1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến sự Ukraine 11/1: Nga tiến vào Georgievka, mặt trận Marinka nóng lên

N. Tuấn Sơn

(Dân trí) - Quân Nga tiếp tục tấn công khu vực Georgievka ở phía tây Marinka, các đơn vị tiền tiêu đã đánh bật lực lượng Ukraine để tiến sâu hơn vào các khu dân cư và mở rộng vùng kiểm soát trong làng.

Chiến sự Ukraine 11/1: Nga tiến vào Georgievka, mặt trận Marinka nóng lên - 1

Quân đội Ukraine nã pháo phản lực về phía mục tiêu Nga ở Donetsk (Ảnh minh họa: Skynews).

Nga tiến vào Georgievka, mặt trận Marinka rực lửa

Kênh Rybar đưa tin, theo hướng Donetsk, tại phía tây Marinka, các đơn vị Nga tiếp tục hoạt động tấn công ở khu vực Georgievka, nơi mà theo một số báo cáo, các đơn vị tiền tiêu đã tiến sâu hơn vào các khu dân cư, mở rộng vùng kiểm soát trong làng. Lực lượng Ukraine đang ra sức kháng cự, giao tranh ác liệt.

Ngoài ra, pháo binh Nga đang tập kích hỏa lực dữ dội vào các vị trí đối phương ở vùng Kurakhovo, nơi có một trung tâm hậu cần lớn của Ukraine và cũng là đích ngắm tiếp theo của lực lượng Moscow khi phát triển tấn công về phía tây Marinka.

Chiến sự Ukraine 11/1: Nga tiến vào Georgievka, mặt trận Marinka nóng lên - 2

Bản đồ chiến sự Ukraine tại Marinka tính đến ngày 10/1. Trong đó Nga kiểm soát phần màu nâu và các mũi tên màu đỏ thể hiện hướng tấn công của họ, những mũi tên màu xanh là hướng phản công của Ukraine (Ảnh: Rybar).

Giao tranh ác liệt trên khắp chiến tuyến

Theo kênh Rybar, các trận chiến giành vị trí đang diễn ra theo hướng Kupyansk, không có thay đổi đáng kể nào xảy ra ở tiền tuyến. Các bên tích cực đấu pháo, chỉ thỉnh thoảng tấn công và phản công theo nhóm nhỏ mà không đạt được nhiều thành công.

Tại khu vực Kupyansk, một nhóm trinh sát và phá hoại của Ukraine đã bị Nga phát hiện và ngăn chặn bằng pháo binh. Ngoài ra, lực lượng Moscow đã thực hiện một số cuộc không kích nhằm vào khu tập trung quân của đối phương ở tuyến sau.

Theo hướng Liman, các trận chiến vị trí đang diễn ra ở khu vực mỏm Torskoe và phía tây Chervonaya Dibrova. Theo một số báo cáo, các đội hình của Ukraine đã cố gắng thực hiện một loạt các cuộc phản công cục bộ nhằm chiếm lại các vị trí đã mất trước đó. nhưng họ đã không thành công.

Không có thay đổi đáng kể nào theo hướng Bakhmut. Quân đội Nga tiếp tục nỗ lực cải thiện các vị trí chiến thuật theo hướng Andriivka và Kleshchiivka. Ngoài ra, Nga tiếp tục dọn sạch các cao điểm tiếp giáp với Bogdanovka, nơi cuối cùng họ đã phá vỡ được sự kháng cự của các đội hình Ukraine tại nghĩa trang địa phương và đẩy lùi đối phương về phía Chasov Yar.

Theo hướng Avdiivka, giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra trong khu vực nhà máy than và hóa chất, cũng như trên các đường tiếp cận Novokalinovo.

Theo hướng Ugledar, các trận chiến giành Novomikhailovka vẫn tiếp tục. Sau khi không thể chiếm được khu vực đông dân cư, các đơn vị Nga đã chuyển hướng sang tấn công sườn phía nam của khu vực đông dân cư và tiến sâu vào tuyến phòng thủ của đối phương trong một khu vực rộng tới 4km và độ sâu lên tới 700m ở Solenenkaya.

Điều này cho phép Nga mở rộng bàn đạp cho các hành động tấn công trong tương lai. Tuy nhiên, ngay tại khu vực đông dân cư, tình hình vẫn còn khó khăn, họ chưa thể đánh bật đối phương khỏi các khu vực kiên cố hùng mạnh ở phía đông và phía nam do Ukraine tích cực sử dụng UAV FPV và pháo binh.

