1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đua "hậu cần" khốc liệt của Phần Lan sau khi gia nhập NATO

Thanh Thành

(Dân trí) - Sau nhiều thập niên tự giải quyết các vấn đề an ninh quốc phòng, Phần Lan đã gia nhập NATO để rồi nhận thấy, cuộc sống trong một liên minh lớn rất phức tạp, tốn kém và mang tính chính trị sâu sắc.

Cuộc đua hậu cần khốc liệt của Phần Lan sau khi gia nhập NATO - 1

Các binh sĩ Phần Lan tham gia một cuộc tập trận quân sự ở Rovajarvi hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Chỉ 1 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Phần Lan đã gạt bỏ hàng thập niên "không liên kết quân sự và tự lực cánh sinh" để gia nhập NATO - liên minh quân sự duy nhất trên thế giới.

Điều đó được quyết định với tốc độ nhanh chóng mặt và con đường để chính thức trở thành thành viên cũng là chặng đường ngắn nhất trong lịch sử NATO. Phần Lan đã trở thành thành viên NATO có đường biên giới dài nhất với Nga, đánh dấu sự kết thúc đường lối trung lập về quân sự của nước này trong suốt 80 năm qua.

Nhưng vấn đề nổi lên bây giờ là Phần Lan sẽ phải trải qua một quá trình phức tạp để hòa nhập vào liên minh quân sự này với yêu cầu về phòng thủ tập thể, với tất cả các rào cản tài chính, pháp lý và chiến lược.

"Gia nhập NATO là một công việc tốn kém và hỗ trợ Ukraine là một công việc quá tốn kém cũng như không có điểm dừng trước mắt", Tổng Giám đốc Chính sách Quốc phòng Janne Kuusela của Bộ Quốc phòng Phần Lan nói.

Tư cách thành viên NATO từ lâu đã được coi là một lợi ích giá rẻ do chiếc ô hạt nhân của Mỹ và nguyên tắc phòng thủ tập thể. Nhưng NATO cũng có những yêu cầu sâu rộng đối với các thành viên - không chỉ là mức chi tiêu cho quốc phòng mà còn là những yêu cầu cụ thể từ mỗi quốc gia về năng lực, vũ khí, sức mạnh quân đội và cơ sở hạ tầng nhất định.

Để đạt được điều đó sẽ đòi hỏi các quan chức chính phủ và quân đội Phần Lan phải đưa ra một số quyết định khó khăn và tốn kém và thậm chí cần phải học cách suy nghĩ chiến lược bên ngoài biên giới Phần Lan, điều chỉnh lực lượng cũng như năng lực của mình cho phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của liên minh.

Chẳng hạn, họ sẽ phải quyết định cách di chuyển quân đội và thiết bị đến Na Uy, Thụy Điển hoặc các nước vùng Baltic trong trường hợp cần tiếp viện hoặc  là việc có tham gia các nhiệm vụ khác của NATO như tuần tra ở Kosovo hay Địa Trung Hải hay không.

Đồng thời, các quan chức và nhà phân tích cho rằng, vấn đề nữa là Phần Lan sẽ không thay đổi ý định bảo vệ từng tấc lãnh thổ của mình, với đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga, một học thuyết được coi là lỗi thời trong thời đại chiến tranh hiện đại.

Nước này vẫn tự coi mình vẫn có khả năng tự vệ vào thời điểm hiện tại, vì vậy không giống như nhiều quốc gia NATO giáp biên giới với Nga, Phần Lan được coi là khó có thể yêu cầu sự hiện diện luân phiên của quân đội đồng minh.

Cuộc đua hậu cần khốc liệt của Phần Lan sau khi gia nhập NATO - 2

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) trao văn kiện gia nhập NATO của Phần Lan cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 4/4 (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Matti Pesu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan cho biết, "toàn bộ cơ quan an ninh và chính sách đối ngoại tin rằng hiện tại chưa cần những đội quân như vậy, nhưng tương lai thì không phải là không".

Đồng thời, nước này đang đàm phán một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương với Mỹ, loại hiệp định mà Washington đã ký kết với nhiều nước trên thế giới, giúp các bên dễ dàng lên kế hoạch các cuộc tập trận chung và thực hiện nhanh hơn.

Thỏa thuận sẽ bao gồm quy tắc về việc Phần Lan sẽ cho phép quân đội Mỹ tập trung quân vào lúc nào và ở đâu, cũng như loại thiết bị nào mà quốc gia hùng mạnh nhất NATO này có thể mang đến Phần Lan để tập trận hoặc sẵn sàng cho tập trận.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho biết các cuộc đàm phán rất phức tạp.

Cuộc đua hậu cần khốc liệt của Phần Lan sau khi gia nhập NATO - 3

Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga (Ảnh: Getty).

Mối quan hệ của Phần Lan với Mỹ được coi là quan trọng như mối quan hệ với NATO, đặc biệt là về năng lực răn đe hạt nhân của Washington nhằm bảo vệ tất cả các thành viên.

