1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu sĩ quan tình báo Mỹ trở thành nhà Việt Nam học

Tôi rời khỏi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ năm 1964, nhưng mối quan tâm về vấn đề tư tưởng (của người cách mạng Việt Nam) vẫn còn nguyên. Nhưng tiếp tục ra sao đây?

Với một số sĩ quan tình báo phương Tây, cách mạng Việt Nam đã tạo hứng khởi có tính bước ngoặt, đưa họ sang nghiên cứu ngành Việt Nam học. Đó là sĩ quan OSS Charles Fenn, từng là một cộng sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ phe Đồng minh và Việt Minh hợp tác năm 1945, rồi viết sách tiểu sử Hồ Chí Minh.

Đó là William Duiker, một nhân viên sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đến những ngày cuối cùng, hoàn thành sách nổi tiếng "Hồ Chí Minh - một cuộc đời" (Ho Chi Minh - a life, xuất bản năm 2000)...

Đó là sĩ quan biệt kích Pháp Paul Mus, năm 1947 làm nhiệm vụ thuyết khách đối với Hồ Chí Minh, sau đó trở về thực hiện những công trình nghiên cứu nổi tiếng về văn hóa Việt...

Dưới đây là tự sự về bối cảnh bước vào ngành Việt Nam học và tâm nguyện của David Marr, tác giả một số sách được giải về Việt Nam, do chính ông viết trong Lời đầu sách "Thử thách các truyền thống Việt 1920 - 1945" (Vietnamese Tradition on Trail 1920 - 1945).

Là sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ ở Việt Nam, nhiệm kỳ 1962 - 1963, tôi không thể không bị choáng bởi năng lực của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTGP) trong tiến hành các chiến dịch đấu tranh chính trị và quân sự, trong những điều kiện khó khăn nhất mà con người có thể tưởng tượng nổi.

Cho dù bị phân tán trên hàng trăm địa bàn khác nhau, cách trở về đường không, biển, bởi sông, núi, chịu thiếu thốn trăm bề, chỉ không thiếu sự bền bỉ, MTGP đã thành công trong việc tránh không bị chia tách, bị tiêu diệt từng bộ phận. Hơn nữa, tới 1963, đã rõ ràng rằng MTGP đã lớn mạnh đến mức nó đương đầu trực diện, và chắc chắn sẽ chiến thắng chế độ mà Mỹ ủng hộ, đóng đô ở Sài Gòn.

GS. David Marr, được Quỹ Phan Chu Trinh tặng giải thưởng Việt Nam học 2008. Ảnh Sài Gòn tiếp thị.

GS. David Marr, được Quỹ Phan Chu Trinh tặng giải thưởng Việt Nam học 2008. Ảnh Sài Gòn tiếp thị.
Tôi bị hút vào một đoạn của "mê lộ" tình báo. Chúng tôi biết rõ rằng hệ thống thông tin của MTGP là cực kỳ thô sơ, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy ngay cả những cơ sở thuộc tầng thấp nhất của tổ chức MTGP vẫn nhận thức được, về đại thể, họ cần phải làm gì, và vẫn cố gắng hoạt động phù hợp (với đòi hỏi của tình hình).

Thêm nữa, có nhiều trường hợp người lãnh đạo tại chỗ của MTGP bị giết, bị bắt, hoặc buộc phải lánh sang vùng khác, nhưng các hoạt động "chống chính phủ" không vì thế mà chấm dứt. Chỉ sau một thời gian (tạm lắng) khoảng vài tháng, cùng lắm một năm, các hoạt động như thế (cách mạng) có xu hướng ngày một tăng cường trở lại (quy mô cũ). Các mối liên lạc với lãnh đạo cấp cao hơn của MTGP được khôi phục, đẩy bộ máy của Mỹ - Sài Gòn vào tình thế còn xấu chưa từng có.

