1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cử tri Hy Lạp “tẩy chay” các đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử

(Dân trí) - Hy Lạp đang đối mặt với một nỗ lực nhằm thành lập chính phủ mới sau khi cử tri “tẩy chay” các đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hôm qua và ủng hộ các đảng nhỏ vốn phản đối các gói cứu trợ tài chính của EU và IMF.

 
Cử tri Hy Lạp “tẩy chay” các đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử

Đảng Syriza ăn mừng sau khi về nhì trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

2 đảng chính, Dân chủ Mới (ND) và Pasok, chỉ giành chưa đầy 1/3 phiếu bầu, trong một cuộc bầu cử đã đẩy Hy Lạp vào tương lai bất ổn về chính trị.

Với 99% số phiếu được kiểm, đảng ND trung hữu đang dẫn đầu với 18,9% phiếu bầu, giảm so với mức 33,5% trong năm 2009. Liên minh cánh tả cực đoan, Syriza, về thứ 2.

Lãnh đạo ND Antonis Samaras dự kiến sẽ gặp Tổng thống Karolos Papoulias, người sẽ đề nghị ông thành lập một chính phủ. Ông Samaras sẽ cố gắng thành lập một chính phủ đoàn kết để giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro, mặc dù ông cam kết “sửa đổi” các điều khoản của thoả thuận giải cứu tài chính để thúc đẩy tăng trưởng.

ND và Pasok đã thay nhau lãnh đạo Hy Lạp kể từ những năm 1970. Kể từ tháng 11 năm ngoái, hai đảng này đã tham gia một liên minh đứng đầu là Thủ tướng Lucas Papademos.
 
Cử tri Hy Lạp “tẩy chay” các đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử
Kết quả bầu cử tại Hy Lạp.

Pasok chỉ về thứ 3 với 13,2%, giảm từ mức 43,9% trong cuộc bầu cử năm 2009 và đứng sau Syriza, vốn giành 16,8% số phiếu và phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ.

Đảng Bình minh Vàng giành gần 7% số phiếu và dự kiến sẽ giành ít nhất 20 ghế trong quốc hội.

Tâm lý giận dữ đã lan rộng trên khắp Hy Lạp trước các biện pháp khắc khổ mà chính phủ áp dụng để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính quốc tế.

Đảng ND giờ đây sẽ có 3 ngày để tiến hành các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh. Nếu thất bại, đảng về thứ 2 có thể thành lập liên minh, và nếu vẫn không thành công sẽ đến lượt đảng thứ 3.

Nếu không liên minh nào được thành lập, Hy Lạp sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khác - một viễn cảnh có thể khiến các chủ nợ quốc tế của nước này hốt hoảng.

An Bình
Theo BBC