1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Châu Âu họp phiên quyết định để đối phó với khủng hoảng nợ

(Dân trí) - Tại Brussels vừa cùng lúc khai mạc hai Hội nghị thượng đỉnh, một của 27 nước trong Liên minh châu Âu (EU), một của 17 nước trong khối sử dụng đồng euro và cả hai đều cùng chung mục đích tìm giải pháp đưa châu Âu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ.

 
Châu Âu họp phiên quyết định để đối phó với khủng hoảng nợ - 1
Các nhà lãnh đạo EU bước vào hội nghị quyết định.

Những cuộc gặp vừa khai mạc được đánh giá mang tính quyết định cho tương lai của đồng euro và của cả EU.

Tâm điểm của sự chú ý là lãnh đạo hai nước Pháp và Đức. Buộc phải thỏa hiệp, cặp Pháp Đức phải đưa ra câu trả lời đáng tin cậy để cứu nguy đồng euro.

Trước nguy cơ tài chính của châu Âu lan ra nước ngoài, các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng để họ phải đưa ra hành động mạnh và mau chóng hơn.

Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã bày tỏ quyết tâm đạt được một giải pháp bền vững trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 tại Pháp vào tuần tới. Tuy nhiên, hy vọng về một nghị quyết chung cho lâu dài tỏ ra khá mong manh, khi mà các bất đồng giữa hai nước trên nhiều vấn đề vẫn tồn tại.

Trước tiên là về Hy Lạp, dù trên nguyên tắc, việc tham gia của các khu vực ngân hàng tư nhân vào kế hoạch giải cứu Hy Lạp lần hai đã được thông qua, nhưng các cuộc thương lượng hậu trường vẫn không nhất trí được về mức nợ mà các chủ nợ là ngân hàng tư nhân có thể chấp nhận bỏ cho Hy Lạp.

Liên quan đến việc cấp vốn lại cho các ngân hàng, một điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp, con số 108 tỷ euro, theo một số chuyên gia vẫn còn rất xa với nhu cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng cần ít nhất hơn 200 tỷ euro.

Thủ tướng Hy Lạp, George Papandreou, nói: "Bây giờ là lúc cho giới lãnh đạo châu Âu đưa ra quyết định tập thể, để chấm dứt tình trạng bất trắc và cuộc khủng hoảng, dở trang sử mới và bảo đảm rằng Châu Âu thực hiện được một bước tiến lớn để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, hầu đem lại phồn thịnh và an ninh cho nhân dân châu Âu."

Cuối cùng, Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu - FESF - đang rất cần mở rộng thêm để có thể ngăn chặn tình khủng hoảng lây lan. Hai giải pháp đang được nghiên cứu, nhưng không có gì cho thấy trong vòng vài giờ tới, các lãnh đạo khu vực đồng euro có thể thông báo được mức vốn hiệu quả nhất cho Quỹ.

Tóm lại, Thượng đỉnh châu Âu vẫn còn nhiều căng thẳng đến phút chót. Thị trường tài chính đang nín thở chờ đợi những quyết định mạnh mẽ của hai cuộc Thượng đỉnh khai mạc tối qua (giờ Brussels).

Chỉ có một dấu hiệu có vẻ tích cực, đó là Trung Quốc cùng các nước có nền kinh tế mới trỗi dậy tỏ ý sẵn sàng tham gia vào Quỹ Bình ổn Tài chính.

Trong khi đó, khủng hoảng nợ châu Âu đang ảnh hưởng tới các nước đang phát triển. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Robert Zoellick, cho rằng có thể cần phải có các chương trình mới hỗ trợ các nước đang phát triển bị tác hại của cuộc khủng hoảng nợ nần ở Châu Âu.

Phát biểu khi đang ở thăm thủ đô Manila của Philippines, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã làm tăng chi phí vay mượn, làm giảm giá cổ phần và hàng xuất khẩu trên khắp thế giới, ngay cả đối với các nước xa xôi như Philippines.

Việt Hà
Theo AP, AFP