Chiến sự Ukraine 11/1: Nga tiến vào Georgievka, mặt trận Marinka nóng lên - 3

Bản đồ chiến sự Ukraine tại Ugledar tính đến ngày 10/1. Trong đó, Nga kiểm soát phần màu nâu, các mũi tên thể hiện hướng tấn công của họ và khu vực màu nâu đậm trong ảnh nhỏ là nơi lực lượng Moscow vừa giành được tại rãnh Solenenkaya. Những mũi tên màu xanh là hướng phản kích của Ukraine (Ảnh: Rybar).

Theo hướng Zaporizhia, các đơn vị Nga đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công của đối phương trên các đường tiếp cận Verbovoe. Có tin Ukraine lại sử dụng chiến thuật tiến công theo nhóm nhỏ, sau đó bị chặn đứng.

Đồng thời, các cuộc không kích của Nga tiếp tục "làm kiệt sức" đối phương ở phía tây Rabotino, ngăn cản nỗ lực tấn công của Ukraine. Ngoài ra, lực lượng Moscow còn tích cực tiến hành phản pháo để chế áp hỏa lực của đối phương.

Theo hướng Kherson, các đơn vị thuộc nhóm Dnieper của Nga tiếp tục tấn công vào các mục tiêu đã xác định ở hữu ngạn sông Dnieper. Đồng thời, Ukraine tiếp tục giữ đầu cầu ở Krynki và pháo kích các khu định cư ở tả ngạn vùng Kherson.

2 vụ hỏa hoạn quy mô lớn ở Moscow

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, ở khu vực Moscow đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại cơ sở sản xuất các sản phẩm polymer có diện tích 8.000m2

Báo cáo có đoạn: "Tại làng Obukhovo, nhà xưởng sản xuất các sản phẩm polymer có diện tích 8.000m2 đang bốc cháy".

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã công bố một số video về công tác cứu hỏa và thông báo vào lúc 2h00 (tức 6h00 Việt Nam), đám cháy đã được khoanh vùng.

Sau đó, Bộ này tiếp tục thông báo rằng có một đám cháy lớn khác đã bùng phát tại tòa nhà hành chính và công nghiệp một tầng ở thành phố Moscow. Ngọn lửa bao trùm diện tích 2.000m2 và đã được lực lượng cứu hỏa dập tắt.

Nhà chức trách cho biết không có thương vong trong cả hai vụ cháy tuy nhiên không tiết lộ nguyên nhân.

Cháy lớn ở xưởng sản xuất tấm polymer ở Moscow

Moscow không từ bỏ nỗ lực đánh bật lực lượng Kiev khỏi Dnieper

Ukrainska Pravda đưa tin, báo cáo tối 10/1 của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, quân đội Nga không từ bỏ ý định đánh bật các đơn vị Ukraine khỏi đầu cầu ở tả ngạn sông Dnieper khi trong suốt 24 giờ qua, họ đã thực hiện 10 cuộc tấn công bất thành.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine thừa nhận, tình hình hoạt động chung ở miền đông và miền nam vẫn còn khó khăn. Trong ngày, 42 cuộc đụng độ đã diễn ra. Tổng cộng, đối phương đã phóng 2 tên lửa và tiến hành 29 cuộc không kích, thực hiện 19 cuộc tấn công bằng pháo phản lực phóng loạt.

Theo Bộ Tổng tham mưu, lực lượng Ukraine đã đẩy lùi hầu hết các đợt tấn công của Nga ở Kupyansk, Liman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Zaporizhia.

Lực lượng Kiev vẫn giữ vững đầu cầu ở Kherson và gây ra nhiều tổn thất cho đối phương.

Ukraine tìm cách tăng cường năng lực phòng không

Kyiv Independent đưa tin, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Litva Gitanas Nauseda ở Vilnius vào ngày 10/1, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine hiện thiếu khả năng sản xuất hệ thống phòng không hiện đại của riêng mình, loại vũ khí mà nước này rất cần để bảo vệ vùng trời trước các cuộc tấn công của Nga, 

Ông Zelensky đến Vilnius vào ngày 10/1, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi tới 3 nước vùng Baltic. Lithuania, Latvia và Estonia nằm trong số những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev trong cuộc đương đầu với Moscow.

Theo ông Zelensky, Nga đã sử dụng 500 tên lửa và UAV trong những cuộc tấn công gần đây. Mặc dù lực lượng phòng không Ukraine có thể bắn hạ trung bình khoảng 70% tổng số mục tiêu, nhưng "thật không may, chúng tôi đã mất người".

