1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơ hội mới cho việc quyết định tương lai của Anh tại EU

Trước việc Anh “dọa” sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu EU không đáp ứng các yêu cầu cải cách của nước này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng Anh và EU đạt được một thỏa thuận về vấn đề này.

Nhưng dù sao, những đề xuất mà Anh mới đưa ra cũng mở ra cơ hội cho việc quyết định tương lai của Anh tại EU, bởi những đề xuất này là cơ sở để đôi bên có thể trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán.

Cơ hội mới cho việc quyết định tương lai của Anh tại EU - 1

Thủ tướng Cameron (giữa) trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu. (Ảnh: AFP)

Ngày 10-11 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron (David Cameron) đã gửi tới Chủ tịch EC Donald Tusk bản kiến nghị 4 điểm, trong đó nêu rõ những đề xuất của London về việc cải cách EU. Bản kiến nghị này bao gồm các vấn đề:

Bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên EU khác nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone); tăng tính cạnh tranh trên toàn EU, trong đó có biện pháp cắt giảm chi phí kinh doanh; tăng cường vai trò của quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện châu Âu (EP); hạn chế tiếp cận thanh toán phúc lợi xã hội cho lao động nhập cư.

Tuy nhiên, sau khi nhận được bản kiến nghị cải cách từ London, Chủ tịch EC Donald Tusk ngày 12-11 đánh giá khả năng đạt được thỏa thuận với Anh về kế hoạch cải cách EU là "rất, rất khó khăn". BBC cho hay, phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU và châu Phi diễn ra tại Malta, ông Donald Tusk cho rằng yêu cầu của Anh đối với kế hoạch cải cách khối này là "rất cứng rắn" và "không có sự bảo đảm nào" về việc đạt được một thỏa thuận giữa Anh và EU. "Tôi phải nói rằng rất khó để có thể đạt được một thỏa thuận", Chủ tịch EC nói.

Việc Anh ra đi hay ở lại EU hiện là vấn đề gây tranh cãi không chỉ trong nội bộ xứ sở sương mù mà còn đối với toàn châu Âu. Theo nhận định của giới quan sát, dường như Thủ tướng Cameron đang đi theo hướng vận động ủng hộ nước Anh ở lại trong một EU đã cải cách. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Anh sẽ ra đi nếu tiến trình đàm phán sắp tới không mang lại kết quả mà London mong muốn.

Ngày 9-11 vừa qua, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố rằng EU cần phải cải cách nếu muốn Anh ở lại. “Nếu các đối tác của Anh trong EU phớt lờ yêu cầu cải cách, Anh sẽ ra đi với vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Rời khỏi EU, chúng tôi sẽ gặp phải những thách thức, chúng tôi phải xem xét lại đường lối hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc này không phải là không thể. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những cải cách trong EU vì tương lai và lợi ích cho tất cả người dân châu Âu”,Reutres dẫn lời khẳng định của ông Philip Hammond.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte mới đây cảnh báo rằng, nếu rời khỏi EU, Anh sẽ biến thành "một nền kinh tế tầm trung lửng lơ giữa Đại Tây Dương, chẳng ở châu Mỹ hay châu Âu" và việc này sẽ "giết chết Trung tâm tài chính London".

Về phần mình, Thủ tướng Anh Cameron tỏ ra tin tưởng rằng sẽ đạt được 4 mục tiêu trong các cuộc đàm phán với EU về vấn đề cải cách liên minh này. Theo ông Cameron, nếu kế hoạch cải cách mà London đưa ra được thực hiện, các thế hệ tương lai của nước Anh và châu Âu sẽ an toàn hơn và thịnh vượng hơn.

Dự kiến, Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trước cuối năm 2017 để cử tri xứ sở sương mù quyết định việc nước này nên tiếp tục ở lại hay rời khỏi EU. Trong khi đó, tiến trình đàm phán về các điều kiện và mục tiêu cải cách EU mà chính phủ Anh vừa công bố sẽ được triển khai từ tuần tới. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong tháng 12 tới, EC có thể triệu tập một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào đầu năm 2016 để tiếp tục bàn về vấn đề này. 

Theo Anh Vũ

Quân đội nhân dân

Cơ hội mới cho việc quyết định tương lai của Anh tại EU - 2