến lược tốn kém của Mỹ

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, quân đội Mỹ bất ngờ muốn một loại vũ khí có thể săn lùng và tiêu diệt những hang ổ nằm sâu trong núi của các nhóm khủng bố thuộc mạng lưới al-Qaeda. Lầu Năm Góc đã rất mạnh tay chi cho khoản này, và đây chính là bước ngoặt đối với những công ty như General Atomics.

Theo Taxpayers for Common Sense, một nhóm giám sát chi tiêu của chính phủ có trụ sở tại Washington, từ đầu năm tới nay Quốc hội Mỹ đã dành riêng ít nhất 120 triệu USD cho loại máy bay chiến đấu không người lái. “Nhưng thực ra, không ai biết chính xác con số dành cho loại máy bay này là bao nhiêu”, Laura Peterson, một nhà phân tích an ninh quốc gia của tổ chức này nói. “Mọi người không biết chính xác về khoản chi, nhưng biết máy bay do thám là một phần rất quan trọng trong ngành quốc phòng Mỹ”.

Máy bay không người lái rất có ý nghĩa vì chúng có thể thực hiện những chức năng quân sự cực kỳ quan trọng mà không gây tổn hao tính mạng của phi công. Chúng cũng rất tiết kiệm tiền. Một chiếc Predator mất khoảng 4 triệu USD, trong khi mỗi chiếc F-35 mới hiện đang trong giai đoạn bay thử đã “ngốn” mất khoảng 100 triệu tiền của người đóng thuế.

Ngày nay, máy bay không người lái đã trở thành một phần quan trọng trong các chiến dịch quân sự của quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc đã chi hơn 4 tỷ USD trong năm nay để mua và vận hành các máy bay loại này - trong đó hơn 7.000 chiếc được triển khai ở Iraq và Afghanistan. Theo các nhà phân tích, CIA cũng đang chi khoảng 1 tỷ USD một năm cho kỹ thuật sản xuất máy bay do thám - dù con số mỗi năm không được tiết lộ vì ngân sách của cơ quan này được bảo mật.

Máy bay sản xuất ở Mỹ cũng có một thị trường quốc tế rất lớn, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Anh. Năm ngoái, Không quân Mỹ đã tiết lộ Kế hoạch Máy bay Không người lái, trong đó vạch rõ lộ trình phát triển máy bay không người lái cho đến năm 2047. Không quân Mỹ đặt mục tiêu thay thế gần như tất cả các máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay ném bom.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phê bình cho rằng triển vọng tạo việc làm và chiến dịch vận động tiền tệ đã khiến các nghị sĩ trong quốc hội Mỹ “làm ngơ” trước những khuyết điểm của máy bay không người lái. Một loạt những sai sót đã xảy ra trên chiến trường: trong hệ thống, những sự cố máy tính, trệch mục tiêu... Hàng trăm dân thường vô tội đã thiệt mạng do những cuộc không kích có sự tham gia của máy bay không người lái ở Afghanistan và Pakistan. Còn nữa, một số quan ngại rằng công nghệ sản xuất máy bay không người lái sẽ rơi vào tay lực lượng khủng bố và sẽ được dùng để chống lại chính các mục tiêu của Mỹ.

Việt Hà
Sưu tầm