1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nữ Tổng thống đầu tiên của Chile (1)

Cuộc đời giông bão

Sinh ra trong một gia đình có cha là thống tướng không quân, bà Bachelet đã trải qua những năm tháng thăng trầm dưới chế độ độc tài của Pinochet, từng bị giam giữ, tra tấn, phải sống lưu vong ở nước ngoài. Cuộc đời gian nan đã tạo trong bà một động lực lớn lao để đi tới: nghị lực sống.

Con nhà binh

Bà Bachelet tên đầy đủ là Verónica Michelle Bachelet Jeria, sinh ngày 29/9/1951 tại Santiago, thủ đô Chile. Bà đã trải qua một tuổi thơ khá đặc biệt so với bạn bè đồng trang lứa, và đó chính là bước hình thành các nét tính cách mạnh mẽ của người phụ nữ lãnh đạo Chile về sau.

Có thể nói cuộc đời của Bachelet chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người cha là thống tướng không quân Alberto Bachelet Martínez. Là con nhà binh, bà được rèn luyện tính kỷ luật trong môi trường quân đội từ nhỏ, đó là một trong những viên gạch lót đường đưa bà đến vị trí bộ trưởng quốc phòng sau này.

Tuổi thơ của bà gắn liền với những cuộc di chuyển. Gia đình bà nay ở căn cứ quân sự này, mai lại dời đến căn cứ quân sự kia. Nhờ đó mà bà có dịp đặt chân đến nhiều miền đất khác nhau của Chile, gặp được nhiều người khác nhau từ khi còn bé xíu.

Năm 12 tuổi, Bachelet lần đầu tiên xuất ngoại cùng gia đình khi cha bà đến Mỹ công tác. Cả nhà bà sống tại Bethesda (bang Maryland) trong hai năm.

Ấn tượng đọng lại trong bà về khoảng thời gian sinh sống tại Mỹ là cảm giác ngỡ ngàng: bà không hiểu tại sao cư dân ở một nước lớn mạnh như Mỹ mà lại biết rất ít về những quốc gia khác.

Bà nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian thật sự rất thú vị với tôi. Tôi không thể tưởng tượng nổi tại một cường quốc như Mỹ mà lại chẳng có ai biết gì về Chile cả. Người ta cứ nghĩ chúng tôi sống như những bộ lạc da đỏ”.

Tuy nhiên, nhờ tính tình hòa đồng mà cô bé xuất xứ từ “bộ lạc da đỏ” đó quen được rất nhiều bạn và nhanh chóng nói tiếng Anh lưu loát trên đất Mỹ.

Trở lại quê hương, bà học phổ thông tại Trường nữ sinh Javiera Carrera. Cô lớp trưởng Bachelet không những học giỏi mà còn tỏ ra xuất sắc trong tất cả các hoạt động ngoại khóa: góp giọng trong dàn đồng ca của trường, tham gia đội bóng chuyền, nhóm kịch, ban nhạc…

Nằm trong tốp đầu những học sinh tốt nghiệp xuất sắc từ Trường Javiera Carrera, bà đậu thủ khoa vào Trường đại học Chile năm 1970. Lúc đầu bà dự định học ngành xã hội học, nhưng với áp lực của cha, bà phải chọn ngành y.

Chile dậy sóng

Dưới thời Pinochet, chi tiêu ngân sách dành cho quân sự tăng vọt 120% (1974-1979). Chính sách kinh tế - xã hội của chính quyền Pinochet càng khiến tầng lớp người nghèo ở Chile rơi vào cảnh cùng khổ. Giai đoạn 1970-1989, thu nhập của người dân Chile giảm 8%, tiền trợ cấp năm 1989 chỉ bằng 20% của năm 1970. Trong khi đó, ngân sách dành cho giáo dục, y tế và nhà ở giảm 20%. Hàng chục nghìn người mất việc làm, tỉ lệ thất nghiệp tại Chile năm 1982-1985 trung bình lên đến 26% và chẳng bao lâu sau đó đạt mức kỷ lục 30%.

Là con một vị tướng, cuộc đời của bà Michelle Bachelet đã bị đảo lộn hoàn toàn theo những biến cố của đất nước. Những năm đầu thập niên 1970, Chile là một đất nước đầy biến động dưới thời Tổng thống Salvador Allende - một bác sĩ theo chế độ dân chủ xã hội.

Trước tình hình thiếu lương thực ngày càng trầm trọng, chính quyền Allende đã giao cho cha bà nhiệm vụ quản lý ủy ban giá cả và cung ứng hàng hóa do chính phủ lập ra để kiểm soát việc phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Cuộc sống của gia đình bà Bachelet và hơn 9 triệu người dân Chile đã bị đảo lộn sau cuộc đảo chính đẫm máu do Augusto Pinochet tiến hành năm 1973.

Đó là một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Chile. Ngày 11/9/1973, quân đội do Pinochet dẫn đầu tràn vào dinh tổng thống, cướp quyền lực. Sau đó, người ta thấy xác của ông Allende với lỗ chỗ vết đạn trên người.

Chế độ xã hội chủ nghĩa do Allende khởi xướng bị lật đổ, thay vào đó là chế độ độc tài quân sự gắn liền với bạo lực và giết chóc. Ngay sau khi lên cầm quyền, Pinochet bãi bỏ hiến pháp, giải tán quốc hội và tổ chức truy quét các đảng phái chính trị đối lập.

