1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông và biển Hoa Đông:

Các rủi ro và giải pháp cho châu Á trong xung đột với Trung Quốc (Kỳ 3)

Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh “lợi ích cốt lõi” - thuật ngữ chỉ các vấn đề “không nhượng bộ” - là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục.

Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và an ninh không gian của Mỹ

Nhưng kể từ năm 2004, Trung Quốc đã dần dần mở rộng ra các vấn đề liệt kê trong danh sách lợi ích cốt lõi, bao gồm cả Tây Tạng. Từ năm 2010, một số quan chức chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thậm chí bắt đầu gọi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (?)

Gần đây nhất, trong bối cảnh cuộc thảo luận về Biển Đông và các vấn đề chủ quyền nhạy cảm khác, Đô đốc Jun Jianguo của Trung Quốc đã nói với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ chỉ huy Thái Bình Dương (USPACOM) rằng: “Chúng tôi hy vọng phía Mỹ có thể quan tâm đúng mực đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nghiêm chỉnh tôn trọng lợi ích cốt lõi của chúng tôi, tránh lời nói và hành động làm tổn hại quan hệ song phương và hạn chế các hoạt động gây hiểu lầm hoặc đánh giá sai”.

Các rủi ro và giải pháp cho châu Á trong xung đột với Trung Quốc (Kỳ 3) - 1

Hơn 100 tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Trung Quốc vẫn chưa chính thức tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi nhưng rõ ràng họ đang xem xét khái niệm này. Làm như vậy tiềm ẩn một rủi ro là nếu xung đột phát sinh ở đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có khả năng phải rút lại một tuyên bố lợi ích cốt lõi và bị mất mặt.

Đây là bản chất của “lợi ích cốt lõi”. Chúng có vai trò như lời cảnh báo đối với kẻ thù, nhưng cũng tạo ra nghĩa vụ chiến đấu để bảo vệ lợi ích. Không bảo vệ được lợi ích đó sẽ khiến nước tuyên bố lợi ích bị mất mặt.

Ông Tập Cận Bình biết rằng tuyên bố lợi ích cốt lõi ở Biển Đông sẽ không còn đường lùi nào khác ngoài việc phải chiến đấu. Đường chữ U bao gồm các tuyên bố chống lại đồng minh thân cận của Mỹ và sẽ củng cố cho Trung Quốc sức mạnh trên biển nhưng lại ảnh hưởng nguy hại đến Mỹ và các đồng minh. Với những yêu sách có tổng bằng không như thế này, chắc chắn nếu làm quá căng sẽ có xung đột.

Để ngăn cản Mỹ có hành động quyết liệt đối với các yêu sách của mình, Trung Quốc cần cả củ cà rốt và cây gậy. Củ cà rốt thì nhiều người đã biết, trong đó có thể kể đến khoản nợ 1,2 nghìn tỉ USD của Mỹ mà Trung Quốc đang nắm trong tay và 590 tỉ USD kim ngạch thương mại Mỹ - Trung hàng năm.

Cây gậy khó phỏng đoán hơn

Kho vũ khí thông thường và hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn so với Mỹ và việc sử dụng chúng có thể dẫn đến trả đũa mạnh tay. Ít đáng kể hơn là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng có thể gây ra cho Mỹ thông qua cái gọi là giao dịch ảo xâm nhập chiếm quyền quản lý máy tính.

Tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp lượng lớn dữ liệu thương mại, công nghệ và quân sự của Mỹ, trong đó tính riêng năm 2015 có dữ liệu các nhân của 22,1 triệu ứng viên an ninh mạng. Mỹ tiếp tục đe dọa trừng phạt kinh tế đối với các dữ liệu thương mại và công nghệ bị đánh cắp, nhưng cho đến nay chỉ phản ứng một cách yếu ớt trước các hoạt động do thám phi thương mại của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể dùng lời hứa giảm hoạt động không gian mạng nhằm vào Mỹ để đổi lại lập trường mềm mỏng của Mỹ về lợi ích cốt lõi ở cấp thấp hơn của Trung Quốc như Biển Đông.

Mối quan tâm chính của Tổng thống Obama tại Vườn Hồng ngày 25-9, bất chấp các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc, tập trung vào hoạt động đánh cắp dữ liệu thương mại trong không gian mạng mà hai nhà lãnh đạo trước đó có thỏa thuận.

Tổng thống Obama nói: “Tôi một lần nữa nêu ra mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi về các mối đe dọa an ninh mạng ngày một lớn đối với các công ty Mỹ và công dân Mỹ. Tôi thấy rằng cần phải chặn đứng hành động đó. Chính phủ Mỹ không tham gia vào các hoạt động gián điệp kinh tế trên mạng cho lợi ích thương mại”.

Mặc dù Tổng thống Obama cho biết đã đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm loại bỏ đánh cắp dữ liệu thương mại, ông cũng chỉ ra rằng có rất nhiều điều vẫn cần được giải quyết, trong đó chắc chắn phải bao gồm những nỗ lực gây áp lực yêu cầu Trung Quốc ngừng hành động khiêu khích trên mạng đối với các tài sản an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm cả công nghệ quân sự.

Chủ nghĩa dân tộc

Một trong những nguyên nhân cơ bản đằng sau hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc là một chủ nghĩa dân tộc đang hồi sinh nhờ sự kích động của chính phủ, ít nhất là phần nào đó nhằm để duy trì sự ổn định trong nước.

Trong câu chuyện thường phổ biến hiện nay ở Trung Quốc, họ là nạn nhân bị bóc lột và đầy đọa bởi các đế quốc thực dân và Nhật Bản trong các thế kỷ XIX và XX. Nữ hoàng Victoria trong thế kỷ 19 được tô vẽ như một bà trùm ma túy trong thời gian chiến tranh nha phiến, và người Nhật thì tàn bạo không tả xiết khi xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1937-1945 (?)

Tuy nhiên, các nhà sử học Trung Quốc đồng thời làm trong sạch về những tội lỗi của Trung Quốc, trong đó có tới 45 triệu người bị giết và bỏ đói trong công cuộc “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông về tập thể hóa công nghệ và nông nghiệp từ năm 1958-1962.

Để gây dựng tình cảm dân tộc, các quan chức Trung Quốc yêu cầu giới sử gia trong nước phải làm sạch lịch sử nước mình, phỉ báng nước ngoài và do đó tưởng tượng ra một quá trình trong sạch xây dựng nhà nước Cộng sản Trung Quốc.

Chủ nghĩa xét lại theo tinh thần dân tộc cực đoan của Trung Quốc được quy định bởi luật, được tài trợ bởi chính phủ, kiểm soát bởi các nhà kiểm duyệt và rõ ràng thông qua tất cả các tầng bậc của xã hội Trung Quốc, từ phát biểu chính thức của chính phủ đến các blogger.

Tăng cường chủ nghĩa dân tộc, mà thực tế nhằm củng cố sự ổn định trong nước, cũng có mặt trái là khiến cho Trung Quốc trở nên hung hăn hơn trong việc bành trướng lãnh thổ của mình.

Sự cần thiết phải duy trì ổn định trong nước chi phối các câu chuyện tuyên truyền về kẻ thù bên ngoài, khiến các nhà tuyên giáo phải tìm kiếm hoặc thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện lãnh thổ bị đánh cắp từ các chi tiết vụn vặt của lịch sử, bao gồm cả việc truyền cảm xúc cho bản đồ đường chữ U vô nghĩa và yêu sách đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Bình luận của ông Tập Cận Bình về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Nhà Trắng ngày 25-9 rằng “quần đảo ở Biển Đông từ thời xa xưa và lãnh thổ của Trung Quốc”, là ví dụ mới nhất của chủ nghĩa xét lại dân tộc và tô vẽ lịch sử.

Chủ nghĩa dị biệt

Trung Quốc sử dụng câu chuyện lịch sử có chọn lọc và định kiến để củng cố quyền lực không chỉ ở trong nước, mà còn cả với các đối tượng quốc tế như nhóm “G77+ Trung Quốc”. Cái tên mới này, đúng như tưởng tượng, là theo nguyện vọng của Trung Quốc. Bản gốc G77 thực sự đã bao gồm Trung Quốc là một trong số 77 thành viên đó, nhưng Trung Quốc muốn đứng riêng ra ngoài.

Trung Quốc tự coi mình là đặc biệt và ngoại lệ. Là một cường quốc kinh tế đang lên, Trung Quốc muốn phần còn lại của thế giới chấp nhận và các cường quốc phương Tây cũng như các tổ chức quốc tế nhường lại sự hiện diện và ảnh hưởng của mình ở châu Á, dọn đường cho Trung Quốc mở rộng vùng ảnh hưởng.

Trung Quốc đang tìm cách biến đổi hệ thống quốc tế, như thể hiện trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình “Trung Quốc là người tạo dựng, đóng góp, phát triển, thành viên tham gia và cũng người hưởng lợi của hệ thống quốc tế hiện nay. Chúng tôi sẵn sàng với tất cả các nước khác bảo vệ vững chắc thành quả chiến thắng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và hệ thống quốc tế hiện tại đồng thời thúc đẩy một hướng đi công bằng và bình đẳng hơn”.

Trung Quốc đang tìm cách thay thế hệ thống quốc tế bằng một thỏa thuận không chính thức và không ràng buộc pháp lý giữa các cường quốc trên thế giới.

Ông muốn thay thế Ngân hàng Thế giới bằng Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc kiểm soát và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bằng các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách.

Giải pháp

Chúng tôi sử dụng Khuôn khổ hòa bình và an ninh Thái Bình Dương của Diễn đàn Boston toàn cầu để thử định hình giải pháp cho tranh chấp Biển Đông, đảm bảo đa chiều, phù hợp với tính chất nghiêm trọng và phức tạp của cuộc xung đột.

Mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận khác nhau hoặc nhiều cách tiếp cận đồng thời cho từng vấn đề tranh chấp. Từng nước phải lựa chọn giữa chiến lược hợp tác, thích ứng hoặc xung đột cho từng vấn đề nhỏ, như quyền thăm dò dầu khí, quyền đánh bắt cá, tự do hàng hải, quyền lãnh thổ đối với các đảo nhân tạo, và quyền chủ quyền trên các vùng đặc quyền kinh tế, vùng đặc quyền kinh tế chồng chéo và đường chữ U.

Các nước sẽ được kêu gọi đứng về phía bên nào đó trong tranh chấp. Họ sẽ quyết định nên tiếp cận vấn đề từ quan điểm luật pháp quốc tế, hay chỉ đơn thuần từ lợi ích quốc gia hay lợi ích liên minh mà bất chấp luật pháp quốc tế, xung đột nào đó có thể được hiểu là một mạng lưới trong đó mỗi quốc gia liên quan với nhau trên nhiều vấn đề và mỗi quốc gia được kết nối với tất cả các quốc gia thông qua đàm phán để tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh cho các vấn đề của mình.

Luật pháp quốc tế

Khó có thể hình dung ra một giải pháp chung cho tranh chấp ở Biển Đông mà không áp dụng pháp luật quốc tế có liên quan. Với luật pháp quốc tế, mạng lưới phức tạp các quốc gia, các vấn đề và các liên minh trên được thay thế bằng một hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó hành vi đúng mực được cổ vũ.

Không áp dụng luật pháp quốc tế ở Biển Đông sẽ chẳng khác nào quay trở lại với cuộc “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” như Hobbes chỉ ra, kể cả trạng thái mà chúng ta gọi ngày nay là chiến tranh lạnh. Trên thực tế, cuộc chiến tranh lạnh Hobbes chính là tình hình hiện nay ở Biển Đông.

Trong trường hợp Biển Đông, luật pháp quốc tế liên quan được ghi nhận là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), có chữ ký của Trung Quốc và các nước yêu sách tiếp giáp Biển Đông. UNCLOS bao gồm một hệ thống chi tiết các tuyên bố dựa trên đất liền như vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm và lãnh hải 12 dặm.

Điều đáng buồn là, Thượng viện Hoa Kỳ đã không phê chuẩn UNCLOS, và Trung Quốc cũng tìm thấy những lỗ hổng và ngoại lệ trong UNCLOS và đang cố gắng khai thác để né tránh vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague.

Trung Quốc tuyên bố UNCLOS không áp dụng trong trường hợp này, căn cứ tuyên bố bằng văn bản của Trung Quốc ký phê chuẩn của UNCLOS ngày 7-6-1996.

Tuyên bố phê chuẩn UNCLOS của Trung Quốc đề cập đến: 1) Luật ban hành ngày 25-2-1992 của Trung Quốc tuyên bố yêu sách về Biển Đông, cũng như 2) một ngoại lệ đối với việc giải quyết tranh chấp bắt buộc tại Điều 298 của UNCLOS.

Trung Quốc mở rộng thêm những yêu sách này vào năm 2009 qua cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn trong Công hàm gửi tới tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc. Mỹ không công nhận tất cả những tuyên bố này, cả bằng văn bản và thông qua Chương trình Tự do Hàng hải (FONOPS), và khẳng định hiệu lực của UNCLOS.

Theo

PetroTimes