Cuộc tấn công ngày 29/12 của Nga được đánh giá là đợt tập kích lớn nhất vào Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Hơn 50 người được cho là đã thiệt mạng và hơn 160 người khác bị thương trên toàn quốc.

Do đó, phòng không là ưu tiên "số một" của Ukraine hiện nay, ông Zelensky nói.

Vilnius hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ không ngừng cho Kiev thông qua các thỏa thuận quốc phòng đã hoàn tất vào năm ngoái, cũng như thông qua các thỏa thuận mới được lên kế hoạch cho những tháng và năm tới.

Chính phủ Litva đã phê duyệt khoản hỗ trợ dài hạn trị giá 200 triệu euro (219 triệu USD), Tổng thống Nausea cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Zelensky.

Tư lệnh hải quân Nga: Tên lửa Tomahawk Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng

Newsweek đưa tin, Nikolai Yevmenov, người đứng đầu hải quân Nga cho biết, các tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Nga.

Ông Yevmenov nói với báo Krasnaya Zvezda hay Red Star rằng, các tàu mang tên lửa hành trình tầm xa này có khả năng "thực hiện một cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu ở hầu hết các khu vực của Nga"

Tomahawk là vũ khí chính xác tầm xa được phóng từ tàu ngầm và tàu chiến Mỹ. Theo nhà sản xuất - tập đoàn quốc phòng khổng lồ Raytheon - tên lửa có thể "tấn công mục tiêu chính xác từ khoảng cách 1.000 dặm (1.600km), ngay cả trong không phận được phòng thủ nghiêm ngặt".

Mỹ có hàng nghìn tên lửa Tomahawk - bao gồm cả phiên bản Block V mới nhất - trong kho vũ khí và trên các tàu được triển khai trên khắp thế giới. Theo Raytheon, Mỹ và các đồng minh của họ đã sử dụng loại đạn này trong chiến đấu hơn 2.300 lần, bao gồm cả ở Syria.

Nga cũng có kho dự trữ tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm hoặc tàu chiến, bao gồm cả loại Kalibr mà nước này thường sử dụng để tấn công Ukraine từ Biển Đen.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang ở thời điểm cao nhất trong nhiều thập kỷ, với việc Washington là quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này.

Chiến sự Ukraine 11/1: Nga tiến vào Georgievka, mặt trận Marinka nóng lên - 4

Các tàu chiến Mỹ khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk (Ảnh: Breakingdefense).

Viện trợ cho Ukraine

Kyiv Independent đưa tin, hạ viện Italia đã bỏ phiếu ủng hộ việc kéo dài hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine khi quốc gia này chuẩn bị cho một năm xung đột nữa với Nga

Tháng 12 năm ngoái, chính phủ nước này đã đề xuất gia hạn viện trợ đến năm 2024. Sự hỗ trợ từ các nước châu Âu hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết khi nguồn tài trợ bổ sung từ Mỹ, nhà tài trợ quân sự hàng đầu, vẫn bị đình trệ do tranh cãi chính trị.

"Viện trợ quân sự của Italia dành cho Ukraine đã góp phần cứu sống hàng chục nghìn người. Italia phải tự hào về điều này. Tôi tự hào về điều đó", Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto nhận xét.

Theo hãng tin ANSA, ông nói trước quốc hội: "Con đường phía trước của Kiev vẫn còn dài, tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược và chính trị nếu rút lui ngay bây giờ".

Bộ trưởng Crosetto lưu ý rằng sự hỗ trợ của Rome phải tiếp tục "cho đến khi các cuộc tấn công của Nga dừng lại".

Sau khi được Hạ viện chấp thuận, đề xuất này phải được Thượng viện ủng hộ.

Bộ trưởng cũng tiết lộ rằng chính phủ đã bật đèn xanh cho gói viện trợ quân sự thứ 8 cho Kiev, bao gồm các thiết bị và vũ khí "nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine".

Rome cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia liên minh rà phá bom mìn do Litva dẫn đầu.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đang cố gắng đàm phán với người đồng cấp Hungary Viktor Orban để ông ngừng ngăn cản quyết định hỗ trợ Ukraine của EU, Bloomberg đưa tin.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, các cuộc thảo luận giữa đại diện Italia và Hungary "diễn ra ở các cấp độ khác nhau, nhưng không có quyết định nào được đưa ra".

Theo Newsweek, Bloomberg, ANSA, Ukraiska Pravda, Kyiv Independent, Rybar
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine