1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp bị "sờ gáy" vì bê bối hối lộ

Tòa án Hàn Quốc hôm 19/1 đã tuyên bố sẽ không ra lệnh bắt giữ người thừa kế Tập đoàn Samsung liên quan tới các cáo buộc có dính líu tới vụ bê bối tham nhũng gây chấn động ở nước này.

Ông Lee Jae-yong, lãnh đạo tập đoàn Samsung, được tòa án bác lệnh bắt giữ hôm 19/1. (Nguồn: StraitTimes).
Ông Lee Jae-yong, lãnh đạo tập đoàn Samsung, được tòa án bác lệnh bắt giữ hôm 19/1. (Nguồn: StraitTimes).

Quyết định trên được giới quan sát cho là một cú sốc đối với giới công tố viên nước này, những người đã buộc tội ông Lee Jae-yong tội danh hối lộ, tham ô và khai man trước tòa, dù tòa án chỉ kết luận một cách đơn giản rằng ông Lee không cần thiết phải bị bắt giữ. Thông tin trên cũng khiến dư luận Hàn Quốc hết sức bất ngờ khi người dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình kêu gọi bắt giữ ông Lee.

Tập đoàn Samsung cùng ngày đã hoan nghênh quyết định này. “Chúng tôi đánh giá cao thực tế rằng giá trị của vụ việc này có thể được bảo đảm mà không cần phải ra lệnh bắt giữ”, bà Rhee So-eui, người phát ngôn của Tập đoàn này, cho hay.

Trước 5h00 sáng ngày 19/1, các thẩm phán thuộc Tòa án Trung tâm Seoul đã tuyên bố rằng họ nhận thấy không có lý do gì để đưa ra lệnh bắt giữ đối với ông Lee, người dù chưa chính thức nhưng vẫn được coi là người vận hành tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong suốt 3 năm qua, sau khi cha của ông bị cơn đau tim và vẫn chưa tỉnh lại trong bệnh viện.

Ông Lee, người từng kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới hối lộ, đã phải chờ đợi quyết định trên tại một trung tâm tạm giam nằm ở phía Nam thủ đô Seoul trong suốt 18 giờ đồng hồ, tưởng chừng như đã nắm chắc khả năng bị bắt giữ sau khi tham dự một phiên thẩm vấn kéo dài 4 giờ đồng hồ vào sáng 18-1.

Trong cuộc thẩm vấn đó, các luật sư của ông Lee đã phản đối lệnh bắt giữ ông trong khi cuộc điều tra vụ bê bối tiếp diễn. “Chúng tôi đã giải thích rõ ràng quan điểm trước tòa”, ông Song Woo-chul, một luật sư của ông Lee, nói với hãng tin Reuters sau phiên thẩm vấn; “Chúng tôi chắc chắn rằng tòa án sẽ đưa ra quyết định sáng suốt”.

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ bê bối tham nhũng đã gây chấn động Hàn Quốc trong suốt mấy tháng qua, và khiến cho giới chính trị nước này xáo trộn do có liên quan tới cả cấp lãnh đạo cao nhất.

Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye hồi tháng 12/2016 do cáo buộc có liên quan tới vụ bê bối, khiến cho bà bị tước bỏ mọi quyền lực trong lúc chờ đợi Tòa án Hiến pháp nước này quyết định về số phận của mình. Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được tuyên bố vào khoảng tháng tới.

Còn đối với Samsung, khi mà công ty sản xuất điện tử đi đầu của họ còn đang vất vả vực dậy sau vụ thu hồi mẫu Galaxy Note 7 năm ngoái, thì khó khăn lại tiếp tục đội lên khi lãnh đạo của họ có dính líu tới vụ bê bối chấn động này.

Tổ công tố đặc biệt Hàn Quốc được chỉ định để điều tra vụ việc này đã tố cáo ông Lee ra chỉ thị đóng góp 36 triệu USD cho 2 tổ chức phi lợi nhuận mà bà Choi Soon-sil - bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, thành lập.

Bản thân bà Choi đã gây áp lực cho chính quyền để thông qua thương vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa 2 đơn vị của Tập đoàn Samsung, với trị giá thương vụ lên tới 8 tỷ USD. Được biết vụ sáp nhập này là một phần của kế hoạch tăng cường quyền kiểm soát tập đoàn Samsung của gia đình ông Lee, vốn đang điều khiển tập đoàn này thông qua một mạng lưới cổ đông hết sức phức tạp, dù chỉ nắm giữ một phần nhỏ cổ phiếu của nó.

Quỹ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc, một cổ đông lớn của Samsung, bị tình nghi đã ủng hộ thương vụ sáp nhập theo chỉ thị của bà Choi. Người đứng đầu cơ quan này, một cựu Bộ trưởng Y tế, đã bị kết tội trong hôm đầu tuần do có liên quan tới vụ bê bối.

Bà Choi, hiện đang bị xét xử vì cáo buộc nhận hối lộ, đe dọa và lạm dụng quyền lực, đã bác bỏ cáo buộc lợi dụng mối quan hệ của bà với Tổng thống để làm ăn.

“Tôi chưa từng nhận bất kỳ khoản thu đặc biệt hay được ưu tiên đối xử từ chính phủ” - bà Choi nói trong một phiên tòa hôm 17/1 - “Tổng thống cũng không phải là con người như vậy”.

Tại một phiên điều trần trước Quốc hội tổ chức hồi tháng 12/2016, ông Lee cũng bác bỏ cáo buộc hối lộ nhưng thừa nhận rằng Samsung đã mua tặng cho con gái bà Choi một chú ngựa có giá tới 900.000 USD.

Hối lộ và tham nhũng từ lâu đã trở thành một tục lệ xấu trong làm ăn kinh doanh ở Hàn Quốc, và sự dính líu của các tập đoàn lớn ở nước này, còn được gọi tên là “Chaebol”, đã khiến cộng đồng người dân hết sức phẫn nộ trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

Các công tố đặc biệt Hàn Quốc còn tuyên bố rằng, các tập đoàn lớn khác như SK, Lotte và CJ sẽ là các mục tiêu tiếp theo của họ. Các tập đoàn này bị cáo buộc đã hối lộ tổng số tiền lên tới 70 triệu USD cho 2 tổ chức mà bà Choi vận hành. Giới công tố cho rằng đây là số tiền hối lộ được che mắt dưới dạng tiền đóng góp nhằm đổi lấy sự thuận lợi về mặt chính trị cho doanh nghiệp của họ.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết