1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống đảo lộn ở Ukraine sau 2 năm chiến sự

An Hoàng

(Dân trí) - Người Ukraine vật lộn với cuộc sống sau 2 năm xung đột: các mối quan hệ gia đình và bạn bè tan vỡ, trẻ em không thể đến trường, nền kinh tế điêu đứng vì thiếu lao động.

Cuộc sống đảo lộn ở Ukraine sau 2 năm chiến sự - 1

Xung đột đã khiến hàng trăm nghìn người ở Ukraine thiệt mạng và bị thương (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi không ngờ rằng tổn thất lại lớn đến vậy", cô Alona Onyshchuk thẫn thờ khi thăm nghĩa trang Lozuvatka. Đây là nơi chôn cất người chồng, người cha của cô và 10 người lính Ukraine khác đã ngã xuống trong trận chiến gần thành phố Bakhmut vào cuối năm 2022.

Những khu tưởng niệm tương tự đã xuất hiện mọi nơi trên khắp Ukraine, là minh chứng đẫm máu cho cuộc chiến khốc liệt chuẩn bị bước sang năm thứ 3 và chưa thấy hồi kết.

Quy mô thương vong của quân đội Kiev được xem là bí mật quốc gia và được bảo vệ chặt chẽ. Tuy nhiên, theo ước tính của phương Tây, ít nhất hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị thương xuyên suốt cuộc chiến.

Ngoài thương vong, xung đột còn gây tác động tiêu cực đến gần như toàn bộ cuộc sống người dân nước này. Ví dụ, các trường học ở Lozuvatka, cách Kiev khoảng 350km về phía đông nam, đều đã đóng cửa và chuyển sang hình thức học trực tuyến nhằm tránh các cuộc không kích.

Mặc dù Nga rất hiếm khi sử dụng UAV tấn công trực tiếp vào ngôi làng nhưng với vị trí gần sát với thị trấn sản xuất thép trọng điểm Kryvyi Rih, nơi thường xuyên là điểm nóng bị tấn công, Lozuvatke luôn trong tình trạng báo động.

Cuộc sống đảo lộn ở Ukraine sau 2 năm chiến sự - 2

Một cô giáo địa phương đóng đồ dùng sinh hoạt để gửi cho các binh sĩ Ukraine ngoài chiến tuyến (Ảnh: Reuters).

Theo thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào tháng 8/2023, chỉ có khoảng 1/3 trẻ em trong độ tuổi đi học trên khắp Ukraine tham dự đầy đủ các lớp học trực tiếp. Tại các khu vực vẫn nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền nước này, hơn 1.300 trường học đã bị phá hủy hoàn toàn.

Bà Svitlana Anisimova, giáo viên một trường học thuộc Lozuvatke, cho rằng giải pháp tạm thời học trực tuyến không thể thay thế việc tham gia các lớp học. "Tất nhiên là điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới lũ trẻ và khả năng tương tác xã hội của chúng vì chúng không thể giao tiếp với nhau", một người đàn ông 35 tuổi chia sẻ.

Theo bà Iryna Pototska, hiệu trưởng một ngôi trường tại đây, khoảng 40 trong số 136 học sinh của trường hiện có phụ huynh đang được điều động và phục vụ trong quân đội.

Những mạng lưới tình nguyện mọc lên khắp nơi trên Ukraine và các giáo viên cũng tham gia góp sức. Cô Pototska giúp phụ nữ địa phương đóng gói các hộp thức ăn, đồ uống cũng như lưới ngụy trang để gửi đến quân đội Ukraine. Cô Yuliia Samotuha, một giáo viên khác tại trường, tham gia vào quá trình điều phối bao gồm nhận yêu cầu từ các đơn vị quân đội và phân chia công việc giữa các hộ gia đình.

"Khi bạn bận rộn, bạn sẽ không còn nghĩ đến chiến tranh nữa", một người phụ nữ 34 tuổi chia sẻ.

Cuộc sống đảo lộn ở Ukraine sau 2 năm chiến sự - 3

Cuộc sống của người dân Ukraine bị đảo lộn vì chiến sự (Ảnh: Reuters).

Theo các quan chức Ukraine, khoảng 8.000 thường dân và binh sĩ Ukraine đang bị Nga giam giữ và chỉ khoảng 3.000 trong số đó đã được trả tự do. Denys là một cư dân Lozuvatka nằm trong con số 5.000 còn lại đó. Anh gia nhập Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine vào năm 2021 và bị bắt khi đang chiến đấu ở thành phố cảng Mariupol vào tháng 5/2022.

"Chúng tôi muốn chứng minh rằng không ai trong chúng tôi lãng quên họ. Chúng tôi sẽ luôn chiến đấu vì họ như họ đã chiến đấu vì chúng tôi", bà Terletska, mẹ của Denys, kêu gọi trong cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ giải cứu những tù nhân bằng mọi giá ở Kryvyi Rih.

Vợ chồng bà Terletska thường xuyên bị dày vò bởi nỗi đau và lo lắng về số phận của con trai họ với hy vọng mong manh rằng "thằng bé còn sống dù bặt vô âm tín".

Bên cạnh đó, tại một trang trại lớn ở địa phương, chủ trang trại Oleksandr Vasylchenko cho biết ông đã mất đi người làm vì phục vụ lực lượng vũ trang. Ông lo rằng những máy móc quan trọng sẽ bị hỏng vì không có ai bảo trì và vận hành.

Theo chính quyền địa phương, hơn 1/3 số công nhân nông trại lành nghề ở Lozuvatka đã được huy động vào quân đội, cho thấy sức tàn phá của cuộc chiến đối với ngành nông nghiệp xương sống của nền kinh tế Ukraine.

Những thách thức này khiến Kiev lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đang thiếu hụt binh sĩ, song, nếu quân đội tuyển dụng quá nhiều, nền kinh tế sẽ càng phải chịu thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, nhiều người Ukraine vẫn chọn tiếp tục chiến đấu. Anastasiia, 23 tuổi, cho biết: "Trái tim tôi đau xót vì đất nước Ukraine. Nhưng đây là nhà của chúng tôi, người dân của chúng tôi sống ở đó. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc".

Theo An Hoàng