1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến thắng của Obama thắp lửa hân hoan khắp thế giới

(Dân trí) - Obama được bầu làm tổng thống đã khơi dậy lại tình cảm của người dân khắp thế giới đối với nước Mỹ, vốn bị lụi tàn trong suốt nhiều năm qua. Và nhiều người cho rằng cử tri Mỹ ngày 4/11 đã rọi sáng đường cho những nhóm người thiểu số trên khắp thế giới.

Người dân khắp châu Phi đã thức suốt đêm hoặc dậy từ rất sớm để theo dõi sự kiện lịch sử của nước Mỹ, trong khi Tổng thống Kenya, nơi sinh của cha ông Obama, tuyên bố cả nước có một ngày nghỉ lễ.

 

Còn tại Indonesia, nơi Obama sống hồi còn nhỏ, hàng trăm học sinh ở ngôi trường tiểu học trước kia ông đã theo học, đã vỡ òa trong niềm vui khi Obama được tuyên bố thắng cử. Các em đã đổ ra sân trường, ôm hôn chúc mừng, nhảy múa trong mưa, và hô vang “Obama! Obama!”.

 

“Chiến thắng của ông đã chứng tỏ không ai, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, không dám mơ được làm thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, Tổng thống đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela đã viết như vậy trong lá thư chúc mừng gửi Obama.

 

Chiến thắng của Obama thắp lửa hân hoan khắp thế giới - 1

Các cậu bé học sinh ở ngôi trường cũ Obama theo học từ thời nhỏ tại Indonesia ăn mừng chiến thắng của ông.

 

Nhiều người bày tỏ niềm vui sướng và mãn nguyện khi thấy nước Mỹ có thể vượt qua rào cản suốt nhiều thế kỷ phân biệt chủng tộc để chọn một người Mỹ gốc Phi làm tổng thống.

 

“Đây là sự kiện gấp 10 lần sự kiện sụp đổ Bức tường Berlin”, Rama Yade, Bộ trưởng nhân quyền của Pháp, cho biết trên đài phát thanh Pháp. “Nước Mỹ đang tái sinh thành một thế giới mới”.

 

Tại Anh, tờ The Sun đã mượn chuyến chinh phục mặt trăng năm 1969 của Neil Armstrong để nhận xét về chiến thắng của Obama, như “một bước tiến khổng lồ của nhân loại”.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những lo lắng, đó là Obama đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, vấn đề hạt nhân của Iran, lộ trình hòa bình ở Trung Đông và đặc biệt là kinh tế toàn cầu đang trong thời điểm khủng hoảng.

 

Chiến thắng của Obama thắp lửa hân hoan khắp thế giới - 2

Báo chí châu Âu đồng loạt đưa tin và chúc mừng Obama thắng cử.

 

Trọng trách lớn đặt lên vai Obama cũng là mối quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. Cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin cho rằng thách thức lớn nhất của Obama là phải giải quyết một chương trình nghị sự thất bại gồm hàng loạt khủng hoảng ở Mỹ cũng như thế giới. “Ông ấy sẽ phải chiến đấu trên mọi mặt trận”.

 

Còn Tổng thống Nga Medvedev cho biết ông hi vọng chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ có biện pháp cải thiện mối quan hệ đang bị đổ vỡ giữa Nga và Mỹ. Căng thẳng đã bị đẩy lên cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh với cuộc chiến ngắn giữa Nga và đồng minh Gruzia của Mỹ.

 

Châu Âu, nơi Obama được “ân sủng”, trông đợi vào một chính quyền Obama có thể sốc lại mối quan hệ nồng ấm giữa hai bên sau khi chính quyền Bush đã để lại một vết nứt lớn ở lục địa này vì cuộc chiến Iraq.

 

“Tại thời điểm chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, sự lựa chọn của các bạn đã làm dấy lên nhiều hi vọng tại Pháp, tại châu Âu và trên toàn thế giới”, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết trong lá thư chúc mừng gửi Obama.