Mặt khác, tôi nhận thấy hai người lãnh đạo của MTGP ở hai vùng cách xa nhau, khi phải đối đầu với cùng một hoàn cảnh, và đều không nhận được hướng dẫn gì của cấp trên, đã cùng đưa ra các cách đối phó về bản chất là giống nhau. Không phải lúc nào họ (những cán bộ MTGP) cũng chọn được giải pháp đúng đắn nhất, nhưng họ (không hẹn mà nên) đều bộc lộ nhãn quan chính trị sáng suốt, cách tiếp cận vấn đề sát thực tiễn, không chờ đợi, dựa dẫm vào tổ chức, cấp trên.

Chưa kể đến các vấn đề khác, chỉ điều nói trên thôi (tính chủ động của cán bộ các cấp MTGP) đã cho thấy nỗ lực của các chuyên gia "chống nổi dậy" nhằm kiến tạo thế bị chia cắt theo vùng miền đối với ((phong trào) của MTGP, và nhằm gây chia rẽ trong nội bộ hàng ngũ MTGP, tất yếu sẽ thất bại. MTGP có thể vẫn phải gánh chịu tổn thất, nhưng không phải do chính sách chia để trị của Mỹ - Sài Gòn.

Tôi bắt đầu đi đến kết luận là đã đạt được một sự nhất trí về tư tưởng giữa các thành viên của MTGP, giúp cho các cán bộ cơ sở có thể hàng tuần, hàng tháng hoạt động trong điều kiện các chỉ thị sâu sát của cấp trên không tới được tay họ. Hơn nữa, trong trường hợp tập thể lãnh đạo (phong trào) địa phương bị triệt bởi hành động (đàn áp) của Mỹ - Sài Gòn, (quần chúng) vẫn duy trì được ý chí (đấu tranh), giúp lớp cán bộ kế tục khôi phục lại phong trào trong thời gian tương đối nhanh.

Tôi rời khỏi lực lượng TQLC Mỹ năm 1964, nhưng mối quan tâm về vấn đề tư tưởng (của người cách mạng Việt Nam) vẫn còn nguyên. Nhưng tiếp tục ra sao đây? Ngay trong thời gian học năm đầu ở Đại học Berkeley, bang California, tôi đã loại bỏ môn Khoa học chính trị (khỏi đầu mình, không còn xem nó) như một bộ môn đáng học.

Sẽ là nực cười (trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt) để nghĩ là tôi sẽ sang một làng quê Việt để thực hiện những khảo sát thật chính xác. Tôi cũng không còn hào hứng phỏng vấn những người Việt bị bắt. Tôi đành bằng lòng với việc phân tích các truyền đơn, báo chí và các cuốn sách mỏng của MTGP, và của Bắc Việt thời đó, nhưng nhận thấy cách làm này hời hợt, và các nguồn của chúng chỉ tập trung vào một số vấn đề then chốt đang đặt ra.

Năm 1965 tôi phỏng vấn một số trí thức ở đô thị Nam Việt Nam, kinh ngạc nhận thấy họ biết quá ít về chủ nghĩa chống thực dân ở nước Việt Nam đương đại, và về sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

Đến lúc này tôi đi đến được một xét đoán là lịch sử cánh tả (lịch sử phong trào cách mạng) là lựa chọn duy nhất. Trong cuộc khảo cứu này đâu cần phải vội vàng, vì từ năm 1966 trở đi tôi đã không còn coi những người cộng sản Việt Nam là kẻ thù, rằng phải cố láu cá hơn họ, phải đánh bại họ. Thật vậy, khi sang Nam Việt Nam làm nghiên cứu phục vụ cho luận án Tiến sĩ vào năm 1967, tôi đã nhận biết (convinced) rằng Việt Cộng chắc chắn đang đi tới chiến thắng, chủ yếu là do họ được thừa hưởng một truyền thống dân tộc và chống đế quốc, thực dân (anticolonialism) mạnh mẽ.

Sách Việt Nam: truyền thống và cách mạng. Trung tâm tư liệu Đông Dương xuất bản tại Hoa Kỳ, 1974.

Sách Việt Nam: truyền thống và cách mạng. Trung tâm tư liệu Đông Dương xuất bản tại Hoa Kỳ, 1974.

Năm 1971, tôi xuất bản cuốn Chủ nghĩa chống thực dân ở Việt Nam 1885 - 1925 (Vietnamese anticolonialism 1885 - 1925, NXB University of California Press).

Tại mối nối (của hai giai đoạn chiến tranh) này, thay vì viết một sách nào tiếp nối cuốn đã ra, tôi nhận thấy có ý nghĩa hơn, nếu chung "vốn", với những người đồng chí hướng, bất cứ điều gì tôi tích lũy được về Việt Nam, để giúp đồng bào Mỹ hiểu ra rằng các hành động (chiến tranh) mà phe Mỹ đang gây ra ở Đông Nam Á là thảm khốc và vô nhân đạo.

Và chúng tôi đã cùng đạt được đích là thành lập Trung tâm tư liệu Đông Dương (Indochina Resource Center một tổ chức nghiên cứu giáo dục tinh thần phản chiến có trụ sở tại Washington; đến 1982 sáp nhập vào Asia Research Center/Trung tâm nghiên cứu châu Á).

Cho dù chúng tôi không kỳ vọng sẽ chống lại được bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng những nỗ lực của chúng tôi không phải là không đem lại những thành quả ở từng nơi, từng lúc. Viên đại sứ Hoa Kỳ cuối cùng ở Sài Gòn thậm chí còn phản đòn Trung tâm tư liệu Đông Dương, cho rằng Trung tâm này góp công làm (phe diều hâu) Mỹ bị "mất" Việt Nam. Công bằng mà nói, chính QĐND Việt Nam, tới lúc đó sở hữu một năng lực chỉ huy và hệ thống thông tin thật hiện đại, tinh vi, đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến.

Sang Đại học quốc gia Australia năm 1975, ban đầu tôi định nghiên cứu và viết tập II sách về chủ nghĩa chống thực dân ở Việt Nam. Tuy nhiên ý đồ này đã được chỉnh sửa khi tôi nhận thấy các nguồn tư liệu gốc về giai đoạn 1925 - 1945 quả là dồi dào và đa dạng.

Chỉ riêng Thư viện Quốc gia Paris (Pháp) thôi, đã lưu trữ được khoảng một vạn danh mục tư liệu tiếng Việt. Hàng trăm hồ sơ tiếng Pháp (về Việt Nam) và tiếng Việt có thể tới đọc ở Verssilles, hoặc đặt được dưới dạng microfilm. Có ít nhất 80 nhân vật viết hồi ký về các hoạt động chính trị, quân sự, hoặc văn hóa của mình trong giai đoạn dẫn tới Cách mạng tháng Tám 1945. Lưu trữ Hải ngoại của Pháp (Archives d'Outre-Mer) ở cả Paris và Aix - en - Provence đều chứa cả những tài liệu gốc được in trong nhà in bí mật của (cách mạng) Việt Nam, và những tư liệu cùng dạng, về sau được in lại trong các tạp chí học thuật của Hà Nội. Tôi nhận thấy không một tư liệu nào trong đó lại có thể xem là không hữu ích.

Những gì tỏ ra sống động nhất trong núi tư liệu gốc nói trên là sinh khí của những thử nghiệm, là sự dồi dào của những ý tưởng đầy sức cuốn hút, những trao đổi không bị bó buộc bởi nghi thức, cả những thất vọng sâu sắc, những trải nghiệm trong đau đớn, và những chia tách của giới trí thức bởi các giới tuyến, sẽ trở thành dễ nhận biết với bất kỳ sinh viên nào thời hậu chiến ở Việt Nam.

Trong khi mong mỏi các học giả khác đưa ra được các đánh giá cân bằng về các cặp phạm trù như thực dân - chống thực dân, chủ nghĩa dân tộc - cộng sản, chủ nghĩa truyền thống - chủ nghĩa hiện đại... tôi cảm nhận, sẽ là dấn thân (challenging - đầy thử thách) và bổ ích hơn đối với chính mình, nếu tôi nỗ lực chuyển tải những gì là nền tảng tri thức chung, những gì thực sự gây bùng nổ sự quan tâm và những cuộc tranh luận, dẫn tới những phân tích và bổ sung vào các tiêu điểm (của ngành Việt Nam học)...

Theo Lê Đỗ Huy (trích dịch)

Tuần Việt Nam