1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các nguyên thủ tuổi Kỷ Sửu

Xưa nay, các cụ ta thường nói rằng, những người sinh tuổi Kỷ Sửu thường có tài, phát lộc về đường công danh và phải 60 năm mới có một tuổi này. Nhân Xuân Kỷ Sửu 2009, xin giới thiệu những nguyên thủ nước ngoài có tuổi "Trâu vàng".

Các nguyên thủ tuổi Kỷ Sửu - 1
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra
 
Đầu tiên phải kể đến Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Năm 2004, sau khi đánh bại tướng Wiranto, bỏ xa bà Megawati Sukarnoputri một chặng đường dài, vị tướng bốn sao này đã leo lên chiếc ghế tổng thống của đất nước ngàn đảo.

Khác với người tiền nhiệm, ông Susilo Bambang Yudhoyono được đánh giá là nhà hùng biện tài ba và hấp dẫn dân chúng Indonesia bằng hình ảnh của một trang nam nhi coi trời bằng vung và một thương gia xuất sắc trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính ở châu Á.

Trên thực tế, Tổng thống Indonesia là người rất thận trọng, ông thường tham khảo ý kiến rất nhiều người trước khi quyết định một vấn đề nào đó. Vì trưởng thành trong một gia đình có bố là trung úy quân đội nên ngay từ nhỏ, Susilo Bambang Yudhoyono đã có điều kiện tiếp xúc với giới quân sự, tham gia lực lượng đặc nhiệm Indonesia và có mặt tại những khu vực nóng bỏng nhất của quốc gia Hồi giáo này.

Ông đã sớm khẳng định bản lĩnh của mình cho dù con đường chính trị luôn khúc khuỷu, gập ghềnh. Những ai đã tiếp xúc với vị tổng thống này đều có chung một nhận xét về ông: đó là một người đàn ông cương trực, nghị lực, gần gũi và sẵn sàng hy sinh tham vọng để thực hiện điều mà mình tin tưởng.

Một điểm đặc biệt nữa ở Susilo Bambang Yudhoyono mà hầu hết dân chúng đều thích, đó là sự lãng mạn của một người lính. Dù bận trăm công ngàn việc với những mối quan tâm lớn, song Tổng thống Indonesia vẫn dành nhiều thời gian cho âm nhạc.

Hàng ngày, ông thường dành từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ để thưởng thức âm nhạc và sáng tác. Ông đã viết nhiều bản nhạc và không ngại bước lên sân khấu, biểu diễn cùng các ca sĩ hàng đầu của Indonesia. Năm 2008, ông đã cho ra mắt công chúng nước nhà một album nhạc mang tên "My Longing for you" gồm 10 bản tình ca thể loại nhạc pop.

Một trong những bài hát này đã được ông viết trong suốt chuyến đi Australia tham dự Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng 9/2007. Susilo Bambang Yudhoyono tâm sự: "Tôi vẫn cố gắng dành thời gian để bộc lộ cảm xúc của một người bình thường qua mỗi bài hát trong lịch trình dày đặc của mình".

Tại Ba Lan, người dân lại thường xuyên nhắc đến câu chuyện về hai anh em nhà Kaczynski, một người hiện là Tổng thống (Lech Kaczynski) và một người từng là Thủ tướng (Jaroslaw Kaczynski). Ông Lech cùng người anh sinh đôi của mình Jaroslaw chào đời ngày 18/6/1949 tại Warsaw, chỉ cách nhau có 45 phút.

Từ thời điểm đó, cả hai gần như luôn ở bên cạnh nhau: cùng tới trường, cùng vào Đại học Tổng hợp Warsaw để học ngành Luật. Mùa xuân năm 2001, Lech cùng với Jaroslaw đứng ra thành lập PIS và trở thành chủ tịch đầu tiên. Sau đó ông nhường cương vị này cho Jaroslaw.

Một năm sau, ông Lech được bầu làm Thị trưởng Warsaw và đã kịp thể hiện mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn. Năm 2005, Lech đã giành được thắng lợi thuyết phục trước đối thủ nặng ký từ vòng 1 là Donald Tusk, thủ lĩnh đảng Cương lĩnh công dân (PO) và trở thành Tổng thống Ba Lan.

Trước đó, người anh của ông là Jaroslaw cũng đã lãnh đạo đảng LJP thắng đảng cầm quyền Dân chủ xã hội trong cuộc bầu cử vào Quốc hội. (Ông Laroslaw đã đệ đơn xin từ chức hồi tháng 11/2007). Việc cả hai anh em song sinh giống nhau như hai giọt nước lên lãnh đạo Ba Lan thời bấy giờ đã trở thành một sự kiện lạ chưa từng có trên thế giới.

Cái khó nhất chính là sự phân biệt giữa Tổng thống và Thủ tướng. Ngay cả những đồng nghiệp từng làm việc với họ trong nhiều năm cũng thường xuyên gặp rắc rối khi muốn phân biệt giữa 2 người chứ chưa nói đến quan khách nước ngoài.

