1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống "quen với thi thể" của những người gom xác ở Ấn Độ

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng trăm người đã làm công việc thu gom thi thể khi Ấn Độ chìm trong làn sóng Covid-19 thứ 2 khiến hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày.

Cuộc sống quen với thi thể của những người gom xác ở Ấn Độ - 1

Một thi thể được bọc trong túi xác trước khi chuyển đến lò hỏa táng ở Ấn Độ (Ảnh: Al Jazeera).

Bên ngoài cổng của Trung tâm Chăm sóc COVID Sardar Patel (SPCCC) - một bệnh viện "dã chiến" do chính quyền Delhi thiết lập, thi thể một phụ nữ 55 tuổi nằm trên vỉa hè. Con gái, 32 tuổi, và cháu trai ngồi cạnh thi thể của bà. Họ khóc khi họ nắm lấy đôi tay vô hồn của người đã khuất.

Một giờ sau, xe cấp cứu đến. 3 người đàn ông bước ra và bắt đầu mặc đồ bảo hộ.

"Chuyện này xảy ra hàng ngày trong suốt vài tuần qua và bây giờ chúng tôi đã quen với việc nhìn thấy những thi thể với số lượng lớn như vậy", Dipu, tài xế xe cứu thương, nói với Al Jazeera.

Trước khi đại dịch bùng phát, Dipu từng cõng các bệnh nhân đến bệnh viện. Còn bây giờ, anh là một trong số hàng trăm người thu gom thi thể nạn nhân Covid-19 khi Ấn Độ chìm trong làn sóng đại dịch thứ hai.

Trong bối cảnh số ca tử vong tăng đột biến, nhiều bệnh nhân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế do thiếu giường bệnh và nguồn cung ôxy. Do vậy, nhiều người đang phải tự chăm sóc sức khỏe của bản thân hoặc người thân của họ ngay tại nhà.

Theo Reuters, Ấn Độ ngày 21/5 ghi nhận thêm 4.209 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong 24 giờ, nâng tổng số người chết tại nước này lên hơn 291.000 trường hợp. Số ca nhiễm mới tăng cũng tăng thêm 259.551 người, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 26 triệu người.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tin rằng số ca tử vong và nhiễm bệnh trên thực tế tại Ấn Độ có thể cao hơn từ 5 đến 10 lần.

Trong khi đó, người thân của người phụ nữ tử vong bên ngoài bệnh viện "dã chiến" Sardar Patel vẫn khóc lóc thảm thiết, đến nỗi không thể ghi được tên của bệnh nhân.

"Chúng tôi không thể tìm thấy bình ôxy nào từ sáng, không có bệnh viện nào sẵn sàng tiếp nhận bà", cháu trai của người phụ nữ vừa qua đời cho biết.

3 người đàn ông vệ sinh thi thể, gói ghém cẩn thận, bọc vào túi xác và chuyển lên xe cấp cứu.

Dipu đưa thi thể đến bệnh viện gần nhất để xét nghiệm Covid-19 thêm.

"Chúng tôi thu gom khoảng 6-7 thi thể mỗi ngày, trong đó có một số người chết ở nhà. Nhiều thi thể không được xác nhận mắc Covid-19 và được xếp vào trường hợp tử vong bình thường. Còn thi thể này nằm bên ngoài bệnh viện, vì vậy chúng tôi sẽ xét nghiệm thêm", Dipu cho biết.

Thi thể của người phụ nữ sẽ được xếp vào nhóm nghi chết vì Covid-19, sau đó được đưa đến khu hỏa táng để thực hiện các nghi thức cuối cùng.

Xếp hàng chờ hỏa táng

Cuộc sống quen với thi thể của những người gom xác ở Ấn Độ - 2

Những người đàn ông thu gom thi thể bệnh nhân Covid-19 từ nhà và bệnh viện ở Delhi (Ảnh: Al Jazeera).

Bên ngoài Nigam Bodh Ghat - lò hỏa táng lớn nhất Delhi, Mohsin Khan, một tài xế xe cấp cứu, đang hút thuốc cùng các đồng nghiệp của mình.

Khan đang chờ hỏa táng một thi thể do anh chuyển đến. Lò hỏa táng đã kín chỗ và anh phải chờ ít nhất 4-5 giờ.

Một phụ nữ trẻ mặc đồ bảo hộ bước tới, nước mắt đầm đìa, chỉ về phía thi thể và hỏi Khan: "Anh có thể làm cho anh ấy nhắm mắt lại được không?".

Người phụ nữ tên Payal nói rằng, đó là xác của chồng cô. Họ mới kết hôn một tuần trước.

Khan vứt điếu thuốc và nói với giọng bình tĩnh. Rõ ràng, anh đã "chai sạn" trước thảm kịch này.

"Điều đó là không thể, thưa cô. Chúng tôi vẫn làm điều này hàng ngày. Nhưng nếu mắt không nhắm lại trong vòng 15 phút sau khi chết, thì chúng sẽ vẫn mở như vậy. Chúng tôi cũng không thể mở túi xác. Xin lỗi cô", Khan nói với góa phụ trẻ.

Payal rời đi, cố gắng tự an ủi mình.

Khan dẫn đầu nhóm tài xế cấp cứu tại bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash (LNJP) của Delhi - bệnh viện điều trị Covid-19 lớn nhất ở thủ đô.

Điện thoại của Khan tiếp tục đổ chuông trong khi anh đang nói chuyện với bạn và hút thuốc. Tất cả đều là tài xế xe cấp cứu và đang chờ đưa thi thể vào lò hỏa táng.

"Mỗi ngày, có hàng dài chờ ở đây và chúng tôi có thêm chút thời gian để thoát khỏi sự hỗn loạn trong thành phố. Tôi không vào trong lò hỏa táng. Tôi ngồi đây, bên ngoài cổng, vì tôi không muốn nhìn thấy những khoảnh khắc cuối cùng của một con người", Khan nói.

Khan cho biết nhiều người đang chết tại nhà vì thiếu giường bệnh.

"Chúng tôi thường phải đối mặt với sự tức giận của các thành viên trong gia đình của những người đã khuất. Họ nói rằng các bác sĩ và bệnh viện không bao giờ nhận điện thoại của họ, nhưng chúng tôi (những người thu gom thi thể) lại luôn đến đúng giờ", Khan nói.

Khan cho biết hầu hết thi thể mà anh thu gom từ nhà dân được xếp vào nhóm tử vong không do Covid-19, ngay cả khi người đó chết vì các triệu chứng liên quan đến Covid-19.

Nhìn thấy góa phụ trẻ cô đơn, bất an và đau buồn, Khan gọi cho nhân viên phụ trách của bệnh viện LNJP, nhờ giúp đỡ để nhanh chóng hỏa táng thi thể chồng cô.

Sự can thiệp của Khan đã mang lại kết quả. Chồng của Payal được hỏa táng ít nhất 2 giờ trước thời gian quy định.

Trong khi đó, bên ngoài bệnh viện LNJP, một phụ nữ trung niên đang ngồi trên xe cấp cứu, nắm tay người mẹ ốm yếu của mình. Bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với Covid-19 từ 5 ngày trước đó.

Nồng độ ôxy của bệnh nhân đang sụt nhanh và người phụ nữ cần giường có máy thở ôxy ngay lập tức. Con trai cô vào trong bệnh viện để kiểm tra giường, trong khi người phụ nữ cầu xin mọi người có mặt ở đó giúp cô.

Nhưng đã quá muộn. Bệnh nhân đã không qua khỏi. Buddhiraj, một tài xế xe cấp cứu trong đội của Khan, đến thu gom thi thể bệnh nhân vừa qua đời. Anh bắt đầu quy trình làm vệ sinh thi thể, bọc vào túi xác và chở đến lò hỏa táng Nigam Bodh Ghat.

Buddhiraj được thông báo rằng anh phải đợi ít nhất 6 giờ để được hỏa táng.

"Đó là một công việc khó khăn, tôi không muốn thấy cảnh mọi người buồn bã. Tôi không được học hành nhiều, cũng không thông minh cho lắm. Nhưng khi nhìn vợ con mình, tôi cảm thấy biết ơn vì có thể giúp đỡ gia đình của những người khác theo một cách nào đó", Buddhiraj chia sẻ.