1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách Ukraine có thể vô hiệu hóa phòng tuyến "răng rồng" của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine hiện có một số phương án có thể áp dụng để chọc thủng hàng phòng thủ răng rồng chống tăng mà Nga đã chuẩn bị kỹ càng.

Cách Ukraine có thể vô hiệu hóa phòng tuyến răng rồng của Nga - 1

Ảnh vệ tinh cho thấy phòng tuyến răng rồng và các hào của Nga lập ra ở Crimea hồi tháng 3 (Ảnh: Maxar).

Một trong những thách thức chính đối với cuộc phản công của Ukraine ở mặt trận phía nam là hệ thống phòng thủ được bố trí kỹ lưỡng của Nga, bao gồm cả hàng rào "răng rồng" mà Nga đã xây dựng kể từ mùa thu năm ngoái.

Phòng tuyến răng rồng là những khối bê tông dùng để chặn bước tiến của xe tăng và ngăn chặn bộ binh cơ giới tiến sâu vào lãnh thổ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận việc Kiev phản công muộn hơn dự định đã giúp Nga có thời gian chuẩn bị, bao gồm cả việc xây dựng tuyến phòng thủ tĩnh và đào hào sâu.

Tuy nhiên, chỉ huy lực lượng Tavria của Ukraine, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskiy, nói với The Observer cuối tuần trước rằng họ đã tiến vào giữa phòng tuyến thứ nhất và thứ hai ở Zaporizhia, miền Nam nước này sau nhiều tháng tiến công chậm chạp. Ukraine hiện tập trung vào tiền tuyến phía nam thành phố Orikhiv với hy vọng đẩy lùi lực lượng Nga về phía Melitopol.

Mặc dù mìn bị coi là một trong những trở ngại quan trọng nhất trên đường tiến công của Ukraine tới Biển Azov, song các tuyến phòng thủ tiếp theo của Nga cũng sẽ trở thành trở ngại đáng kể khi họ tiến về thành phố Tokmak do Nga kiểm soát.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết sau khi vượt qua tuyến phòng thủ ban đầu ở Zaporizhia, Kiev có thể phải đối mặt với tuyến phòng thủ tiếp theo bao gồm hào chống tăng, răng rồng và các bãi mìn bổ sung.

Theo Marina Miron, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College, London, Ukraine có thể "làm nổ tung" hệ thống phòng thủ răng rồng sắp tới bằng đạn chống tăng có sức nổ cao hoặc huy động các kỹ sư chiến đấu loại bỏ chướng ngại vật bằng thuốc nổ dẻo theo cách thủ công.

Tuy nhiên, không rõ hệ thống phòng thủ răng rồng của Nga mạnh đến mức nào và liệu quân đội Ukraine có thể vượt qua chúng bằng các phương tiện nhỏ hơn thay vì sử dụng xe tăng hay không, bà Miron lưu ý.

Bà cho rằng mục tiêu của việc đặt hệ thống răng rồng ở đây là khiến lực lượng của Ukraine sa lầy và lý tưởng nhất là tập trung quân vào khu vực đó.

"Điều này có nghĩa là người Nga có thể sử dụng pháo binh và máy bay không người lái để nhắm mục tiêu vào quân đội và trang thiết bị của Kiev. Răng rồng không phải là không thể vượt qua được, nhưng chúng có tác dụng đánh lạc hướng rất tốt", bà Miron nói.

Trong khi đó, ông Tarnavskiy nhận định với Observer: "Có sự khác biệt rất lớn giữa tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai". Theo ấn phẩm này, mật độ của phòng tuyến thứ hai không dày đặc, có nghĩa là Ukraine có thể sử dụng nhiều phương tiện quân sự mà cho đến nay họ vẫn hạn chế dùng.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết đầu tháng 11/2022 cho biết, Moscow đã bắt đầu triển khai răng rồng xung quanh thành phố Mariupol thuộc khu vực Donetsk, cũng như trên khắp các vùng Zaporizhia và Kherson mà họ đang kiểm soát.

Thời điểm đó, Anh dự đoán: "Hoạt động này cho thấy Nga đang cố gắng chuẩn bị phòng thủ ở sâu phía sau chiến tuyến hiện tại, nhằm ngăn chặn Ukraine tiến công nhanh trong trường hợp có đột phá".

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine