1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các thanh sát viên hạt nhân Liên hợp quốc tới Iran

(Dân trí) - Ngày 28/1, các thanh sát viên hạt nhân của LHQ đã lên đường tới Iran nhằm xua tan những nghi ngờ về chương trình hạt nhân của nước này. Giới phân tích kỳ vọng chuyến thăm sẽ giúp đẩy lùi nguy cơ dẫn tới hành động quân sự nhằm vào nhà nước Iran.

Các thanh sát viên hạt nhân Liên hợp quốc tới Iran  - 1
Sinh viên Iran bắt thể hiện tình đoàn kết đối với chương trình phát triển hạt nhân hoà bình.

Phái đoàn thanh sát viên của LHQ gồm 6 người,do ông Herman Nackaerts -  Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - dẫn đầu. Dự kiến trong thời gian ở thăm 3 ngày, phái đoàn sẽ làm rõ những mục đích thực sự đằng sau chương trình phát triển công nghệ hạt nhân của Iran, cũng như sẽ được “mục sở thị” các địa điểm sản xuất công nghệ hạt nhân bí mật của nước này.

“Chúng tôi sẽ tuân thủ triệt để nghị quyết của Ban Giám đốc IAEA và giải quyết rốt ráo tất cả các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến hồ sơ hạt nhân của Iran. Chúng tôi sẽ yêu cầu Tehran trả lời đầy đủ các câu hỏi của IAEA liên quan đến khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của họ”, ông Nackaerts khẳng định với báo giới tại sân bay Vienna trước khi đáp chuyến bay tới Iran.  

Chuyến thăm của phái đoàn IAEA diễn ra ngay sau khi Iran, lần đầu tiên kể từ năm 2008, tuyên bố sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này. 

Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây đang dõi theo chuyến thăm với ánh mắt đầy hoài nghi khi phần lớn các ý kiến đều cho rằng Tehran khó có thể hợp tác chặt chẽ, đầy đủ và cụ thể như IAEA mong muốn, đặc biệt khi IAEA đang có “hàng núi” câu hỏi cần được làm sáng tỏ dựa trên những thông tin tình báo mà cơ quan này thu thập được suốt từ tháng 8/2008 tới nay.

“Iran có thể sẽ đưa ra một vài nhượng bộ hạn chế để giảm bớt áp lực của phương Tây. Nhà nước Hồi giáo vẫn thường viện đến chiến thuật câu giờ này mỗi khi căng thẳng bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Nhưng rồi sau đó mọi việc sẽ trở lại vạch xuất phát”, một nhà quan sát nhận định.

Kết quả của chuyến thăm sẽ quyết định liệu Iran có phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới, hay có triển vọng nối lại đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này hay không.  

Chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ giữa Iran và phương Tây đang "căng như dây đàn" khiến người ta lo ngại nguy cơ có thể dẫn tới một cuộc can thiệp quân sự chớp nhoáng của phương Tây nhằm vào Nhà nước Hồi giáo Iran.

Trong thời gian qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng gia tăng sức ép đối với Tehran thông qua việc liên tiếp điều tàu sân bay và tàu chiến tới vùng Vịnh Persian và eo biển Hormuz, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thể chế tài chính cũng như ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Cơ sở để Mỹ và phương Tây áp đặt trừng phạt dựa trên kết luận đưa ra trong bản báo cáo của IAEA công bố tháng 11 năm ngoái. Trong đó, IAEA bày tỏ nghi ngờ hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran có liên quan đến sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Iran lập tức bác bỏ cáo buộc trên với tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự trước bất kỳ sức ép nào. Ngoài ra, Tehran cũng có những hành động đáp trả cứng rắn đối với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và EU bằng cách khởi động chương trình làm giàu urani cấp độ 20% tại một địa điểm bí mật trong lòng núi, tiến hành tập trận quân sự 10 ngày trên Vịnh Persian, bắn thử các loại tên lửa tối tân và hiện tại, đang xem xét khả năng ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu bắt đầu ngay từ tuần tới.

 Vũ Anh
Theo Reuters, AFP