Chiều cao, dáng người, đặc biệt là khuôn mặt của 2 anh em nhà Kaczynski giống nhau như đúc. Cả 2 người cùng để kiểu tóc khá gọn gàng và đều đã ngả màu như nhau. Một trong những cách dễ nhất để phân biệt là Tổng thống Lech có 2 nốt ruồi bên má trái, trong khi Thủ tướng Jaroslaw không có.

Tuy nhiên, người dân Ba Lan nói rằng nốt ruồi quá nhỏ, thậm chí khi truyền hình quay gần khuôn mặt của 2 người cũng không thể nhận ra nét khác biệt này. Một điểm nữa là Tổng thống Lech đã lập gia đình nên luôn đeo nhẫn cưới, còn người anh Jaroslaw vẫn độc thân.

Nhưng không lẽ khi tiếp xúc lại phải nhìn tay để phân biệt. Vì thế, để tránh sự nhầm lẫn, 2 anh em nhà Kaczynski luôn cố không xuất hiện trước công chúng cùng lúc. Tổng thống Lech thậm chí còn phải cố tình để râu, nhưng sau đó lại phải cạo đi vì nó không hợp với ông.

Trở thành Tổng thống của Kyrgyzstan từ năm 2005, ông Kurmanbek Bakiev (sinh ngày 1/8/1949) nổi tiếng là nhà lãnh đạo mạnh tay với cuộc chiến chống tham nhũng.

Dù thường xuyên phải đối mặt với những cạm bẫy và sự phản đối của các phe đối lập cũng như những thế lực thù địch được phương Tây hậu thuẫn, nhưng ông Kurmanbek Bakiev không hề nao núng trước bất cứ một khó khăn nào. Ông đã quyết triệt tiêu những cái xấu nảy sinh trong xã hội Kyrgyzstan, xây dựng quốc gia Trung Á này phát triển, khẳng định vị thế trước các cường quốc châu Âu.

Theo thống kê của một số trang web, trên thế giới hiện có khoảng 6 nguyên thủ đang tại nhiệm sinh tuổi Sửu, trong đó 3 nguyên thủ sinh năm Kỷ Sửu 1949. Những người còn lại sinh năm 1937 như Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika và sinh năm 1961 gồm Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany. Ngoài ra, lịch sử thế kỷ XX và XXI còn ghi dấu ấn của rất nhiều nguyên thủ tài giỏi khác cũng mang tuổi Kỷ Sửu.

Chẳng hạn như tại Pakistan, quốc gia này từng có tới 2 thủ tướng sinh năm 1949. Ông Nawaz Sharif (sinh ngày 25/12/1949 ở Lahore, Punjab, Pakistan) còn hai lần được bầu làm Thủ tướng trong hai nhiệm kỳ liên tục. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông từ ngày 1/11/1990 đến 18/7/1993, và nhiệm kỳ thứ hai của ông từ ngày 17/2/1997 đến ngày 12/10/1999.

Đảng của ông là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan N (Nhóm Nawaz). Ông nổi tiếng thế giới vì đã ra lệnh thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân năm 1998 để đáp trả lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ, và nhiệm kỳ sau phải chấm dứt đột ngột do cuộc đảo chính của tướng Pervez Musharraf.

Người thứ hai là cựu Thủ tướng Shaukat Aziz, xuất thân trong một gia đình nhà ngoại giao tại Karachi, sớm thành danh với tư cách là  một chuyên gia tài chính của Hãng Citibank của Mỹ.

Ông là một đồng minh vững chắc của cựu Tổng thống Pervez Musharaf và là một trong số ít chính trị gia ở Pakistan không bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị. Luôn được biết đến với biệt danh "người Mỹ", niềm đam mê của ông là phát triển nền kinh tế Pakistan.

Trong suốt 4 năm Aziz làm Bộ trưởng Tài chính Pakistan dưới quyền Tổng thống Pervez Musharaf (1999-2003), nợ nước ngoài của Pakistan giảm, xuất khẩu tăng, lạm phát được khống chế, tạo nhiều công ăn việc làm, đất nước hồi phục, tổng thu nhập quốc dân tăng tới 6,4%...

Sau này, khi trở thành Thủ tướng, ông đã gặt hái được nhiều trợ giúp của quốc tế và ưu tiên của Mỹ cũng như các nhà cho vay đa quốc gia bởi vì sự ủng hộ nhiệt thành của nước này với cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoài ra, còn 3 vị cựu Thủ tướng khác cũng sinh năm 1949 như: cựu Thủ tướng Thụy Điển Goran Persson (1996-2006), cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (1996-1999) và nhân vật đang gây nhiều tranh cãi ở Thái Lan - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (2001-2006).

Riêng tại Nhật Bản, dù chưa có nguyên thủ nào sinh năm 1949, song nước này đã có tới 3 đời thủ tướng tuổi Sửu (sinh năm 1937) là Ryutaro Hashimoto (1996-1998), Keizo Obuchi (1998-2000) và Yoshiro Mori (2000-2001)

Theo Phan Hiển/Công an nhân dân