1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm yếu chí mạng của siêu tăng Mỹ cấp cho Ukraine

An Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia quân sự Nga bắt đầu nghiên cứu những điểm yếu của siêu xe tăng M1 Abrams để tìm ra cách áp chế loại xe tăng Mỹ mới chuyển cho Ukraine này.

Điểm yếu chí mạng của siêu tăng Mỹ cấp cho Ukraine - 1

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất (Ảnh: Creative).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/9 xác nhận nước này đã nhận lô xe tăng Abrams đầu tiên trong tổng số 31 chiếc Mỹ hứa viện trợ.  Số xe còn lại dự kiến sẽ được giao vào cuối mùa thu năm nay.

Abrams là 1 trong 3 loại xe tăng hạng nặng của NATO viện trợ Ukraine cho đến nay, bên cạnh dòng Leopard của Đức và Challenger của Anh.

Tuy nhiên, hai mẫu thiết giáp hạng nặng trước đó không thoát khỏi sự khốc liệt trên chiến trường khi phải đối đầu với không lực Nga. Hàng chục chiếc Leopard và ít nhất 2 chiếc xe tăng "bất khả chiến bại" của Anh bị hạ gục trong cuộc giao tranh ác liệt ở mặt trận Zaporizhia hồi đầu tháng này.

Ukraine và phương Tây đặt kỳ vọng vào M1 Abrams, tuyên bố "vũ khí này sẽ giúp quân đội Ukraine có thể hoạt động tác chiến hiệu quả hơn".

Điểm yếu chí mạng của Abrams

Tuy vậy, Sputnik dẫn nhận định của chuyên gia Nga đã vạch ra điểm yếu của dòng xe tăng này.

Theo đó, dòng xe tăng Abrams được gửi tới Ukraine không đạt tiêu chuẩn tương tự xe mà quân đội Mỹ sử dụng. Chúng không được trang bị cùng một lớp giáp uranium nghèo (DU) siêu dày để tăng cường khả năng bảo vệ cho thân xe và tổ lái.

Xe tăng Abrams của Ukraine được tân trang lại từ kho quân sự Sierra ở California với lớp giáp DU bị loại bỏ vì một số nguyên nhân không được công khai. Ngay cả khi được trang bị lớp DU dày, dòng Abrams của Mỹ vẫn tỏ ra dễ bị tổn thương trước các hệ thống chống tăng của Nga.

Sergey Suvorov, cựu đại tá quân đội Nga hiện là chuyên gia nghiên cứu giáp tăng, cho biết: "Trên hầu hết các mẫu xe bọc thép và thiết bị của phương Tây, các khu vực bên hông và phía sau có xu hướng dễ bị tổn thương".

"Abrams có thể bị hạ gục bởi hỏa lực từ pháo tự động Bradley 25mm và pháo tự động 30mm của BMP 2. Thậm chí, từng  có trường hợp một chiếc Abrams bị hạ gục bằng súng máy hạng nặng DShK tại Iraq", ông Suvorov nói. Chuyên gia này không đánh giá cao khả năng tự vệ của dòng Abrams, cho rằng chúng yếu hơn so với mẫu tăng cùng thời của Nga.

Cũng theo chuyên gia, các loại đạn pháo mới không thể sử dụng trên xe tăng Abrams vì lực bắn sẽ làm hỏng nòng pháo chính.

"Hơn hết, khẩu pháo của Abrams có nòng ngắn, động cơ tua-bin khí dường như không thích ứng được với bụi bặm, hệ thống lọc khí chưa được cải thiện", ông Suvorov đánh giá.

Theo kinh nghiệm của ông, máy lọc không khí chỉ hoạt động được tối đa 15 phút trong điều kiện chiến đấu. Sau đó chúng cần được tháo ra và làm sạch, nếu không, bình chứa sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn.

Tóm lại, sau khi phân tích các điểm yếu của dòng Abrams mới nhất, ông Suvorov tin rằng "bất kỳ vũ khí chống tăng hiện đại nào" được trang bị cho quân đội Nga, kể cả súng phóng lựu chống tăng cầm tay RPG-7, cũng có khả năng đe dọa thiết giáp mới của Ukraine.

Ông nói thêm: "Rất có thể chỉ UAV cũng sẽ đánh bại những chiếc xe tăng này".

Các phương án đối phó với Abrams

Điểm yếu chí mạng của siêu tăng Mỹ cấp cho Ukraine - 2

Một trực thăng Ka-52 (Ảnh: Sputnik).

Đầu tiên, về mặt chiến lược, đúc kết từ kinh nghiệm chống lại các đợt phản công từ Ukraine, xe tăng luôn dễ dàng bị đánh gục nếu đi vào khu vực bẫy mìn dày đặc của hàng phòng thủ Nga.

Thứ hai, với ưu thế về số lượng và chất lượng của pháo binh và không quân, lực lượng Nga có thể sử dụng trực thăng tấn công Kamov Ka-52 và Mil Mi-28 với tên lửa dẫn đường laser để săn lùng xe tăng.

Yếu tố thứ ba là thiết giáp của Nga, các dòng xe tăng T-72B, T-72B3M, T-80 và T-90M đã được nâng cấp và có sức mạnh vượt trội so với xe tăng chiến đấu chủ lực của NATO.

Bên cạnh đó, Nga có ưu thế áp đảo về số lượng UAV có khả năng gây nhiễu GPS. Thiết bị này giúp Moscow phòng thủ trước các cuộc tấn công UAV của đối phương vào hệ thống thiết giáp của mình.

Cuối cùng, bộ binh Nga có khả năng chống giáp bằng các hệ thống tên lửa chống tăng cầm tay như Kornet, vốn được thiết kế tối ưu cho việc phá hủy dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của NATO bao gồm cả Abrams.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine