1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Căng thẳng Mỹ - Nga và cái vòng luẩn quẩn

Cuối tuần qua, Mỹ quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại San Francisco và 2 cơ quan đại diện kinh tế Nga tại New York và thủ đô Washington.

Cuối tuần qua, quan hệ giữa hai cường quốc thế giới là Mỹ và Nga lại có thêm một diễn biến mới: nước Mỹ quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại San Francisco và 2 cơ quan đại diện kinh tế Nga tại New York và thủ đô Washington.


Mỹ - Nga “luẩn quẩn” trong vòng trừng phạt khốc liệt chưa có điểm dừng (Ảnh minh họa: KT)

Mỹ - Nga “luẩn quẩn” trong vòng trừng phạt khốc liệt chưa có điểm dừng (Ảnh minh họa: KT)

Trong một cuộc điện đàm nhã nhặn rất bất tương xứng với tính nghiêm trọng của vấn đề, Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson đã thông báo tin đó cho Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, và nói rằng, đó là sự đáp trả mà phía Mỹ dành cho quyết định trục xuất 755 nhân viên ngoại giao làm việc cho Mỹ tại Nga mà Tổng thống Nga, Vladimir Putin đưa ra tháng trước.

Có một điều cũ và một điều mới trong câu chuyện Nga-Mỹ lần này. Cũ, đó là sự trả đũa qua lại giữa Mỹ và Nga đã trở nên quen thuộc. Mới, đó là dường như thái độ của hai bên sau mỗi lần quyết định leo thang trả đũa lẫn nhau lại “mềm” đi một chút, hay nói chính xác hơn là “dửng dưng” thêm một chút, như thể đó chỉ đơn giản như một việc ký một tờ giấy vô thưởng, vô phạt.

Cả sự cũ và mới này cho thấy, mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang bế tắc đến mức nào và cũng đáng lo ngại đến mức nào. Các hy vọng mong manh cho việc thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn trừng phạt-trả đũa-trừng phạt mỗi ngày lại càng ít đi, khi không gian hành động của chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang bị siết chặt mỗi ngày.

Quan hệ Nga-Mỹ như một trò chơi của sự cân bằng mà ở đó, bất cứ bên nào cũng phải tham gia một cách trọn vẹn. Một bàn tay không thể vỗ nên tiếng và quả bóng không thể chỉ trong chân một người. Có thể một thực tế khách quan phải thừa nhận, đó là trong cuộc chơi này, phía Nga đã chìa tay ra một cách tích cực hơn và ông Donald Trump cũng không dưới một lần thổ lộ ý định phản hồi một cách thân thiện hơn.

Nhưng, những hứa hẹn và chờ đợi có phần "ngây thơ" khi ông Trump là một ứng cử viên Tổng thống về việc cải thiện quan hệ với Nga, bị vùi dập không thương tiếc bởi thực tế khắc nghiệt là hầu như cả nền chính trường Mỹ không có nhu cầu biến nước Nga thành bạn.

Đối với các nghị sĩ Mỹ, nước Nga cần phải luôn tồn tại như một đối thủ mang đầy tính đe doạ. Bỏ qua một bên thực tế rằng, với tiềm lực quân sự và tài nguyên khổng lồ của mình, nước Nga thực sự có thể cạnh tranh với Mỹ, cần phải thấy rằng đằng sau ý đồ biến nước Nga thành “nhân vật phản diện”, có các câu chuyện về lợi ích. Phải có một kẻ thù đáng sợ thường trực thì mới có các đại dự án quốc phòng. Phải có một kẻ chuyên đóng vai bắt nạt thì mới có người hùng bảo vệ kẻ yếu. Phải có sự run rẩy của các nước đồng minh thì mới có sự tập hợp lực lượng đằng sau nước Mỹ.

Lý thuyết đó về cách xây dựng hình ảnh kẻ thù luôn là bài học kinh điển trong quan hệ quốc tế, mà các cường quốc đã vận dụng quá thuần thục kể từ Chiến tranh lạnh đến nay.

Nhưng, tư duy Chiến tranh lạnh còn hữu dụng trong thời đại bây giờ không thì lại là điều đáng bàn. Hơn 2 thập kỷ qua, phương Tây và nước Mỹ đã tận hưởng thế thượng phong trong quan hệ quốc tế mà không cần chia sẻ, thậm chí, không cần đoái hoài đến thái độ của bất cứ ai. Nhưng thời thế luôn thay đổi, sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới và sự hồi sinh của một nước Nga tràn đầy tiềm lực, bắt buộc cuộc chơi phải có những điều chỉnh.

Lôi nước Nga vào vòng xoáy luẩn quẩn của đe doạ-trừng phạt-trả đũa có thể làm nước Nga suy yếu nhưng lại không thay đổi được thực tế rằng, thế giới không thể nào giải quyết được các hồ sơ nóng bỏng nhất trong quan hệ quốc tế, từ Syria, Ukraine đến CHDCND Triều Tiên, mà lại không có sự góp mặt của Nga. Làm sao có thể gạt bỏ đơn giản một cường quốc diện tích chiếm đến một nửa lục địa Á-Âu, có kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới và là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc?

Không bên nào, cả Nga và phương Tây, được lợi khi kéo dài sự đối đầu bất tận không lối thoát. Là đối thủ không có nghĩa là triệt hạ nhau đến cùng mà vẫn có thể đưa nhau cùng tiến lên, trên cơ sở của sự tôn trọng và nhìn nhận đúng tầm vóc của nhau. Nếu không, đó sẽ là cuộc chơi mà cả hai đều mất nhiều hơn được.

Theo Thùy Vân

VOV