1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống mưu sinh nguy hiểm của người Campuchia tại công trường xây dựng Trung Quốc

(Dân trí) - Nhiều người Campuchia đã bất chấp rủi ro để làm việc tại các công trường xây dựng do người Trung Quốc làm chủ với hy vọng có thể kiếm được mức thu nhập đủ sống.

Cuộc sống mưu sinh nguy hiểm của người Campuchia tại công trường xây dựng Trung Quốc - 1

Công nhân Campuchia làm việc tại công trường xây dựng tòa nhà cao tầng tại Sihanoukville (Ảnh: AFP)

Khi Sam Sok nhận công việc của một công nhân xây dựng với mức thù lao 6 USD/ngày tại thành phố Sihanoukville, Campuchia, cô đã biết đây là một công việc nguy hiểm. Cái chết của 28 công nhân trong vụ sập tòa nhà do Trung Quốc xây dựng gần đây tại Sihanoukville, trong đó một cháu trai của Sam Sok hiện vẫn mất tích, càng phơi bày những mối nguy hiểm mà những người như Sam Sok phải đối mặt khi mưu sinh.

Để lại con trai 8 tuổi cho những người hàng xóm trông nom ở nơi cách chỗ cô làm việc hơn 100 km, Sam Sok quyết định tìm cơ hội việc làm để thoát nghèo tại Sihanoukville, nơi từng là một thành phố ven biển im lìm trước khi chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng xây dựng do Trung Quốc đầu tư.

Công việc xây dựng tại các công trường ở Sihanoukville chủ yếu bấp bênh, lương thấp và thường gặp nguy hiểm, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng.

“Chúng tôi vẫn làm vì tiền, nhưng bây giờ chúng tôi sợ rằng chúng tôi có thể cũng gặp kết cục không may tương tự”, người phụ nữ 32 tuổi nói, nhắc tới vụ sập nhà khiến 28 người thiệt mạng gần đây.

“Chúng tôi bây giờ làm việc trong sợ hãi”, Sam Sok nói khi ở trong bệnh viện tại Sihanoukville - nơi cô tìm kiếm cháu trai mất tích.

Nhiều người đã bị vùi lấp khi đang ngủ vào thời điểm tòa nhà do Trung Quốc xây dựng bị đổ sập rạng sáng ngày 22/6. Sam Sok sợ rằng cháu trai của cô là một trong số những người đó.

Tương tự các lao động nhập cư khác, các công nhân thường ở luôn bên trong công trình mà họ đang xây dựng. Họ chấp nhận sống xa nhà để kiếm kế sinh nhai.

Cũng như nhiều người khác, Sam Sok chạy theo tin đồn về sự giàu có tại Sihanoukville. Cô được nghe những người dân sống tại quê nhà kể về số tiền mà họ kiếm được khi làm việc ở Sihanoukville.

Sam Sok kiếm được 6 USD/ngày nhờ công việc vận chuyển ván gỗ và kim loại tại nhiều công trường khác nhau ở Sihanoukville, một thành phố đang phát triển bùng nổ. Tại đây, hàng chục sòng bạc và khách sạn do Trung Quốc rót vốn đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch phát triển như vũ bão, trong đó phần lớn là khách du lịch từ Trung Quốc.

Khi mức lương được tăng lên mức 10 USD/ngày, số tiền đó còn tốt hơn so với thu nhập của người lao động làm việc trên nông trại hoặc thậm chí trong các nhà máy.

GDP bình quân đầu người của Campuchia đã tăng lên trong những năm gần đây khi nền kinh tế nước này dần dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Nhiều người lao động đang tìm kiếm việc làm trong ngành dịch vụ và may mặc, trong khi các cơ hội việc làm trong ngành xây dựng cũng gia tăng nhanh chóng.

Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới vẫn xếp khoảng 1/3 dân số Campuchia vào diện “cận nghèo” với mức thu nhập bình quân hàng năm khoảng 1.380 USD, thấp hơn so với các nước láng giềng trong khu vực sông Mekong.

Nguy hiểm rình rập

Cuộc sống mưu sinh nguy hiểm của người Campuchia tại công trường xây dựng Trung Quốc - 2

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát trong vụ sập tòa nhà do Trung Quốc xây dựng hôm 22/6. (Ảnh: AFP)

Các khoản đầu tư từ Trung Quốc đã giúp Campuchia chuyển đổi nền kinh tế theo hướng giảm bớt ngành nông nghiệp. Trung Quốc đã rót tiền xây dựng các tuyến đường mới, cảng mới và tòa nhà mới trên khắp lãnh thổ Campuchia.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hoạt động xây dựng cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về các quy định an toàn dưới mức tiêu chuẩn tại Campuchia, nơi phần lớn trong số 200.000 công nhân xây dựng đều không được bảo vệ đầy đủ về pháp lý.

Đa số họ là lao động theo ngày, không phải là thành viên của các tổ chức và cũng không được bảo vệ bởi luật mức lương tối thiểu. Theo Kong Athit, tổng thư ký Hiệp hội Lao động Campuchia, các chủ thầu xây dựng thường phớt lờ các biện pháp an toàn, tìm cách “đi đường tắt” và hậu quả là dẫn tới các vụ tai nạn.

“Trách nhiệm của chủ thầu và chính phủ là phải kiểm tra nghiêm túc trước khi cho phép bất kỳ công trình xây dựng nào khởi công”, Kong Athit cho biết.

Khmao, một công nhân xây dựng, cho biết anh gần như không được cấp thiết bị an toàn khi làm công việc chở gạch tại công trường ở Sihanoukville. Khmao ngủ cách nơi xảy ra vụ sập nhà gần đây chỉ khoảng 100 m.

Người đàn ông 36 tuổi đã di chuyển hơn 300 km từ tỉnh Prey Veng phía đông tới Sihanoukville để tìm kiếm một công việc với mức thu nhập 10 USD/ngày tại một công trình thuộc sở hữu của Trung Quốc.

“Tôi chỉ có một mũ bảo hiểm, không có mặt nạ và tôi lo ngại về sự an toàn của mình. Tôi muốn về nhà nhưng không có tiền”, Khmao cho biết.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã quy trách nhiệm vụ sập nhà khiến 28 người thiệt mạng do nguyên nhân giám sát bất cẩn. Ông sa thải một quan chức cấp cao và chấp nhận đơn từ chức của một quan chức khác sau vụ việc nghiêm trọng này. Ông Hun Sen cũng hỗ trợ tiền bồi thường từ 10.000 - 70.000 USD cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng và những người may mắn sống sót.

Liên quan tới vụ sập nhà tại Sihanoukville, 7 người, trong đó có 5 công dân Trung Quốc, đã bị buộc tội ngộ sát hoặc thông đồng.

Đối với một số người, vụ sập nhà vừa xảy ra là quá đủ để họ tránh xa công việc xây dựng đầy rủi ro suốt đời.

“Tôi sẽ không bao giờ làm công nhân xây dựng nữa. Tôi không nghĩ là mình có thể sống sót. Tôi đã được tái sinh”, Ros Sitha, người may mắn sống sót sau hai ngày bị vùi lấp trong đống đổ nát trước khi được giải cứu một cách thần kỳ trong tình trạng bầm tím và yếu ớt hôm 24/6, cho biết.

Sitha đã nhận 30.000 USD tiền hỗ trợ từ Thủ tướng Hun Sen và đang lên kế hoạch quay trở về quê nhà tại tỉnh Prey Veng.

Vụ sập nhà do Trung Quốc xây dựng ở Campuchia: Số người chết tăng lên 17

Thành Đạt

Theo AFP