1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Cơn khát” hàng hiệu của giới nhà giàu Trung Quốc

(Dân trí) - Câu lạc bộ triệu phú Trung Quốc đang “sinh sôi nảy nở” ngày một đông đúc và trong số những thành viên mới, nhiều người là phái đẹp, những người không đắn đo lấy một giây khi phải chi tới 10.000 USD cho một chiếc váy của một nhà thiết kế lừng danh thế giới.

“Trong thị trường toàn cầu, người Trung Quốc là những người mới đến”, Sebastian Suhl, tổng giám đốc hãng thời trang Prada ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết. Hãng này đã có tất cả 9 cửa hàng ở Trung Quốc. “Họ khát khao được học hỏi về thời trang. Thời trang chứng tỏ đẳng cấp, và sự xa hoa như là chiếc cầu nối họ đến với thế giới hiện đại”.

 

Trong năm năm qua, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Kết quả, tính đến cuối năm 2006 đất nước đông dân nhất hành tinh này tự hào có 345.000 triệu phú đô la. Trong số đó 1/3 là phụ nữ.

 

Ngoài ra, khoảng 5.000 người sống ở Trung Quốc đại lục có tài sản hơn 30 triệu USD, chiếm 1/3 số người siêu giàu ở châu Á- Thái Bình Dương.

 

Thậm chí những phụ nữ giàu ở Trung Quốc, mặc dù không có hàng triệu đô trong nhà băng, cũng sẵn sàng mở hầu bao cho các nhà thiết kết thời trang. Zhang Ning, 30 tuổi, một giám đốc ăn mặc sành điệu, dù chưa bao giờ đặt chân tới Pháp, nhưng lại thích mặc đồ của Hermes. Đó đã là phong cách của cô. “Tôi thích sự đơn giản của hãng thời trang này, nhưng nó lại làm cho tôi cảm thấy thanh lịch”,  Zhang nói. Hiện Zhang đang là giám đốc của một công ty điện ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. “Đối với tôi, tất cả mọi thứ của Pháp, thời trang và rượu, đều thanh tao”.

 

Trong khi những hãng thời trang với thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton đã kiếm bộn từ nhu cầu trưng diện để “khoe giàu” của lớp nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc, thì những hàng thời trang cao cấp như Hermes lại bắt đầu “len lỏi” vào thị hiếu của tầng lớp siêu giàu. “Thị trường Trung Quốc đại lục vẫn có thiên hướng khoe mẽ, nhưng chúng tôi tin rằng điều này sẽ thay đổi”, Alex Bolen, giám đốc hãng thời trang Oscar de la Renta ở New York cho biết. Hãng này có những chiếc váy dự tiệc giá bán lẻ lên tới 10.000 USD. Thậm chí, những chiếc váy dạ hội còn đắt gấp đôi.

 

Nơi đây “là thị trường lý tưởng để bán váy dạ hội. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên, thật đáng mừng, là ngày càng nhiều khách hàng chọn mua trang phục hàng ngày của chúng tôi”.

 

Dẫn đầu là siêu thị Lane Crawford ở Hồng Kông, siêu thị đã mang các nhà thiết kế nổi tiếng ở phương Tây đến với Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái Lane Crawford đã mở cửa hàng đầu tiên ở Bắc Kinh, cũng giới thiệu nhiều gương mặt nhà thiết kế Anh như McQueen và Stella McCartney đồng thời cũng báo trước sự xuất hiện của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng nữa như Dries Van Noten, Hussein Chalayan và Rick Owens.

 

Khách hàng của Lane Crawford giờ có thể ngồi ở hàng ghế danh dự phía trước trong những show thời trang ở Paris hay Milan, cùng với khách hàng của những hãng bán lẻ đầu bảng Mỹ Saks và Nieman Marcus.

 

Trong khi đó, những hãng thời trang Trung Quốc, đứng đầu là Vogue China cũng đã trở thành gương mặt nổi trong thị trường thời trang châu Âu.

 

Sức mua của tầng lớp những người giàu ngày một tăng đang tạo ra một thị trường thời trang đa dạng. Angelica Cheung, tổng biên tập tạp chí Vogue China, tạp chí ra mắt vào năm 2005 với 320.000 bạn đọc, cho biết: “Một phụ nữ trẻ hiện kiếm được hơn 700 USD một tháng có thể trở thành bà chủ sau một năm. Vì vậy đây là một thì trường đầy tham vọng. Món đồ đắt tiền đầu tiên của cô ấy có thể là một chiếc túi Louis Vuitton, nhưng vài năm sau, cô ấy có thể chuyển sang những nhãn hiệu nổi tiếng hơn, như Marni.”

 

Theo khảo sát của MasterCard, Chanel là nhãn hiệu thời trang cao cấp được yêu thích nhất trong giới nhà giàu Trung Quốc, sau đó là Giorgio Armani.

 

Hãng thời trang New York Oscar de la Renta cho biết Trung Quốc là trung tâm trong chiến lược châu Á của họ. Họ hi vọng sẽ bán ở Trung Quốc được 20% doanh số trên toàn châu Á trong vòng 5 năm tới, tăng 5% so với hiện nay.

 

Những nhãn hiệu sang trọng có thể dễ dàng bán được nước hoa và đồ mỹ phẩm ở các siêu thị khắp Trung Quốc. Nhưng với thời trang may sẵn, họ phải cạnh tranh cả về không gian lẫn khách hàng trong không nhiều các trung tâm thương mại xa hoa như Plaza 66 ở Thượng Hải và Lane Crawford ở Bắc Kinh. Ở những nơi này, giá thuê cửa hàng quả là “cắt cổ”.

 

“Họ sẽ phải rút hầu bao nhiều cho việc thuê cửa hàng, nhưng họ vẫn xem Trung Quốc là một thị trường đáng đầu tư”, Marcel Braun, phó tổng giám đốc công ty DKSH của Thụy Sỹ có trụ sở ở Hồng Kông cho biết. Công ty này chuyên tư vấn cho các công ty lớn về việc mở rộng thị trường.

 

“15 năm trước các hãng đến và đi. Nhưng giờ đã khác bởi Trung Quốc quá quan trọng”, Marcel Braun nói.

 

Phan Anh

Theo Reuters