1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Bộ tứ Normandie": Phần thắng thuộc về Nga và ly khai Donbass?

Tuy chưa có kết quả chính thức của cuộc hội đàm ở Minsk nhưng vẻ mặt tươi cười của phái đoàn Nga cho thấy dự cảm bất lợi cho Ukraine.

Đoàn Nga rạng rỡ

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về tình hình đàm phán giữa các nguyên thủ quốc gia Nga, Đức, Pháp và Ukraine, bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh Minsk, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tươi cười nhận xét ngắn gọn: "Trên cả mức tuyệt vời!".

Trong bối cảnh cuộc hội đàm giữa các nguyên thủ quốc gia trong định dạng “bộ tứ Normandie Quartet” (Nga, Đức, Pháp và Ukraine) đang bước đến giờ đàm phán thứ bảy liên tục ở Minsk, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận xét là đang có những kết quả rất tốt đẹp về giải quyết vấn đề Ukraine.

Không những Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định là cuộc hội đàm tại Minsk về giải quyết vấn đề Ukraine đang diễn ra tích cực mà trợ lý tổng thống Nga Vladislav Surkov cũng đã mỉm cười nói: "Tuyệt vời!" khi các ký giả hỏi về tiến độ đàm phán.

Đầu tiên, cuộc hội đàm trong định dạng Normandie giữa các nhà lãnh đạo của Nga, Pháp, Đức và Ukraine là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko diễn ra trong thành phần hẹp kéo dài gần hai giờ.

Tổng thống Pháp Francoise Hollande và bà thủ tướng Đức, Angela Merkel ngồi chung trên một chiếc ghế dài đặt ở giữa. Họ thể hiện vai trò trung gian và việc chung ghế thể hiện cả hai đầu tàu châu Âu cùng muốn làm cầu nối giữa Nga và chính quyền Kiev.
 
Thái độ của Nga và Ukraine khác nhau một trời một vực

Thái độ của Nga và Ukraine khác nhau một trời một vực

Daily Mail bình luận là cả 2 vị nguyên thủ Đức và Pháp đều có vẻ mệt mỏi vì họ phải liên tục hoạt động ngoại giao con thoi trong những ngày qua để cứu vãn tình hình Ukraine. Hơn nữa, họ quá sốt ruột khi tiến trình hòa bình vẫn chưa có tiến triển gì.

Ông Putin và ông Petro Poroshenko ngồi đối diện nhau trên những chiếc ghế đơn. Trước đó, hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine cũng đã bắt tay nhau nhưng với thái độ khác biệt. Nhìn ông Putin vui vẻ bao nhiêu thì ông Poroshenko trông căng thẳng bấy nhiên.

Điều này phản ánh Ukraine bước vào cuộc họp với cảm giác lép vế khi họ liên tiếp thất thế trên chiến trường miền đông Ukraine. Trong khi ông Putin cười thoải mái vì Nga đóng vai trò làm chủ cuộc chơi tại cuộc họp lần này thì ông Poroshenko có thái độ “khó đăm đăm”. Ngay cả khi bước ra ngoài gọi điện trông ông cũng có phần “kém khí sắc”.

Ukraine lép vế?

Trong cuộc hội đàm giữa 4 nguyên thủ, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã rời phòng họp của "bộ tứ Normandie" trong vài phút để điện đàm với Bộ tổng tham mưu Ukraine - Hãng thông tấn UNN đưa tin, dẫn nguồn từ đại biểu quốc hội phái BPP Irene Frieze.

Sau khi chụp ảnh, các nhà lãnh đạo đã chuyển sang thảo luận trong định dạng mở rộng.

Tại cuộc hội đàm trong định dạng mở rộng, phía Nga có Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, phụ tá tổng thống Yury Ushakov, phát ngôn viên của tổng thống Dmitry Peskov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mỉm cười rạng rỡ trong lúc trả lời phỏng vấn

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mỉm cười rạng rỡ trong lúc trả lời phỏng vấn

Tuy chưa có kết quả chính thức nhưng dựa trên thái độ của đoàn Nga-Ukraine và phát ngôn trong lúc trả lời phỏng vấn của phái đoàn Nga cho thấy, dường như Moscow và phe ly khai Donbass đang thắng thế trên bàn đàm phán.

Được biết, vào tối ngày 11-2, các nhà lãnh đạo tự phong Alexander Zakharchenko của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Igor Plotnitskyi của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã hiện diện tại Minsk để sẵn sàng ký vào văn kiện cuối cùng, nếu cuộc đàm phán của nguyên thủ “Bộ tứ Normandiedie” thành công.

Trước đó, phe ly khai Donbass đã cương quyết giữ nguyên yêu cầu là thỏa thuận ngừng bắn mới phải được phân định trên cơ sở hiện trạng các bên đang nắm giữ hiện nay (phe ly khai chiếm giữ nhiều phần lãnh thổ hơn so với thỏa thuận Minsk tháng 9-2014).

Như vậy, rất có thể là các nguyên thủ Đức và Pháp đã “ép” được Tổng thống Ukraine phải chấp thuận yêu cầu tiên quyết này của phe ly khai.

Như vậy, rất có thể thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ được ký kết nhưng chỉ có Nga và phe ly khai Donbass được “thỏa nguyện”.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn mới được ký kết thì con đường đi đến hòa bình và hòa giải dân tộc của Ukraine vẫn còn rất xa, bởi Mỹ và giới chức lãnh đạo Kiev chắc chắn không chấp nhận một kết quả bất lợi cho mình.

Theo Huy Bình
Đất Việt