Những màn bạo lực đẫm máu diễn ra nhắm vào thành viên các đảng cánh tả có liên hệ với liên minh cầm quyền của Tổng thống Allende, đặc biệt là những người thuộc Đảng Xã hội của ông Allende.

Trong những ngày đen tối của tháng chín năm đó, ít nhất 70 nhân vật cấp cao của Đảng Xã hội đã bị lữ đoàn Tử thần (Caravan of Death) - biệt đội ám sát của Pinochet - sát hại.

Lữ đoàn này bao gồm nhiều sĩ quan quân đội, di chuyển bằng trực thăng từ hết nhà tù này đến nhà tù khác để hành quyết các tù nhân chính trị bằng những phương thức khủng khiếp với súng ngắn và dao nhọn.

Xác các nạn nhân sau đó bị vùi lấp trong những nấm mồ vô danh, mãi mãi không được ai biết đến. Sân vận động quốc gia Chile bị biến thành một nhà tù ngoài trời với 40.000 tù nhân. Chỉ trong vòng ba năm, hơn 130.000 người bị bắt giữ. Trong đó, hơn 3.000 người đã bị sát hại hoặc mất tích, hơn 27.000 người khác bị tra tấn.

Hàng nghìn người cánh tả Chile thoát khỏi vòng khủng bố của chế độ Pinochet tại Chile đã trốn ra nước ngoài, đặc biệt là Argentina, xin tị nạn chính trị.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó họ bị nhân viên DINA, cơ quan tình báo khét tiếng của Pinochet, theo dấu và ám sát trong Chiến dịch Kền kền khoang (Operation Condor) do các nhà độc tài tổ chức chống lại những chính trị gia đối lập lưu vong ở nước ngoài.

“Khoảnh khắc đen tối và cay đắng”

Sau khi được khám xong ở Bệnh viện San Juan de Dios, ông Jose Soto đang sửa soạn rời bệnh viện thì đột nhiên tân Tổng thống Chile Michelle Bachelet (nhậm chức hôm 11/3/2006) xuất hiện trước mặt ông và hỏi ông có bị thu viện phí không.

Ngạc nhiên và sung sướng, ông trả lời rằng không. “Ông thấy đấy, chúng tôi (chính phủ) đã giữ lời hứa” - nữ tổng thống mỉm cười.

Chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, nữ tổng thống đầu tiên của Chile đã yêu cầu hệ thống y tế quốc gia tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi (trên 60), 1,5 triệu USD trích từ ngân quĩ để dành cho chương trình xem ra vẫn chưa đủ với hơn 1,7 triệu dân Chile có độ tuổi trên 60.

Người ta hỏi tại sao bà Bachelet lại vội vàng tăng phúc lợi xã hội quá sớm như vậy, trong khi khả năng tài chính của chính phủ có giới hạn.

Lời giải thích có thể vì bà Bachelet là một bác sĩ - luôn quan tâm, chăm sóc người bệnh.

Tuy nhiên, có lẽ còn có những nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ chính cuộc đời đầy sóng gió của người phụ nữ 55 tuổi đầy nghị lực này.

Chuỗi ngày đau khổ của cuộc đời Michelle Bachelet bắt đầu kể từ khi cha cô bị bắt vì “tội phản quốc” và bị giam tại Học viện Không quân.

Trái tim cô sinh viên y khoa 22 tuổi Bachelet không khỏi nhói đau khi đọc những dòng thư của cha kể về những cực hình mà ông phải chịu đựng, và trái tim bà như vỡ ra khi hay tin cha mình qua đời vì đau tim vào ngày 12/3/1974 do không chịu nổi những đòn tra tấn. Cùng chung số phận với ông còn có Jamie Lopez - bạn trai của Michelle Bachelet.

Chưa hết đau đớn về cái chết của những người thân yêu thì một năm sau, Michelle Bachelet và mẹ bị cảnh sát chìm của chính quyền Pinochet bắt giữ. Họ bị đưa đến trại tập trung Villa Grimaldi ở Santiago và bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn.

Những tháng ngày tù đày khủng khiếp đó thật sự là cơn ác mộng đối với bà: bản thân chịu nhiều cực hình đau đớn, chứng kiến cảnh mẹ mình bị nhốt trong lồng sắt chật chội suốt sáu ngày liền...

Nỗi đau quá lớn về thể xác và tinh thần đeo bám và không ngừng ám ảnh bà đến tận ngày hôm nay, mỗi khi bà có dịp hoài niệm những bước đi trong cuộc đời, tim bà thắt lại. Không thể quên nhưng lòng khoan dung của một người phụ nữ đã thôi thúc bà tha thứ.

“Tôi là bác sĩ, tôi biết rằng vết thương sẽ mau lành nếu nó được giữ sạch. Một vết thương bị nhiễm trùng sẽ chẳng bao giờ liền da”. Sau này nhắc lại những tháng ngày này, Bachelet nói: “Tôi là một kho chứa toàn bộ lịch sử về những khoảnh khắc đen tối và cay đắng này”.

Người phụ nữ ấy hết theo đuổi sự nghiệp y tế đến lao vào học chiến lược quân sự với mục đích lớn lao “không thể làm dân chúng thất vọng”.

Khi đã chín muồi, người phụ nữ ấy đã đứng lên sẵn sàng làm cầu nối giữa “thế giới quân sự và thế giới thường dân” để Chile bước vào con đường dân chủ hoàn toàn.

Và ngày ngày từ dinh tổng thống trở về nhà, người phụ nữ ấy vừa làm cha, vừa làm mẹ của ba người con.

Theo Thanh Trúc – Hiếu Trung

Tuổi trẻ