1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến chống IS: Nga, Pháp đồng tâm, Mỹ có thay đổi?

Trong khi Nga dồn sức tấn công, Pháp để ngỏ khả năng có một cuộc chiến lâu dài với IS thì ông Obama vẫn kiên quyết không đưa thêm binh sĩ.

Nga dồn sức

Ngày 19/11, thông tin với truyền thông, Bộ quốc phòng Nga cho biết Moskva đã tiến hành 355 mục tiêu IS ở Syria trong vòng 48 giờ. Hàng loạt các mục tiêu của nhóm phần tử khủng bố đã bị tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược tầm xa và 12 tên lửa hành trình.

Trong số các mục tiêu bị tấn công, hãng thông tấn SANA nêu rõ có 26 trung tâm điều khiển, 35 kho chứa, 28 đồn lũy, 3 trại huấn luyện, 8 nhà máy sản xuất chất nổ và 86 kho chứa vũ khí hạng nặng của IS.

Cùng với đó các máy bay ném bom chiến lược Tu-22 đã phá hủy sáu mục tiêu khác gồm ba nhà máy lọc dầu cỡ lớn thuộc các cứ điểm IS tại hai tỉnh Raqa và Deir Ezzor.

Cuộc chiến chống IS: Nga, Pháp đồng tâm, Mỹ có thay đổi? - 1

Nga không kích tấn công 500 xe chở dầu của IS ngày 18/11. (Ảnh: ABNA)

Ngoài ra thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay Nga còn tấn công 138 mục tiêu khác trên toàn lãnh thổ Syria riêng trong ngày thứ năm 19/11.

Cùng ngày, Thượng tướng Andrei Kartapolov, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã xác nhận việc ba chỉ huy chiến trường thiệt mạng tại tỉnh Aleppo của Syria do các cuộc không kích của Nga.

Ông Kartapolov thông báo: "Các tay súng đã xác nhận do những cuộc không kích bằng tên lửa-bom của không quân Nga, các chỉ huy chiến trường Abu Nurlbagasi, Mohammed Khairat, Al-Okabe, hoạt động trong khu vực Aleppo đã thiệt mạng."

Ông Kartapolov cho biết thêm tổn thất lớn đã buộc các chỉ huy IS phải giấu xác các tay súng vào cống và sơ tán chiến binh chết và bị thương vào ban đêm.

Theo Tướng Kartapolov, các đợt không kích của không quân Nga mang lại hiệu quả là nhờ thông tin khách quan thu được từ máy bay, máy bay không người lái, vệ tinh và quân đội Syria.

Cùng với đó các máy bay ném bom chiến lược Tu-22 đã phá hủy sáu mục tiêu khác gồm ba nhà máy lọc dầu cỡ lớn thuộc các cứ điểm IS tại hai tỉnh Raqa và Deir Ezzor.

Ngoài ra thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay Nga còn tấn công 138 mục tiêu khác trên toàn lãnh thổ Syria riêng trong ngày thứ năm 19/11.

Các đợt không kích của Moskva tăng cường tại Syria kể từ sau khi Nga chính thức thừa nhận chiếc máy bay dân dụng của nước này đã bị khủng bố tấn công tại Sinai, Ai Cập.

"Chiến dịch tấn công trên không của chúng tôi ở Syria không những sẽ tiếp diễn mà còn được tăng cường, để qua đó những kẻ phạm tội nhận thức được rằng bị trả thù là điều không tránh khỏi". Tổng thống Putin khẳng định rõ lập trường.

Pháp để ngỏ khả năng đánh lâu dài

Cùng với việc Nga cương quyết, đẩy mạnh các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS, mới đây chính quyền tổng thống Francois Hollande cũng đã chuyển kế hoạch, xác định đánh lâu dài với lực lượng khủng bố này.

Truyền thông Pháp hôm 19/11 đưa tin, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp - được triển khai ở Địa Trung Hải để tham gia chiến dịch chống IS ở Syria, có thể sẽ ở ngoài khơi của nước này trong hơn 4 tháng.

Trang tin hàng hải Pháp Mer et Marine nhấn mạnh, tùy thuộc vào diễn biến tình hình, việc triển khai tàu sân bay trên dự kiến sẽ kéo dài khoảng 4 tháng hoặc lâu hơn nếu cần thiết, và có thể tiếp tục ở cả vùng Vịnh Persian.