Luật pháp Phần Lan cấm nhập khẩu hoặc lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Nhưng Phần Lan sẽ phải quyết định chính sách răn đe hạt nhân và bản chất của việc nước này tham gia vào định hình chính sách hạt nhân của NATO.

Mối quan hệ với nước láng giềng Nga cũng chắc chắn đã thay đổi. Trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Nga đã cảnh báo Phần Lan không được trở thành thành viên. Nhưng cuộc xung đột Ukraine đã làm thay đổi nhanh chóng trong dư luận Phần Lan. Tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO tăng vọt từ khoảng 25% lên hơn 80%. 

Khó khăn bủa vây

Tướng Timo Kivinen, Chỉ huy lực lượng phòng thủ Phần Lan, gánh vác phần lớn trách nhiệm về việc đất nước của ông gia nhập với NATO. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nhấn mạnh rằng, cốt lõi vấn đề là Điều 3 trong hiến chương NATO, "trong đó nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu để bảo vệ một quốc gia nằm ở chính quốc gia đó".

Đối với ông, nó cũng quan trọng như Điều 5, trong đó coi hành vi tấn công một quốc gia thành viên NATO là hành vi tấn công tất cả các nước trong liên minh.

Tướng Timo Kivinen đã quá quen với hoạt động nội bộ của NATO, vì Phần Lan từ lâu đã là quốc gia đối tác, tham gia vào các cuộc tập trận cùng liên minh và tiếp đón hàng trăm binh sĩ NATO tại nước này. Hàng trăm binh sĩ NATO gần như đóng quân liên tục ở Phần Lan kể từ tháng 4/2022. 

Ông nói, giờ đây, với tư cách là một thành viên chính thức, việc lập kế hoạch sẽ chuyên sâu hơn, nhưng còn nhiều điều cần xem xét để điều chỉnh các kế hoạch phòng thủ của Phần Lan cho phù hợp với kế hoạch của NATO. Tướng Kivinen cho biết, chính Điều 5 sẽ yêu cầu Phần Lan cần phải làm và nỗ lực nhiều hơn nữa.

"Chúng tôi cần có khả năng đóng góp cho hoạt động phòng thủ tập thể của NATO bên ngoài biên giới Phần Lan và đó là điều hoàn toàn mới", ông nói. Ông nhấn mạnh thêm rằng, nó sẽ có tác động đến các lực lượng của Phần Lan "khi chúng tôi tiếp tục phát triển những năng lực có thể triển khai đó, những mục tiêu năng lực đó" mà NATO yêu cầu.

Ngoài ra còn có các nhiệm vụ khác của NATO, như kiểm soát không quân bên ngoài Phần Lan, lực lượng đặc nhiệm hải quân và có thể tham gia vào các lực lượng đa quốc gia mà liên minh đã triển khai ở các quốc gia tiền tuyến khác. Phần Lan cũng sẽ phải quyết định điều những quan chức nào cho trụ sở NATO nào và muốn tác động như thế nào đến các chính sách của liên minh.

Chiến sự ở Ukraine đã khiến Bắc Âu và Bắc Cực trở nên quan trọng hơn đối với an ninh của toàn liên minh. Vì vậy, tướng Kivinen cho biết, điều quan trọng là Thụy Điển, đối tác quốc phòng lâu năm của Phần Lan, phải sớm gia nhập NATO.

Điều đó sẽ giúp việc lập kế hoạch liên minh trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là trong việc xác định cách tốt nhất để bảo vệ Bắc Cực, khu vực Baltic và 4 trong số 5 quốc gia Bắc Âu gồm Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch (Iceland là nước thứ 5).

Cuộc đua hậu cần khốc liệt của Phần Lan sau khi gia nhập NATO - 4

Một binh sĩ Mỹ hướng dẫn binh sĩ Phần Lan sử dụng súng trường trong cuộc tập trận ở Rovajarvi vào tháng 5 (Ảnh: Reuters).

Bốn quốc gia này đã đồng ý vận hành khoảng 250 máy bay chiến đấu như một lực lượng chung và cũng để cung cấp chức năng kiểm soát trên không cho Iceland. 

Sau đó là vấn đề Phần Lan phù hợp ở đâu trong ba bộ chỉ huy tác chiến của NATO, chịu trách nhiệm về các khu vực địa lý khác nhau. Năm quốc gia Bắc Âu muốn có cùng một bộ chỉ huy, chạy từ căn cứ Norfolk, nơi tập trung vào hải quân và bảo vệ các tuyến đường biển Đại Tây Dương, Bắc Âu và Bắc Cực.

Nhưng Norfolk vẫn chưa hoạt động đầy đủ. Và do cuộc xung đột ở Ukraine, NATO đã đặt Phần Lan vào quyền chỉ huy trên bộ có trụ sở tại Brunssum (Hà Lan), có nhiệm vụ bảo vệ Trung và Đông Âu, bao gồm Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic.

Theo New York Times