1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các hãng vũ khí Mỹ "vớ bẫm" trong năm 2006

(Dân trí) - Thống kê của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết trong tài khóa 2006 (kết thúc vào ngày 31/9), Mỹ đã ký được tổng cộng 21 tỷ USD hợp đồng bán vũ khí các loại.

Chiến tranh, bất ổn thường trực và giá dầu cao đã tạo ra một "cơn bão lợi nhuận khổng lồ" cho các nhà sản xuất vũ khí thế giới.

 

Năm 2006 sẽ là năm làm ăn phát đạt nhất của các tập đoàn sản xuất vũ khí kể từ năm 1993, năm mà ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu thu được 42 tỷ USD nhờ các cuộc chạy đua vũ trang sau chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Đương nhiên, các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ, nước sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đang thu được những món hời lớn.

 

Theo thống kê của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết trong tài khóa 2006 (kết thúc vào ngày 31/9), Mỹ đã ký được tổng cộng 21 tỷ USD hợp đồng bán vũ khí các loại. Số liệu thống kê này có thể đáng tin cậy bởi DSCA luôn được yêu cầu phải thông báo cho Quốc hội Mỹ biết tất cả các hợp đồng bán vũ khí tiềm năng có trị giá từ 14 triệu USD trở lên.

 

Thông báo của DSCA cho biết, trong tài khóa 2006, ngày 28/9 là ngày "ăn đậm" nhất của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ khi các công ty nước này ký được các hợp đồng tổng trị giá 5,5 tỷ USD, trong đó ký hợp đồng với Hàn Quốc trị giá 1,5 tỷ USD liên quan đến tên lửa Patriot, với Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 2,9 tỷ USD liên quan đến máy bay chiến đấu F-16, và phần còn lại thuộc về hai khách hàng là Jordan và Chilê liên quan đến nhiều hạng mục phụ tùng vũ khí khác nhau.

 

Trong các năm trước, đã có lần Mỹ ký được những hợp đồng lớn hơn, chẳng hạn với Pakixtan trị giá 5 tỷ USD cho các máy bay F-16 và với Arập Saudi trị giá 5,8 tỷ USD trang bị cho toàn bộ các nhu cầu của lực lượng an ninh nội địa nước này.

 

Mặc dù không phải tất cả các hợp đồng đều được kết thúc bằng việc giao hàng bởi thực tế cũng có nhiều hợp đồng tiềm năng, nhưng các thông báo của DSCA đã gây ra một xung lực kích thích chạy đua vũ trang. Toàn bộ hợp đồng vũ khí ký kết trong năm 2006 của Mỹ được thống kê là gấp đôi tổng giá trị hợp đồng vũ khí của bất cứ  tài khóa nào khác trong thời gian của chính quyền Bush.

 

Trong trường hợp của Pakistan và các đồng minh "chống khủng bố" khác của Mỹ, buôn bán vũ khí đã bùng nổ khi các lệnh chế tài và cấm vận được áp đặt (liên quan đến nhân quyền hoặc phổ biến hạt nhân) được bãi bỏ. Trong trường hợp của Arập Saudi và các nước giàu có nhờ dầu mỏ khác, giá dầu tăng đã tạo điều kiện để các chế độ cầm quyền mua sắm nhiều vũ khí.

 

Thu lợi nhiều nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải kể đến Lockheed Martin, nhà chế tạo vũ khí lớn nhất thế giới. Hãng sản xuất này đang hy vọng sẽ ký được hơn 10 tỉ USD cho các hợp đồng vũ khí mới trong năm 2007.

 

Mặc dù luôn "chú trọng khẩu hiệu yêu nước" với các ưu tiên cho Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng cũng như các hãng vũ khí khác của Mỹ, Lockheed Martin vẫn thích ký kết các hợp đồng với bên ngoài để có thể thu được lợi nhuận khổng lồ, nhất là các hệ thống vũ khí mà Lầu Năm Góc bảo đảm với các đồng minh. Mọi hợp đồng ký kết với khách hàng bên ngoài đều có triển vọng thu lời lớn và lâu dài nhờ các thỏa thuận cung cấp bảo trì, phụ tùng thay thế và nâng cấp.

 

Tuy nhiên, lợi nhuận của Lockheed Martin, Raytheon hay các hãng khác cũng thường đồng nghĩa với sự bần cùng ở các nước mà vũ khí của họ được vận chuyển đến. Bất chấp việc Mỹ đã có các điều khoản luật pháp chặt chẽ nhất thế giới về buôn bán vũ khí nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng gần một nửa khối lượng vũ khí của Mỹ đổ vào các nước đang điêu đứng vì xung đột hoặc tiềm tàng xung đột.

 

Theo đánh giá thường niên mới công bố hồi cuối tháng 11/2006 (về tình trạng buôn bán vũ khí thông thường tới thế giới đang phát triển) của Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ (CAS), năm 2005, các công ty Mỹ đã cung cấp 11 tỷ USD vũ khí cho các nước đang phát triển, nơi cần khoa học công nghệ hơn là các phương tiện giết người.

 

Năm 2006 là năm thứ 8 Mỹ đứng đầu về chuyển giao vũ khí thực tế trên toàn cầu, trong khi Anh là nước đứng thứ hai (chuyển giao tổng trị giá 3,1 tỷ USD) và Nga đứng hàng thứ ba (với 2,8 tỷ USD). Ba nước này xuất khẩu vũ khí chiếm 70% thị phần vũ khí được chuyển giao thực tế trên toàn cầu năm 2005.

 

Tháng 10/2006, Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu làm việc để thông qua Hiệp ước thương mại vũ khí, trong đó nội dung là hạn chế chuyển giao vũ khí cho các nước lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng và các khu vực xảy ra xung đột. Hiệp ước này cũng sẽ hối thúc các nhà sản xuất hạn chế bán vũ khí khi xét thấy nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự phát triển ở các nước nghèo.

 

Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống lại nghị quyết liên quan đến hiệp ước trên, trong khi 25 nước khác (bao gồm nhiều nước cung cấp vũ khí lớn khác) bỏ phiếu trắng.

 

Đại hội đồng LHQ sẽ tiếp tục bước đi tiếp theo, nhưng thiếu sự tham gia tích cực của Mỹ, nước sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, hiệp ước quan trọng này sẽ không đủ khả năng ngăn chặn xung đột và chiến tranh xuất phát từ các hoạt động buôn bán vũ khí.                                             

 

A.K

Theo Foreign Policy