 

Chiến thắng của Obama thắp lửa hân hoan khắp thế giới - 3

Niềm vui của bà nội Obama tại Kenya, nơi Tổng thống quyết định cho người dân nghỉ một ngày lễ.

 

Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski cũng đã nói về “một nước Mỹ với niềm tin mới”.

 

Tuy nhiên, vẫn còn hoài nghi trong thế giới Hồi giáo. Họ vẫn còn chưa quên những gì chính quyền Bush đã làm ở Trung Đông, mà cụ thể là ở nhà tù tại Vịnh Guantanamo, Cuba, ở Abu Ghraib, Iraq.

 

Một số người Iraq, những người đã phải chịu nhiều mất mát suốt 5 năm trong cuộc chiến mà Mỹ và đồng minh phát động, cho biết họ sẽ chỉ tin vào những thay đổi tích cực một khi tận mắt thấy chúng.

 

“Chiến thắng của Obama sẽ không có ý nghĩa gì đối với vấn đề của Iraq hay của người Palestine, khi những lời hứa của Obama trong chiến dịch tranh cử của mình vẫn chỉ là lời hứa”, một người dân Bangdad cho biết.

 

Tại Pakistan, đất nước quan trọng đối với Mỹ trong cuộc chiến chống lại mạng lưới khủng bố al-Qaeda và là láng giềng của Afghanistan, nhiều người đã hi vọng Obama sẽ mang lại chút yên bình sau hàng loạt vụ tấn công bạo lực của chiến binh mà nhiều người đổi lỗi cho Bush.

 

Tuy vậy, Mohammed Arshad, một giáo viên 28 tuổi ở thủ đô Islamabad vẫn nghi ngờ vào khả năng của Obama nhằm thay đổi căn bản đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

 

“Sự thật là Bush đã làm xấu đi cái tên nước Mỹ. Ông ta đã trở thành biểu tượng của sự ghét bỏ. Nhưng tôi không nghĩ thay đổi gương mặt sẽ đem lại ngay thay đổi lớn”, anh cho biết.

 

Chiến thắng của Obama cũng được chào đón ở khắp châu Mỹ Latinh, khu vực đột ngột chuyển sang cánh tả trong suốt những năm Bush tại vị. Từ Mexico đến Chile, các lãnh đạo đều bày tỏ hi vọng về một mối quan hệ nồng ấm, dựa trên cơ sở tôn trọng mà bấy lâu thiếu vắng với Mỹ.

 

Venezuela và Bolivia, hai nước đã trục xuất đại sứ Mỹ vì cáo buộc chính quyền Bush can thiệp vào nội bộ chính trị nước này, cho biết sẵn sàng thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tổng thống Brazil nằm trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới kêu goi Obama linh động hơn nữa đối với Cuba.

 

Chiến thắng của Obama thắp lửa hân hoan khắp thế giới - 4

Một bức tượng bằng cát chúc mừng chiến thắng của Obama trên một bãi biển ở Ấn Độ.

 

Trên đường phố ở Rio de Janeiro, nhiều người đã bày tỏ vui mừng, hoài nghi, xem lẫn hi vọng về tương lai. “Đã bắt đầu một kỷ nguyên khác hẳn. Mỹ là một đất nước nhiều người mơ về, và đối với những người Brazil da đen chúng tôi, giấc mơ đó giờ sẽ dễ dàng hơn”.

 

Nhiều người trên thế giới nhận thấy nguồn gốc quốc tế của Obama, có cha là người Keyna, và sống ở Indonesia thời thơ ấu, hấp dẫn và đầy thuyết phục. “Thật tuyệt, ông ấy là một tổng thống Mỹ toàn cầu thực sự đầu tiên”, Pracha Kanjananont, một người Thái Lan tại Bangkok cho biết. “Ông ấy có tuổi thơ là người châu Á, tổ tiên là ngươi châu Phi, nhưng lại có tên là người Trung Đông. Ông ấy thực sự là một tổng thống toàn cầu”.

 

Phan Anh

Theo AP