1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính trường Mỹ "dậy sóng" vì tranh cãi viện trợ cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Bất đồng nội bộ về viện trợ cho Ukraine ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của Mỹ, nhất là khi nỗ lực tăng viện trợ cho Kiev của chính quyền ông Biden trở nên bế tắc khi vấp rào cản lớn từ phe Cộng hòa.

Chính trường Mỹ dậy sóng vì tranh cãi viện trợ cho Ukraine - 1

Một lô hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đến sân bay Boryspil ở ngoại ô Kiev (Ảnh: Aljazeera).

Những tranh cãi mới nhất giữa Tổng thống Joe Biden và các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine đang làm dấy lên những lo ngại mới về cam kết của Washington dành cho Kiev, nhất là khi cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đang đến gần.

Hôm 6/12, Tổng thống Biden cáo buộc đảng Cộng hòa "thi gan với an ninh quốc gia của chúng ta" khi ông có bài phát biểu tại Quốc hội và một lần nữa kêu gọi phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 106 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine và Israel.

Đó là một thông điệp nhằm nâng cao tính cấp bách xung quanh vấn đề hỗ trợ của Mỹ, vốn có thể cạn kiệt trong những tháng tới và khiến Ukraine không có vũ khí quan trọng để chiến đấu với lực lượng Nga.

"Đảng Cộng hòa tại Quốc hội sẵn sàng trao cho Nga món quà lớn nhất mà các bạn có thể hy vọng và từ đó từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của chúng ta, không chỉ ở Ukraine mà còn hơn thế nữa", ông Biden nói.

Bài phát biểu của Tổng thống Biden cho thấy một canh bạc lớn của chính ông. Bằng cách nhấn mạnh tính cấp bách của việc Quốc hội cần thông qua gói viện trợ quân sự trên, Tổng thống Biden cũng đang nỗ lực thu hút về những trở ngại mới này - mà chỉ mới vài tháng trước không ai có thể tưởng tượng được sẽ xảy ra.

Vài giờ sau lời kêu gọi trên truyền hình của Tổng thống Biden, Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thất bại trong ván cờ của chính mình khi đảng Cộng hòa chặn gói viện trợ khẩn cấp 66 tỷ USD cho Ukraine.

Cuộc đấu đá nội bộ của Mỹ có thể làm dấy lên lo ngại cho các nước châu Âu và châu Á vốn đang tìm kiếm sự lãnh đạo và hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Giới quan sát cho rằng, việc gắn các yêu cầu chính trị trong nước với một ưu tiên chính sách đối ngoại cấp bách đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại về Washington.

"Đối với bất kỳ ai dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ, họ sẽ có cảm giác sốc. Họ sẽ nghĩ mình không thể dựa vào Mỹ vì họ không nghiêm túc", chuyên gia Max Bergmann tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định.

Ông cho biết, xung đột chính trị "có khả năng cản trở sự hỗ trợ về chính sách đối ngoại của Mỹ dành cho Ukraine cũng như độ tin cậy chung của Washington đối với các đồng minh và đối tác trên toàn thế giới".

Bài phát biểu của Tổng thống Biden được đưa ra chỉ một ngày sau khi người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy đột ngột hủy bỏ kế hoạch phát biểu trực tuyến tại Thượng viện Mỹ, động thái được cho là nhằm tránh đặt mình vào một cuộc tranh cãi chính trị trong nước Mỹ.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khi chiến tranh kéo dài, tỷ lệ cử tri cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine ngày càng tăng lên. Những lo ngại cho Ukraine ngày càng nhiều hơn khi ứng viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump cảnh báo sẽ rút hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, NATO và ca ngợi chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Mỹ và phương Tây thất bại trong việc cô lập Nga

Trong một dấu hiệu cho thấy phương Tây tiếp tục thất bại trong việc cô lập hoàn toàn nhà lãnh đạo Nga bằng các biện pháp trừng phạt và cáo buộc tội ác chiến tranh, ông Putin đã thực hiện chuyến công du nước ngoài hiếm hoi đến Trung Đông, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào hôm 6/12.

Trong khi Ukraine có thể cạn kiệt số vũ khí cần thiết để duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, thì tác động tức thời của việc này cũng sẽ chỉ ở "mức khiêm tốn" trên thực địa, bởi vì cả Nga và Ukraine đều không thể tiến hành một cuộc tấn công lớn trong thời gian tới, theo Michael O'Hanlon, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings.

Mặc dù vậy, sự chậm trễ đáng kể này sẽ cản trở Ukraine chuẩn bị cho bất kỳ cuộc tấn công nào vào mùa xuân hoặc mùa hè, ông nói thêm.

Một số quan chức châu Âu rõ ràng đang lo lắng về cam kết của Mỹ và nỗ lực kêu gọi các nghị sĩ Washington giữ vững lập trường và không bỏ rơi Ukraine trong một cuộc chiến mà nước này khó có thể tự mình giành chiến thắng.

"Tôi không muốn chứng kiến một Afghanistan thứ hai", cựu Phó Thủ tướng Ba Lan Jadwiga Emilewicz, người hiện đang làm liên lạc viên giữa Warsaw và Kiev nói với Bloomberg. 

Một số người lạc quan về sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ cho cuộc chiến đã định hình lại châu Âu, kể cả ở các quốc gia vùng Baltic vốn lo sợ nhất về sự xâm lược của Nga.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Latvia Rihards Kols, người đã gặp các quan chức chính quyền và thành viên Quốc hội tại Washington trong tuần này, cho biết ông tin rằng Ukraine cuối cùng sẽ nhận được nhiều viện trợ hơn. Ông ca ngợi cuộc phản công của Ukraine, nói rằng đó là một "phép màu với nguồn tài nguyên của Ukraine", nhưng đưa ra cảnh báo với Mỹ rằng Putin đang chống lại áp lực của phương Tây và đang dấn thân vào một cuộc chiến lâu dài.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: "Nga đang cải thiện khả năng quân sự của mình bất chấp các lệnh trừng phạt". "Họ đã thông qua ngân sách chiến tranh một cách hiệu quả, báo hiệu rằng họ sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài ở Ukraine".

Ngay cả khi một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ ra rằng những nhận xét mới nhất của Biden đã đưa ra một lối thoát, đưa ra đề nghị thỏa hiệp đối với một số yêu cầu, những người khác vẫn "không phục".

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đảng viên Cộng hòa tại Nam Carolina, cho biết" "Nếu bạn muốn đạt được một thỏa thuận giúp đỡ Ukraine, bạn phải giúp đỡ nước Mỹ". "Chúng tôi sẽ không có thỏa thuận giúp đỡ quốc gia khác cho đến khi chúng tôi bảo đảm được biên giới của mình".

Theo New York Times