Cuộc chiến chống IS: Nga, Pháp đồng tâm, Mỹ có thay đổi? - 2

Máy bay quân sự Pháp trên tàu sân bay Charles de Gaulle.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng lên tiếng xác nhận đồng thời tuyên bố tàu sân bay này dự kiến bắt đầu chiến dịch chống IS trước cuối tuần này.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 19/11, Tổng thống Hollande đã ra lệnh tăng cường các cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq và Syria.

Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp đưa ra sau cuộc họp giữa ông Hollande với các bộ trưởng cấp cao và lãnh đạo quân đội nêu rõ: "Tổng thống Francois Hollande đã đưa ra những chỉ thị cần thiết cho việc tăng cường chiến dịch quân sự đang được tiến hành nhằm vào Daesh (IS) tại Syria cũng như Iraq."

Cùng ngày, trong một dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp đã kêu gọi cơ quan này cho phép các quốc gia "thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết" để đấu tranh chống IS.

Ngoài ra, văn kiện này cũng hối thúc các nước thành viên Liên hợp quốc tăng cường và phối hợp nỗ lực để ngăn chặn các hành vi khủng bố do IS thực hiện.

Có thể thấy rằng từ sau khi nhóm khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom liên hoàn ở thủ đô Paris hôm 13/11, chính quyền Tổng thống Hollande đã có những động thái cứng rắn đáp trả.

Việc đưa tàu sân bay hiện đại tối tân bậc nhất Charles de Gaulle ra Địa Trung Hải cùng với việc đứng lên kêu gọi các nước hướng mũi tên chĩa vào nhóm khủng bố này cho thấy Paris đang có những tính toán rõ ràng, cụ thể. Những bước đi cẩn trọng nhưng cũng đầy táo bạo, quyết liệt của chính quyền Tổng thống Hollande sẽ là bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Mỹ có thay đổi chiến lược?

Trong lúc Nga, Pháp huy động mọi tổng lực nhằm gia tăng thêm áp lực trên chiến trường Syria, thì Washington vẫn kiên quyết không điều thêm binh sĩ.

Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/11, Tổng thống Barack Obama tái khẳng định "sẽ là sai lầm" khi đưa thêm binh sĩ Mỹ tham gia cuộc chiến chống IS. Ông Obama nhấn mạnh Mỹ sẽ tăng gấp đôi nỗ lực tấn công IS dù lực lượng khủng bố đe dọa trả thù Washington.

Cũng theo ông Obama, các cơ quan tình báo Mỹ đã chú tâm tới những thông tin về khả năng IS thực hiện các vụ tấn công nhằm vào phương Tây trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, Mỹ không nhận thấy bất cứ lời cảnh báo nào đáng ngờ để báo trước cho chính quyền Pháp nhằm ngăn chặn vụ tấn công ở Paris.

Cuộc chiến chống IS: Nga, Pháp đồng tâm, Mỹ có thay đổi? - 3

Washington lại đang có những toan tính thay đổi chiến lược trong việc đối phó với phiến quân IS. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, không đồng quan điểm với ông Obama, những ứng cử viên Đảng Cộng hòa tiếp tục lên tiếng chỉ trích chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS do liên minh quân sự mà Mỹ dẫn đầu, đã không đạt được hiệu quả chiến đấu như mong đợi.

Họ kêu gọi chính phủ điều động thêm bộ binh tới khu vực Trung Đông, đồng thời thiết lập vùng cấm bay ở Syria cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đồng minh sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 19/11 cũng cho rằng cần tăng cường cuộc chiến chống IS trên các mặt trận quân sự, ngoại giao và tư tưởng.

“Đây là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới, tăng cường và mở rộng nỗ lực của chúng ta để tiêu diệt IS. Đây là cuộc chiến trên toàn thế giới và do Mỹ dẫn đầu”, cựu Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.

Theo bà Clinton, số binh sĩ đặc nhiệm Mỹ mà Tổng thống Obama điều đến Syria hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria “ôn hòa” là chưa đủ.

“Chúng ta cần triển khai nhiều hơn. Cần phải trao quyền tự do lớn hơn và linh hoạt hơn cho các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ, bao gồm hỗ trợ các đơn vị địa phương và hỗ trợ không kích các mục tiêu”, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ nói.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi tăng cường các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS “với nhiều chiến đấu cơ của đồng minh hơn, tần suất tấn công nhiều hơn và mục tiêu mở rộng hơn”.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt

Cuộc chiến chống IS: Nga, Pháp đồng tâm, Mỹ có thay đổi? - 4